|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vietnam Airlines vượt bão 2021, triển vọng nào chờ đợi trong 2022?

07:34 | 01/01/2022
Chia sẻ
Các gói hỗ trợ nặng đô của Nhà nước đã giúp Vietnam Airlines vượt qua năm 2021 nhiều chông gai. Năm 2022 hứa hẹn có nhiều tín hiệu khả quan hơn.
Vietnam Airlines vượt bão 2021, hy vọng tươi sáng năm 2022 - Ảnh 1.

Tàu bay Vietnam Airlines bọc kín động cơ khi phải nằm đất trong thời gian dài. (Ảnh: HVN).

Đời không như mơ

Cuối năm COVID thứ nhất 2020, nhiều chuyên gia đã dự báo lạc quan về triển vọng hồi phục kinh tế trong năm 2021.

Trên các diễn đàn mạng của Việt Nam, một hình ảnh ẩn dụ xuất hiện phổ biến: Năm con chuột 2020 (Canh Tý), mọi người phải ở nhà dài ngày trong các đợt giãn cách xã hội, giống như chuột phải chốn chui chốn lủi trong hang. Năm con trâu 2021 (Tân Sửu), con người phải ra ngoài, đi cày như trâu để trả nợ cho năm 2020 không làm ăn được gì.

Thực tế không phải màu hồng như dự báo.

Tại Việt Nam, dịch COVID-19 bùng phát đợt 3 đúng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu khiến nhiều người từ bỏ dự định về quê, ngành hàng không mất đi một cơ hội gỡ gạc sau năm 2020 thất bát.

Đợt 3 vừa lắng xuống thì đợt 4 lại nổi lên với chủng Delta. Số ca nhiễn trong các đợt trước chỉ khoảng vài chục hoặc vài trăm ca một ngày thì giai đoạn tháng 8-9/2021 vọt lên tới hàng chục nghìn ca/ngày.

Vietnam Airlines vượt bão 2021, hy vọng tươi sáng năm 2022 - Ảnh 2.

Số chuyến bay của ngành hàng không Việt Nam năm 2020 đã sụt tới 34% so với 2019, nhưng số chuyến của năm 2021 lại tiếp tục giảm thêm khoảng 41% so với 2020.

Hoạt động hàng không trong tháng 8 và 9 thậm chí còn phá đáy của tháng 4/2020 khi cả nước ta giãn cách xã hội lần 1.

Trong cả quý III năm nay, Vietnam Airlines Group (gồm ba hãng hàng không là Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco) chỉ khai thác 3.684 chuyến, giảm 86% so với cùng kỳ 2020.

Vietnam Airlines vượt bão 2021, hy vọng tươi sáng năm 2022 - Ảnh 3.

Không những dịch bệnh nghiêm trọng hơn, hoạt động bị hạn chế nhiều hơn mà sức chịu đựng của các doanh nghiệp hàng không cũng suy yếu sau thời gian dài cầm cự.

Báo cáo tháng 6 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định Vietnam Airlines "đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản".

Tính đến cuối tháng 6, Vietnam Airlines đang nợ quá hạn 14.805 tỷ, cao gấp 2,2 lần 6 tháng trước đó. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh nửa đầu năm tiếp tục âm 724 tỷ.

Do thua lỗ liên tục nhiều quý, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines rơi vào trạng thái âm, cổ phiếu HVN bị đưa vào diện kiểm soát.

Vietnam Airlines vượt bão 2021, hy vọng tươi sáng năm 2022 - Ảnh 5.

Vietnam Airlines nhận cứu trợ, vốn chủ hết âm

Chủ trương cứu trợ cho hãng hàng không quốc gia đã được Quốc hội thông qua từ cuối năm 2020 với hai cấu phần chính có tổng giá trị 12.000 tỷ đồng.

Thứ nhất, Vietnam Airlines được phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để huy động 8.000 tỷ đồng mà không cần đáp ứng điều kiện làm ăn có lãi trong năm liền trước theo quy định của Luật Chứng khoán 2019. Chính phủ sẽ góp vốn thông qua việc mua cổ phiếu HVN phát hành thêm theo đúng tỷ lệ sở hữu.

Thứ hai, Vietnam Airlines được vay 4.000 tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại với lãi suất ưu đãi. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tái cấp vốn các khoản vay này với lãi suất 0%.

Phải đợi đến sau khi các cơ quan chức năng ban hành những hướng dẫn cụ thể, dòng tiền mới chảy về tới doanh nghiệp.

Ngày 13/9/2021, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã thực hiện quyền mua 689,5 triệu cổ phiếu HVN, trị giá 6.895 tỷ đồng. Tổng cộng, Vietnam Airlines đã chào bán 800 triệu đơn vị HVN, các cổ đông mua 796 triệu đơn vị và "bơm" cho tổng công ty thêm hơn 7.960 tỷ đồng.

Ba nhà băng là SeABank, SHB và MSB cũng đã ký hợp đồng tín dụng với Vietnam Airlines vào ngày 7/7/2021 và bắt đầu giải ngân gói vay ưu đãi 4.000 tỷ đồng

Cần lưu ý rằng Nhà nước đã tạo điều kiện về cơ chế để Vietnam Airlines huy động được gần 12.000 tỷ đồng thanh khoản trong lúc khó khăn, còn số tiền mà Nhà nước trực tiếp chi ra để giải cứu là 6.895 tỷ đồng. Số tiền còn lại do các ngân hàng và cổ đông nhỏ lẻ bỏ ra.

Nhờ được bơm thêm lượng vốn khủng, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines đã chuyển sang dương.

Vietnam Airlines vượt bão 2021, triển vọng nào chờ đợi trong 2022? - Ảnh 6.

Phát biểu tại đại hội cổ đông bất thường ngày 14/12 mới đây, Kế toán trưởng Trần Thanh Hiền cho biết: "Với nỗ lực tự thân là quan trọng nhất, sau đó là chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đến thời điểm này Vietnam Airlines có thể khẳng định kết quả kinh doanh của công ty mẹ năm 2021 sẽ tốt hơn mục tiêu".

Ông Hiền tin tưởng mức lỗ của công ty mẹ năm nay sẽ thấp hơn con số 12.900 tỷ đồng báo cáo đại hội cổ đông thường niên hồi tháng 7.

Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hòa thì tin tưởng Vietnam Airlines sẽ đạt điều kiện để cổ phiếu HVN được tiếp tục niêm yết ở HOSE, không phải chuyển xuống thị trường UPCoM.

Hy vọng vào năm sau

Sự xuất hiện của siêu biến thể Omicron vào cuối tháng 11 đã làm dấy lên nhiều lo ngại mới cho tương lai của ngành hàng không. Tuy vậy, các thông tin về sau đã giúp thế giới an tâm phần nào.

Omicron có tốc độ lây lan mạnh hơn so với Delta nhưng tỷ lệ bệnh trở nặng, nhập viện và tử vong thấp hơn khoảng 50-80%. Bên cạnh đó, tình hình tiêm chủng cuối năm 2021 đã có những bước tiến dài so với cuối năm 2020.

Hiện nay, Việt Nam đã tiêm 151 triệu liều vắc xin COVID-19 các loại. Bộ Y tế cho biết tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều là 98,6% và tỷ lệ tiêm đủ hai liều là 87,3% dân số từ 18 tuổi trở lên. Một số địa phương đã triển khai tiêm mũi 3 để gia tăng sức đề kháng trước biến thể Omicron.

Vietnam Airlines vượt bão 2021, hy vọng tươi sáng năm 2022 - Ảnh 7.

Mỗi ngày Việt Nam tiêm khoảng 1 triệu liều vắc xin COVID-19.

Số ca dương tính tháng 12 này thậm chí còn cao hơn đợt bùng phát tháng 8 và 9 nhưng các đường bay không bị đóng như trước. Các hãng liên tục mở lại các chặng bay cũ, khai trương đường bay mới và xúc tiến nối lại vận tải hành khách quốc tế. Vietnam Airlines đã được cấp phép để khai thác bay thương mại thường lệ với Mỹ.

Thay vì "ngăn sông cấm chợ", Việt Nam đang thực thi 5K, xét nghiệm, tiêm vắc xin để đảm bảo vừa chống dịch, vừa tạo điều kiện cho giao thông và kinh tế phát triển. Đây là xu thế chung của thế giới. Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden cũng đã tuyên bố sẽ không đóng cửa đất nước một lần nữa, bất chấp sự xuất hiện của Omicron.

Số chuyến bay trong giai đoạn 19/11 – 18/12 tăng gần 26% so với tháng liền trước. Riêng Vietnam Airlines thực hiện 3.838 chuyến, chiếm thị phần lớn nhất 46% và tăng 25% so với tháng trước.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến nước ta trong năm 2021 giảm tới 96% so với năm ngoái nhưng nếu tính riêng tháng 12, lượng khách tăng 14,2% so với tháng trước và tăng 5,4% so với cùng kỳ 2020.

Bên cạnh sự hồi phục của nhu cầu, khả năng cắt giảm chi phí cũng mang đến nhiều hy vọng cho Vietnam Airlines.

Ngày 15/12 vừa qua, hãng hàng không quốc gia Việt Nam và Air Lease Corporation (ALC) đã ký kết thỏa thuận tái cơ cấu toàn diện liên quan đến giao dịch thuê 18 tàu bay, gồm 12 tàu thân hẹp Airbus A321Neo và 6 tàu thân rộng Boeing B787-10 trong toàn bộ thời hạn còn lại của hợp đồng.

ALC đồng ý giảm giá trực tiếp tiền thuê tàu bay trong toàn bộ thời hạn còn lại của hợp đồng hiện tại (khoảng 420 triệu USD). Theo Chứng khoán HSC, Vietnam Airlines sẽ giảm được khoảng 1.000 tỷ đồng chi phí/năm nhờ điều khoản này của ALC.

Ngoài ra, ALC cũng đồng ý hủy hợp đồng cho thuê hai chiếc Boeing B787-10 với giá 620 triệu USD, qua đó giúp Vietnam Airlines giảm bớt tình trạng dư thừa công suất hiện tại do dịch bệnh. Tổng Giám đốc Lê Hồng Hà cho biết Vietnam Airlines dự kiến sẽ thừa khoảng 8 tàu bay thân rộng và 20 chiếc thân hẹp trong năm 2022.

Ông Hà ước tính thị trường vận tải hàng không nội địa năm 2022 sẽ quay về bằng 70-75% so với trước dịch. Hàng không quốc tế 2022 có thể bằng 25% trước dịch.

Đức Quyền - Song Ngọc

Hà Nội lập kỷ lục thu ngân sách Nhà nước vượt 500.000 tỷ đồng
Mặc dù GRDP tăng thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, song trong năm 2024, một số chỉ tiêu kinh tế của Hà Nội vẫn giữ đà tăng trưởng tốt, đặc biệt tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn lần đầu tiên vượt ngưỡng 500.000 tỷ đồng và tăng 24,7% so với dự toán.