|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tiền mặt của Vietnam Airlines tăng hơn 5 lần trong một quý, nguy cơ phá sản lắng dịu

18:43 | 29/11/2021
Chia sẻ
Giá trị tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của Vietnam Airlines tại ngày 30/9/2021 đạt mức cao nhất kể từ cuối năm 2019 trở lại đây.
Tiền mặt của Vietnam Airlines tăng hơn 5 lần trong một quý, nguy cơ phá sản lắng dịu - Ảnh 1.

Trên chuyến bay thương mại thường lệ Việt - Mỹ đầu tiên của Vietnam Airlines, ngày 28/11/2021. (Ảnh: HVN).

Vietnam Airlines tăng vốn, tăng tiền mặt

Theo báo cáo tài chính hợp nhất mới được Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) công bố, tổng giá trị tiền mặt và tiền gửi ngân hàng tại ngày cuối tháng 9/2021 là gần 8.300 tỷ đồng, cao nhất kể từ cuối quý III/2019 (khi chưa bùng dịch COVID-19) và gấp hơn 5 lần so với thời điểm cuối quý II năm nay.

Trong đại dịch, số dư tiền của Vietnam Airlines liên tục sa sút hết quý này sang quý khác. Tăng trưởng đột biến trong quý III vừa qua đến từ đợt chào bán 800 triệu cổ phiếu HVN cho cổ đông hiện hữu. Sau đợt chào bán, các nhà đầu tư đã mua tổng cộng hơn 796 triệu đơn vị HVN, giúp tổng công ty có thêm 7.961 tỷ đồng tiền mặt.

Ngoài ra, Vietnam Airlines còn bắt đầu được ba ngân hàng là SHB, MSB và SeABank giải ngân khoản vay ưu đãi lãi suất trị giá 4.000 tỷ đồng.

Tiền mặt của Vietnam Airlines tăng hơn 5 lần trong một quý, nguy cơ phá sản lắng dịu - Ảnh 2.

Tại ngày 30/9, tổng nợ phải trả của Vietnam Airlines là gần 3 tỷ USD, trong đó quá nửa là vay và nợ thuê tài chính. Giá trị các khoản phải trả ngắn hạn cũng lên tới hơn 21.300 tỷ đồng.

Hiện không rõ số nợ quá hạn vào ngày cuối quý III là bao nhiêu. Còn tại ngày 30/6 năm nay, tổng công ty đang nợ quá hạn hơn 14.800 tỷ đồng, cao gấp 2,2 lần so với ngày đầu năm. Vietnam Airlines đã tích cực đàm phán với các đối tác và nhà cung cấp về phương án giãn hoãn nợ nhưng vẫn cần thanh toán một phần nghĩa vụ đến hạn.

Giữa tháng 6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cảnh báo về việc Vietnam Airlines "đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản". Số tiền hàng chục nghìn tỷ đồng huy động thêm trong quý III giúp Vietnam Airlines có thêm nguồn lực để trả nợ, qua đó tránh nguy cơ phá sản trong ngắn hạn.

Tiền mặt của Vietnam Airlines tăng hơn 5 lần trong một quý, nguy cơ phá sản lắng dịu - Ảnh 3.

Đợt phát hành cổ phiếu tháng 9 vừa qua không chỉ giúp Vietnam Airlines có thêm lượng thanh khoản đáng quý mà còn bổ sung vốn điều lệ, giúp tổng công ty tạm thời thoát cảnh âm vốn chủ sở hữu.

Tiền mặt của Vietnam Airlines tăng hơn 5 lần trong một quý, nguy cơ phá sản lắng dịu - Ảnh 4.

Trong một thông tin đáng mừng cho Tổng công ty Hàng không nói riêng và ngành hàng không nước nhà nói chung, ngày 28/11 vừa qua, Vietnam Airlines đã trở thành hãng bay Việt Nam đầu tiên thực hiện chuyến bay thẳng thường lệ Việt - Mỹ.

Hành trình từ Tân Sơn Nhất đến San Francisco (bang California) dài hơn 13.000 km, không quá cảnh và không có điểm dừng tiếp nhiên liệu giữa đường, được Vietnam Airlines thực hiện bằng tàu thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner trong 13 giờ 45 phút.

Trong giai đoạn đầu, Vietnam Airlines sẽ khai thác định kỳ hai chuyến mỗi tuần giữa TP HCM và San Francisco. Hãng dự kiến tăng lên 7 chuyến/tuần sau khi dịch bệnh được kiểm soát và Chính phủ Việt Nam cho phép mở lại các đường bay thương mại quốc tế.

Những khó khăn còn ở phía trước

Tuy tình hình thanh khoản đã được cải thiện, Vietnam Airlines vẫn còn nhiều việc phải lo. Quý III vừa qua, tổng công ty lỗ sau thuế 3.351 tỷ đồng, ghi nhận quý thua lỗ thứ 7 liên tiếp.

Lỗ lũy kế tại ngày 30/9 đã lên tới 21.200 tỷ đồng, rất gần với con số 22.144 tỷ đồng vốn điều lệ. Vốn chủ sở hữu nói chung đã không còn âm như tại ngày 30/6 nhưng cũng chỉ đạt 1.475 tỷ đồng.

Nếu kết quả kinh doanh quý IV lỗ từ khoảng 1.500 tỷ trở lên, Vietnam Airlines sẽ một lần nữa rơi vào cảnh lỗ lũy kế vượt vốn vốn điều lệ và âm vốn chủ. Theo pháp luật về chứng khoán hiện nay, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines có thể bị hủy niêm yết bắt buộc, phải rời sàn HOSE để chuyển xuống giao dịch ở thị trường UPCoM.

Trước khi đến với HOSE vào tháng 5/2019, Vietnam Airlines đã có hơn hai năm giao dịch ở UPCoM. Một hãng hàng không khác là Bamboo Airways mới đây cũng đã thông báo kế hoạch đưa 1,85 tỷ cổ phiếu BAV lên UPCoM với giá tối thiểu 60.000 đồng/cp, tương đương vốn hóa 111.000 tỷ đồng.

Những ngày gần đây, sự xuất hiện của biến thể COVID-19 mới có tên Omicron khiến cho triển vọng hồi phục của ngành hàng không thế giới nói chung và Vietnam Airlines nói riêng thêm bất định.

Hiện nay chưa có thông tin chắc chắn về khả năng lây nhiễm, kháng vắc xin hay mức độ nguy hại của Omicron. Tuy vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đánh giá rủi ro mà biến thể mới này gây ra với toàn cầu là "rất cao" và hối thúc các quốc gia thành viên chuẩn bị ứng phó.

Ở trong nước, số chuyến bay của các hãng hàng không giai đoạn 19/10 - 18/11 đã hồi phục mạnh so với tháng liền trước nhưng vẫn còn rất thấp so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu COVID-19 tái bùng phát, khó khăn đối với các hãng - trong đó có Vietnam Airlines - sẽ là rất lớn.

Tiền mặt của Vietnam Airlines tăng hơn 5 lần trong một quý, nguy cơ phá sản lắng dịu - Ảnh 7.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Song Ngọc - Đức Quyền