Chủ tịch Vietnam Airlines: Cổ phiếu HVN đủ điều kiện ở lại HOSE
Tại đại hội cổ đông bất thường sáng 14/12/2021, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) đã trình bày đề án tái cơ cấu tổng thể do ảnh hưởng của COVID-19, trong đó có nội dung tái cơ cấu nguồn vốn.
Tháng 9 vừa qua, Vietnam Airlines đã phát hành 796 triệu cổ phiếu HVN cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp, qua đó thu về 7.961 tỷ đồng tiền mặt và tăng vốn điều lệ một lượng tương ứng.
Nhờ có dòng tiền tăng thêm này, vốn chủ sở hữu của tổng công ty đã chuyển từ âm vào cuối quý II thành dương vào cuối quý III.
Vietnam Airlines dự định sẽ tiếp tục phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ và cải thiện năng lực tài chính.
Kế toán trưởng Thần Thanh Hiền cho biết Vietnam Airlines đang chuẩn bị lập báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2021. "Mục tiêu là vốn chủ sở hữu cuối năm sẽ là số dương", ông Hiền cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Đặng Ngọc Hòa cho biết Vietnam Airlines sẽ đáp ứng được các điều kiện để hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN sẽ tiếp tục niêm yết ở Sàn Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), không phải chuyển xuống giao dịch ở thị trường UPCoM.
"Chúng tôi vẫn xác định cổ phiếu Vietnam Airlines sẽ duy trì ở sàn HOSE. Chúng tôi có tất cả giải pháp để đảm bảo doanh thu, cắt giảm chi phí, đáp ứng các tiêu chuẩn để vẫn niêm yết ở HOSE", Chủ tịch Vietnam Airlines nói.
Tại ngày 30/9 năm nay, Vietnam Airlines có tổng nguồn vốn 67.076 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu chỉ 1.475 tỷ. Lỗ lũy kế lên tới gần 21.200 tỷ đồng, sắp vượt con số vốn điều lệ 22.144 tỷ đồng.
Theo quy định tại Điều 120, Nghị định 155/2020, cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc nếu "Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong ba năm liên tục; hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp; hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét".
Cổ phiếu HVN đang có nguy cơ bị hủy niêm yết do vốn chủ sở hữu cuối năm 2021 bị âm hoặc lỗ lũy kế vượt qua vốn điều lệ thực góp hoặc cả hai lý do trên. Tổng công ty đã thua lỗ 7 quý liên tiếp, tổng lỗ sau thuế trong 9 tháng đầu năm nay là 12.153 tỷ đồng.
Để có thể ở lại sàn HOSE, Vietnam Airlines sẽ cần báo cáo kết quả kinh doanh quý IV khả quan để vốn chủ sở hữu tiếp tục dương và lỗ lũy kế không vượt vốn điều lệ.
Vietnam Airlines đã từng đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép tạo cơ chế đặc thù để cổ phiếu HVN tiếp tục được niêm yết khi âm vốn chủ sở hữu. Đến nay, Chính phủ chưa có chỉ đạo chính thức về vấn đề này.
Nhiều chuyên gia đánh giá việc đặc cách cho Vietnam Airlines là làm trái với quy định chung, thể hiện cách đối xử không công bằng, tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh và gây ra sự ỷ lại. Vì vậy, nhiều khả năng Vietnam Airlines sẽ không thể trông chờ vào cơ chế riêng để ở lại HOSE mà phải dùng năng lực tự thân của mình.