|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vietnam Airlines ký hợp đồng vay 4.000 tỷ đồng từ ba ngân hàng

11:53 | 07/07/2021
Chia sẻ
Các ngân hàng cho vay gồm MSB, SHB và SeABank. Gói tín dụng 4.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi này được kỳ vọng sẽ xoa dịu phần nào cơn khát thanh khoản của Vietnam Airlines.
Vietnam Airlines ký hợp đồng vay 4.000 tỷ đồng từ ba ngân hàng - Ảnh 1.

Đại diện Vietnam Airlines và ba ngân hàng SeABank, SHB, MSB ký hợp đồng tín dụng sáng 7/7. (Ảnh: Vietnam Airlines.

Sáng nay 7/7, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - Mã: HVN) đã ký kết hợp đồng tín dụng với ba nhà băng là Ngân Hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank - Mã: SSB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (Mã: SHB), và Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Mã: MSB) với tổng số tiền cho vay 4.000 tỷ đồng.

Theo thỏa thuận riêng giữa SeABank và Vietnam Airlines được ký kết ngày 3/7, SeABank sẽ cho hãng hàng không quốc gia vay tối đa 2.000 tỷ đồng, bắt đầu giải ngân ngay từ đầu tháng 7.

Vietnam Airlines cho biết ngay sau khi Quốc hội và Chính phủ ban hành Nghị quyết về gói hỗ trợ vào cuối năm 2020, tổng công ty này đã chủ động làm việc với một số tổ chức tín dụng để vay vốn trong bối cảnh tình hình tài chính của Vietnam Airlines bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19. 

Lãi suất dành cho Vietnam Airlines sẽ thấp hơn so với mặt bằng của thị trường. Phần chênh lệch giữa lãi suất thực tế và lãi suất thị trường sẽ được vốn hóa, tức là quy đổi thành cổ phần HVN, theo mệnh giá 10.000 đồng/cp hoặc một mức giá khác.

Sau khi cho Vietnam Airlines vay, các ngân hàng thương mại sẽ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tái cấp vốn với lãi suất 0%, không cần tài sản bảo đảm, quy mô tái cấp vốn tối đa 4.000 tỷ đồng, kỳ hạn ba năm. Vietnam Airlines vẫn cần có tài sản bảo đảm khi vay từ các ngân hàng.

Vietnam Airlines ký hợp đồng vay 4.000 tỷ đồng từ ba ngân hàng - Ảnh 3.

MSB và SeABank là các chủ nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines tại ngày cuối năm 2020.

Giải pháp cho vay tái cấp vốn nằm trong gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng được Chính phủ thông qua vào tháng 12/2020 để góp phần giúp Vietnam Airlines vượt qua khủng hoảng. Đây là một trong các giải pháp của Chính phủ trong vai trò cổ đông Nhà nước nắm giữ 86,19% vốn tại Vietnam Airlines.

Hiện tại, Vietnam Airlines đang chuẩn bị phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để huy động thêm 8.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn tất thủ tục phát hành vào cuối quý III năm nay.

Vietnam Airlines cho biết: Ngoài hỗ trợ của Chính phủ, trong năm 2020 và 2021, hãng đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm cắt giảm chi phí như tái cơ cấu doanh nghiệp; thu hẹp sản xuất kinh doanh theo quy mô thị trường; đàm phán với các nhà cung ứng giãn, hoãn thanh toán và áp dụng chính sách tiền lương trong giai đoạn COVID-19... 

Tuy vậy, trong năm 2020, Vietnam Airlines vẫn ghi nhận lỗ sau thuế gần 11.200 tỷ đồng. Trong quý I năm nay, tổng công ty lỗ thêm gần 5.000 tỷ nữa, vốn chủ sở hữu chỉ còn hơn 1.000 tỷ đồng. Nếu tiếp tục thua lỗ trong quý II, nhiều khả năng Vietnam Airlines sẽ âm vốn chủ.

Song Ngọc