Vietnam Airlines khẳng định số lỗ cả năm 2021 sẽ ít hơn kế hoạch
Hồi tháng 7 năm nay, Đại hội cổ đông thường niên của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) đã thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần hợp nhất 37.364 tỷ đồng, lỗ sau thuế hợp nhất 14.526 tỷ - trong đó riêng công ty mẹ lỗ 12.908 tỷ.
Tại đại hội cổ đông bất thường tổ chức sáng nay 14/12, Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền cho biết hoạt động của ngành hàng không hiện nay có nhiều điểm xấu hơn so với dự kiến của Vietnam Airlines tại thời điểm tổ chức đại hội thường niên.
"Với nỗ lực tự thân là quan trọng nhất, sau đó là chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đến thời điểm này Vietnam Airlines có thể khẳng định kết quả kinh doanh của công ty mẹ năm 2021 sẽ tốt hơn mục tiêu", ông Trần Thanh Hiền nói. "Kế hoạch báo cáo đại hội thường niên là lỗ khoảng 12.900 tỷ, chúng tôi đánh giá chắc chắn đến cuối năm mức lỗ sẽ thấp hơn con số này".
Liên tục trong 4 quý của năm 2020 và ba quý đầu 2021, Vietnam Airlines đều thua lỗ. Tổng mức lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ trong 9 tháng đầu năm nay là khoảng 11.827 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh bi đát này đến từ việc hoạt động hàng không liên tục bị đóng băng bởi dịch COVID-19 hoành hành đợt 3 vào cao điểm Tết Nguyên đán và đợt 4 từ cao điểm hè đến nay.
Trong 11 tháng đầu năm, Vietnam Airlines Group (bao gồm ba hãng hàng không là Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco) thực hiện tổng cộng hơn 54.600 chuyến bay, giảm gần 46% so với cùng kỳ năm ngoái mặc dù năm 2020 đã chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh. Số chuyến bay của Vietjet Air và Bamboo Airways cũng giảm tương ứng 46% và 10%.
Tuy vậy, các quy định hạn chế đã dần được nới lỏng trong những tháng gần đây, số chuyến bay bắt đầu được cải thiện.
Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền cho biết dòng tiền hoạt động của Vietnam Airlines vẫn còn rất nhiều khó khăn. Tổng công ty có may mắn hơn các hãng hàng không khác khi được hỗ trợ thanh khoản kịp thời 12.000 tỷ đồng, bao gồm khoảng 8.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và 4.000 tỷ đồng vốn vay.
Hiện nay, Vietnam Airlines đã giải ngân được khoảng 60% các gói hỗ trợ trên và thoát khỏi nguy cơ mất khả năng thanh toán, ông Hiền thông tin thêm.
"Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh diễn biến như hiện nay, gói 12.000 tỷ đồng chỉ đủ hỗ trợ bù đắp những thiệt hại của năm 2020, không đủ để bù đắp cho thiệt hại do dịch bệnh trong năm 2021. Hiện nay tình hình dòng tiền, công nợ, tài chính vẫn trong trạng thái mất cân đối và khó khăn", Kế toán trưởng của Vietnam Airlines nói.
Vietnam Airlines đã lập kế hoạch tái cơ cấu tổng thể hoạt động, trong đó có lĩnh vực tài chính. Theo đó, tổng công ty sẽ phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, huy động vốn từ bên ngoài với chi phí hợp lý thông qua kênh trái phiếu, vay thương mại từ các tổ chức tín dụng trong nước, …
Ông Hiền cho biết kế hoạch cụ thể đang được trình lên các cơ quan chức năng chờ phê duyệt và sẽ được thông báo tới cổ đông vào thời điểm thích hợp.
"Vietnam Airlines xây dựng phương án tái cơ cấu phục hồi năng lực tài chính dựa trên rất nhiều kịch bản, giả định, và tình huống khác nhau, để đảm bảo bao quát được khả năng phục hồi của thị trường và các tình huống có thể xảy ra", ông Hiền nói.
"Quý vị đặt câu hỏi: Nếu cơ cấu tài sản, nguồn vốn, dòng tiền, ... không thực thi được thì Vietnam Airlines có biện pháp nào để đảm bảo an toàn không? Trong xây dựng đề án chúng tôi đã tính đến các phương án này [...], đảm bảo backup lẫn nhau, đảm bảo thanh khoản để vượt qua đại dịch, giảm thiểu lỗ lũy thuế, có nguồn lực tài chính để phục hồi sau đại dịch".