Chủ tịch Đặng Ngọc Hòa: Vietnam Airlines được giảm 1 tỷ USD chi phí thuê tàu bay các năm tới
COVID-19 đang đặt ra những thách thức chưa từng có cho Vietnam Airlines nói riêng và ngành hàng không nói chung.
Quý III các năm trước thường là giai đoạn hoạt động cao điểm khi học sinh được nghỉ hè và các gia đình lên máy bay đi du lịch. Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hòa cho biết Vietnam Airlines từng khai thác 500 – 550 chuyến bay mỗi ngày hè khi chưa có đại dịch, nhưng đến năm 2021 này, có nhiều ngày hãng không thực hiện bất cứ chuyến bay thương mại nào.
Tổng số chuyến bay trong 9 tháng đầu năm nay của Vietnam Airlines giảm 39% so với cùng kỳ 2020 và sụt tới 60% so với 9 tháng đầu 2019 khi đại dịch chưa bùng phát. Riêng trong tháng 8 và 9, số chuyến bay chỉ bằng khoảng 1/10 trước dịch.
Một trong những giải pháp của Vietnam Airlines là đàm phán cắt, giảm, giãn, hoãn chi phí với đối tác cho thuê máy bay và sản phẩm dịch vụ khác. Chủ tịch Đặng Ngọc Hòa cho biết các cuộc đàm phán trong quý III vừa qua sẽ giúp Vietnam Airlines giảm khoảng 1 tỷ USD (tức 23.000 tỷ đồng) chi phí thuê máy bay trong các năm tới.
Tại ngày 30/6 năm nay, đội bay của Vietnam Airlines có 107 chiếc, bao gồm 56 chiếc đi thuê và 51 chiếc tự sở hữu.
Phần lớn loại tàu bay mà Vietnam Airlines sở hữu là dòng thân hẹp thế hệ cũ A321CEO. Trong năm 2021, tổng công ty có kế hoạch bán 11 chiếc loại này để bổ sung dòng tiền và giảm chi phí bảo dưỡng.
Hãng cũng đàm phán với đối tác để đẩy lùi lịch giao tàu bay hoặc hủy các hợp đồng mua do đang dư thừa công suất quá nhiều, đa phần đội bay phải nằm sân.
Thương lượng giảm chi phí thuê tàu bay và bán bớt tàu bay cũ là hai trong số những giả định của Vietnam Airlines khi xây dựng kế hoạch kinh doanh lỗ sau thuế 14.526 tỷ đồng cả năm nay và vốn chủ sở hữu dương 11 tỷ đồng tại ngày 31/12.
Ngoài ra, tổng công ty còn kỳ vọng cải thiện doanh thu trên các chuyến bay nội địa, khai thác các chuyến chuyên chở hàng hóa, hồi hương, bán combo cách ly tự nguyện; mong muốn Chính phủ cho phép mở cửa du lịch đến Phú Quốc, áp dụng thí điểm hộ chiếu vắc xin, …
Trong quý III, Vietnam Airlines đã nhận được gần 12.000 tỷ đồng từ gói hỗ trợ của Chính phủ, bao gồm 4.000 tỷ vay với lãi suất ưu đãi và 7.961 tỷ thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu.
Tổng công ty ước tính tổng chi phí cắt giảm trong năm 2021 này là xấp xỉ 11.000 tỷ đồng, trong đó các giải pháp tự thân và đàm phán với đối tác giúp giảm gần 6.900 tỷ, còn lại là từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Việc tổ chức lại lao động và sản xuất như giảm 4 đầu mối cấp ban ở tổng công ty và giảm khoảng 70 đầu mối cấp phòng ở các đơn vị trực thuộc ước tính sẽ giúp cắt khoảng 800 tỷ đồng chi phí trong năm nay.
Trong bối cảnh hoạt động vận tải hàng không tê liệt vì dịch bệnh, nhiều khoản chi phí biến động cũng đã giảm xuống theo doanh thu. Lương bình quân của đội ngũ phi công sụt từ gần 138 triệu đồng/người/tháng trong năm 2019 xuống chỉ còn 41 triệu đồng/người/tháng trong nửa đầu 2021.
Chi phí của Vietnam Airlines còn giảm xuống nhờ việc thay đổi cách tính khấu hao tài sản cố định. Trước đại dịch, máy bay của hãng được khấu hao theo phương pháp đường thẳng. Tuy nhiên trong năm 2020 Vietnam Airlines đã được cho phép tính chi phí khấu hao theo số giờ khai thác thực tế.
Do tàu bay phải nằm đất nhiều nên cách tính mới này sẽ có lợi hơn so với phương pháp đường thẳng. Năm 2020, nhờ điều chỉnh khấu hao và phân bổ chi phí sửa chữa, bảo dưỡng mà Vietnam Airlines giảm chi phí 3.145 tỷ đồng.
Trong nửa đầu năm 2021, tổng công ty cũng giảm lỗ khoảng 2.200 tỷ bằng cách tính khấu hao bất thường này. Các hãng hàng không khác như Vietjet Air vẫn phải áp dụng phương pháp khấu hao đường thẳng.