|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vietnam Airlines vừa thanh lý hai tàu bay, vẫn còn thừa hàng chục chiếc

08:39 | 15/12/2021
Chia sẻ
Vietnam Airlines hiện có 104 tàu bay, nhiều hơn so với nhu cầu khai thác. Hãng dự định sẽ bán bớt một số tàu cũ để thêm nguồn thu, giảm chi phí.
Vietnam Airlines vừa thanh lý hai tàu bay, vẫn còn thừa hàng chục chiếc - Ảnh 1.

Tàu bay A321 của Vietnam Airlines. (Ảnh: Song Ngọc).

Số chuyến bay ít, tàu nằm đất nhiều

Ngày 30/11 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã quyết định nâng tần suất tối đa của đường bay trục Hà Nội - TP HCM từ 7 chuyến lên 16 chuyến mỗi ngày (bắt đầu từ 1/12) và lên 20 chuyến mỗi ngày (kể từ 15/12). Tần suất các đường bay khác cũng được nâng từ 4 lên 9 chuyến mỗi ngày.

Ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Tổng CTCP Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) cho biết vào giai đoạn cuối năm 2019 khi chưa có COVID, mỗi ngày hàng không nước ta thực hiện khoảng 60 chuyến bay trên chặng Hà Nội – Sài Gòn. Hiện nay các hãng chỉ được bay 16 chuyến, tức là bằng 1/4 thời kỳ trước dịch.

Ông Hà ước tính hệ số sử dụng ghế trên các chuyến bay nội địa chỉ đạt khoảng 50-55% do người dân vẫn lo ngại dịch bệnh và hạn chế đi lại.

Giá vé bình quân trong nước năm 2021 đã giảm 15% so với năm 2020 và sụt 35% so với 2019, phản ánh sự sa sút của nhu cầu cũng như thu nhập của hành khách.

Vietnam Airlines vừa thanh lý hai tàu bay, vẫn còn thừa hàng chục chiếc - Ảnh 2.

Số chuyến bay năm 2021 sụt giảm mạnh so với 2020.

Đối với các đường bay quốc tế, Phó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xem xét mở lại kể từ tháng 1/2022, hiện nay chưa có diễn biến mới. Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết hoạt động vận tải hàng không quốc tế hiện chỉ đạt 1,5 – 1,9% so với giai đoạn trước dịch và có thể coi là "chưa có gì".

Trước dịch, thị trường quốc tế đóng góp 65% doanh thu cho Vietnam Airlines nên việc đường bay nước ngoài vẫn đóng băng gây ra thiệt hại rất lớn.

Trong bối cảnh đó, Vietnam Airlines đã tìm nhiều giải pháp để bù đắp nguồn thu, bao gồm việc đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa. Tổng Giám đốc Lê Hồng Hà cho hay công ty đã tháo ghế ở 6 máy bay thân rộng Airbus A350 và Boeing 787 cùng 7 chiếc thân hẹp A321 để chứa hàng trong khoang hành khách.

"Doanh thu vận tải hàng hóa của Vietnam Airlines trong năm 2021 ước tính khoảng 8.000 tỷ đồng", ông Hà cho hay.

Mặc dù đã chuyển hướng hoạt động kinh doanh từ chở khách sang chở hàng hóa từ sớm nhưng do thiệt hại của dịch bệnh quá lớn, nhiều tàu bay của Vietnam Airlines vẫn đang phải nằm đất.

Tại ngày đại hội cổ đông thường niên (14/7/2021), tổng công ty có 106 tàu bay, sau đó đã bán được hai chiếc thân hẹp Airbus A321 nên hiện còn lại 104 tàu.

Vietnam Airlines vừa thanh lý hai tàu bay, vẫn còn thừa hàng chục chiếc - Ảnh 3.

Vietnam Airlines Group có tổng cộng 104 tàu bay.

Đội bay của Vietnam Airlines bao gồm 29 máy bay thân rộng Boeing 787 và Airbus A350, 7 chiếc cánh quạt ATR72, và còn lại là 66 chiếc A321.

"Theo đánh giá, dự báo thị trường năm 2022 đến năm 2025 với các kịch bản, đội bay của Vietnam Airlines với 104 chiếc là dư, cả về thân rộng lẫn thân hẹp", ông Hà cho hay. Đối với năm 2022, Vietnam Airlines thừa 8 chiếc thân rộng và 20 chiếc thân hẹp A321.

Tổng Giám đốc Vietnam Airlines ước tính thị trường vận tải hàng không nội địa năm 2022 sẽ chỉ bằng 70-75% so với trước dịch, hàng không quốc tế chỉ bằng 25%. Muốn hồi phục hoàn toàn, ngành hàng không Việt Nam có thể phải đợi đến 2023 - 2024.

Vietnam Airlines tái cơ cấu tổng thể

Để giảm thiểu chi phí liên quan tới dư thừa công suất, Vietnam Airlines đề ra phương án tái cơ cấu đội bay với các nội dung: Đàm phán với đối tác để lùi lịch nhận tàu bay mới, đề nghị giảm thiểu giá thuê, giãn và hoãn thời hạn thanh toán tiền thuê tàu bay, hủy một số hợp đồng thuê tàu bay chưa nhận.

Ngoài ra, đại hội cổ đông bất thường ngày 14/12 còn phê duyệt chủ trương tái cơ cấu với nhiều mảng hoạt động khác như:

Tái cơ cấu tài sản: Thanh lý các tàu bay cũ, bán và thuê lại (SLB) máy bay mới để hiện đại hóa đội tàu thân hẹp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm chi phí vận hành, đảm bảo nguồn lực máy bay để đáp ứng nhu cầu thị trường giai đoạn phục hồi sau dịch bệnh.

Tái cơ cấu nguồn vốnPhát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ nhằm đảo bảo có nguồn vốn hợp lý, phù hợp với quy mô kinh doanh thích nghi với tình hình mới, tăng cường tiềm lực tài chính; huy động nguồn vốn từ bên ngoài với chi phí hợp lý thông qua các kênh: phát hành trái phiếu, vay thương mại các tổ chức tín dụng trong nước; giãn-hoãn trả nợ vay sang các năm sau.

Tái cơ cấu danh mục đầu tư và các doanh nghiệp thành viên: Chuyển nhượng vốn, cổ phần hóa, bán một số danh mục đầu tư, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính là vận tải hàng không và các dịch vụ đồng bộ cho ngành hàng không, bổ sung thu nhập bù đắp lỗ lũy kế và dòng tiền.

Tái cơ cấu tổ chức: Thay đổi bộ máy theo hướng tinh gọn hơn, giảm các tầng nấc trung gian, sắp xếp lại lao động; xây dựng, điều chỉnh lại quy chế, quy trình thực hiện công việc, đầu tư công nghệ để nâng cao năng suất lao động; loại bỏ, thu hẹp hoặc hợp nhất những bộ phận, lĩnh vực không phù hợp trong tình hình mới.

Tái cơ cấu danh mục đất và tài sản trên đất: Rà soát và xây dựng phương án sử dụng đất và tài sản trên đất để quản lý tập trung, thống nhất, gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines.

Tái cơ cấu đổi mới quản trị doanh nghiệp: Cải thiện năng lực quản trị điều hành trên mọi lĩnh vực của toàn hệ thống, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Lãnh đạo Vietnam Airlines dự tính số lỗ của năm 2021 sẽ ít hơn kế hoạch đề ra hồi giữa năm và cổ phiếu HVN vẫn sẽ đủ điều kiện niêm yết ở HOSE.

Song Ngọc - Đức Quyền