Bamboo Airways tham vọng vốn hóa gần 5 tỷ USD – gấp đôi Vietnam Airlines: Thực lực các hãng ra sao?
Ông Nguyễn Khắc Hải, Phó Tổng Giám đốc Bamboo Airways vừa cho biết hãng hàng không này dự định đưa mã cổ phiếu BAV lên thị trường UPCoM vào quý I/2022 với giá không thấp hơn 60.000 đồng/cp.
Tháng 9 vừa qua, Bamboo Airways tăng vốn điều lệ lên 18.500 tỷ đồng, tương ứng với 1,85 tỷ cổ phần lưu hành.
Tạm tính theo giá tối thiểu 60.000 đồng/cp, vốn hóa của Bamboo Airways trong ngày đầu ở UPCoM có thể lên tới 111.000 tỷ đồng, tương ứng gần 5 tỷ USD.
Hiện nay vốn hóa của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) là khoảng 52.000 tỷ và của Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Mã: VJC) là khoảng 69.000 tỷ. Có thể thấy vốn hóa mục tiêu của Bamboo Airways lớn gấp hơn hai lần giá trị niêm yết của Vietnam Airlines hiện nay và gần bằng tổng vốn hóa của Vietnam Airlines và Vietjet.
Tham vọng lên sàn từ 2019
Từ tháng 10/2019, chính Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Khắc Hải đã chia sẻ về kế hoạch lên sàn của Bamboo Airways.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Bloomberg, ông Hải cho biết Bamboo Airways dự định niêm yết 400 triệu cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) hoặc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vào tháng 1/2020 với giá ban đầu khoảng 50.000 – 60.000 đồng/cp.
"Chúng tôi kì vọng thị trường chứng khoán sẽ diễn biến tích cực từ nay cho đến năm sau, các điều kiện vĩ mô hiện đều đang rất khả quan", ông Hải nói.
Một tháng trước đó, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch của cả Tập đoàn FLC và Bamboo Airways kỳ vọng hãng bay mang thương hiệu cây tre sẽ huy động được khoảng 100 triệu USD trong đợt IPO tương lai.
Với giá mục tiêu 60.000 đồng/cp và khối lượng 400 triệu cổ phiếu lưu hành vào cuối năm 2019, Bamboo Airways hy vọng vốn hóa đạt khoảng 24.000 tỷ đồng (tức hơn 1 tỷ USD).
Trong một buổi gặp gỡ báo chí ngày 26/12/2019, ông Trịnh Văn Quyết nói về hoạt động của hãng hàng không: "Còn mấy ngày nữa, sau 31/12 chúng tôi sẽ công bố lãi lỗ cụ thể. Chắc là sẽ đủ điều kiện để niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), nói vậy thì các bạn biết là lãi hay lỗ".
"Đến bây giờ Bamboo Airways cơ bản đã hoàn thành kế hoạch, hoàn thành định hướng, chiến lược đề ra", ông Quyết nói thêm.
Ngày 8/1/2020, ông Đặng Tất Thắng, Tổng Giám đốc Bamboo Airways cho biết hãng này lãi trước thuế 303 tỷ đồng trong năm 2019, mục tiêu năm 2020 lãi 1.000 tỷ đồng. Ông Thắng cũng lùi kế hoạch niêm yết cổ phiếu lên sàn HOSE từ quý I sang quý II/2020.
Đến tháng 5/2020, Chủ tịch Trịnh Văn Quyết tuyên bố lùi kế hoạch niêm yết Bamboo Airways sang quý IV cùng năm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Hãng cũng thông báo lỗ 1.500 tỷ đồng trong quý I do các đường bay bị đóng băng.
Tháng 3/2021, khi trả lời phỏng vấn Bloomberg, Chủ tịch Trịnh Văn Quyết tái khẳng định kế hoạch niêm yết Bamboo Airways trên sàn HOSE hoặc HNX, giá mục tiêu vẫn là 60.000 đồng/cp.
Thực tế đã không diễn ra suôn sẻ như dự tính của các lãnh đạo hãng hàng không. COVID-19 liên tục tái bùng phát và các đường bay thường xuyên phải dừng đã gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động doanh nghiệp.
Ngày 19/11 vừa qua, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Khắc Hải cho biết Bambo Airways vẫn hướng tới mức giá 60.000 đồng/cp nhưng sẽ không niêm yết ở HOSE hay HNX mà đăng ký giao dịch ở thị trường UPCoM.
Trong hơn hai năm từ tháng 10/2019 đến tháng 11/2021, Bamboo Airways đã nhiều lần tăng vốn điều lệ từ 4.050 tỷ đồng lên 18.500 tỷ đồng, tương ứng với số cổ phiếu tăng từ 405 triệu đơn vị lên 1,85 tỷ đơn vị.
Tuy nhiên, giá mục tiêu vẫn luôn được giữ nguyên ở mức 60.000 đồng/cp, đồng nghĩa với việc ban lãnh đạo Bamboo Airways tin rằng định giá của hãng đã tăng 4,6 lần trong hai năm qua, từ khoảng 24.000 tỷ đồng lên 111.000 tỷ.
Cán cân lực lượng Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways
Xét về vốn điều lệ (và tương ứng là số cổ phiếu), Vietnam Airlines đang dẫn đầu, theo sau là Bamboo Airways và cuối cùng là Vietjet.
Xét về vốn hóa, như đã nói ở trên, Vietjet Air hiện nay đang đứng trên Vietnam Airlines. Tuy nhiên, Bamboo Airways còn đặt mục tiêu vượt qua cả hai đàn anh, thậm chí gần bằng Vietjet và Vietnam Airlines cộng lại.
Xét về đội bay, Vietnam Airlines đang xếp thứ nhất với 97 chiếc bao gồm đủ chủng loại thân hẹp, thân rộng, cánh quạt. Vietjet có 74 chiếc chỉ gồm dòng thân hẹp. Bamboo Airways có 29 chiếc gồm các loại thân rộng, thân hẹp và phản lực khu vực E190/195.
Về kết quả kinh doanh, năm 2019 Bamboo Airways báo lãi trước thuế 303 tỷ đồng, năm 2020 tiếp tục lãi trước thuế 17,2 triệu USD (tương đương gần 400 tỷ đồng). Hiện chưa rõ kết quả kinh doanh trong các quý đầu 2021.
Vietnam Airlines ghi nhận lỗ thuần gần 11.200 tỷ đồng trong năm 2020 và lỗ hơn 8.600 tỷ trong nửa đầu 2021. Vietjet Air lãi sau thuế gần 69 tỷ trong năm ngoái và 122 tỷ trong nửa đầu năm nay.
Số chuyến bay của các hãng đều suy giảm sâu trong đại dịch. Vietnam Airlines vẫn nắm giữ thị phần lớn nhất, theo sau là Vietjet Air và Bamboo Airways.
Vietnam Airlines và Vietjet Air đang niêm yết cổ phiếu ở sàn HOSE, còn Bamboo Airways dự định đăng ký giao dịch ở UPCoM, tức là thị trường dành cho các công ty đại chúng chưa niêm yết (tiếng Anh là Unlisted Public Company Market).
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 3, Văn bản hợp nhất số 28/VBHN-BTC ban hành ngày 15/3/2019, các đối tượng đăng ký giao dịch ở UPCoM bao gồm:
a) Công ty đại chúng không đủ điều kiện niêm yết.
b) Công ty đại chúng đủ điều kiện niêm yết nhưng chưa niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán.
c) Công ty hủy niêm yết phải đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM nếu vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng (bao gồm cả trường hợp bị hủy niêm yết do công ty hình thành sau hợp nhất, sáp nhập, hoán đổi không đáp ứng điều kiện niêm yết);
d) Doanh nghiệp cổ phần hóa theo quy định pháp luật về cổ phần hóa chưa niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán thì phải đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM.
Vietnam Airlines từng giao dịch ở UPCoM từ tháng 1/2017. Đến tháng 4/2019, hơn 1,4 tỷ cổ phiếu HVN mới được niêm yết và từ ngày 7/5/2019 bắt đầu giao dịch ở sàn HOSE. Cổ phiếu VJC của Vietjet được niêm yết ở HOSE từ tháng 2/2017.
Tính đến hết phiên 19/11, thị trường UPCoM có 893 công ty đăng ký giao dịch với tổng vốn hóa hơn 1,43 triệu tỷ đồng; HOSE có 415 công ty niêm yết và vốn hóa gần 5,7 triệu tỷ đồng; HNX có 345 công ty niêm yết với tổng giá trị 483.500 tỷ đồng.