|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vietnam Airlines nợ quá hạn hơn 14.800 tỷ, đã bán bớt hai tàu bay để trả nợ

10:34 | 20/10/2021
Chia sẻ
Thanh lý tàu bay cũ và lùi thời hạn nhận tàu bay mới là hai trong số những giải pháp của Vietnam Airlines nhằm cải thiện thanh khoản trong đại dịch.

Lỗ thêm 37 tỷ sau soát xét, bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) mới công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2021 đã soát xét. Theo quy định tại Thông tư số 96/2020 của Bộ Tài chính, Vietnam Airlines phải nộp báo cáo này chậm nhất vào ngày 15/8. Tuy nhiên tổng công ty đã xin gia hạn với lý do quá trình lập cũng như soát xét báo cáo gặp khó khăn trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Theo báo cáo mới công bố, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ sau thuế 8.622 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay, tăng 37 tỷ đồng so với báo cáo tự lập và tăng gần 2.000 so với số lỗ 5.263 tỷ của nửa đầu năm ngoái. Vốn chủ sở hữu tại ngày cuối tháng 6 là âm 2.787 tỷ, lỗ lũy kế 17.808 tỷ.

Vietnam Airlines nợ quá hạn hơn 14.800 tỷ, đã bán bớt hai tàu bay để trả nợ - Ảnh 1.

Tại ngày cuối quý II/2021, Vietnam Airlines âm vốn chủ sở hữu 2.787 tỷ đồng.

Đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Deloitte Việt Nam đã phải nêu nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines. Bên cạnh tình trạng âm vốn chủ và lỗ lũy kế, Deloitte còn chỉ ra việc nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines tại ngày 30/6 vượt quá tài sản ngắn hạn tới 34.664 tỷ đồng, trong khi ngày cuối năm ngoái chỉ vượt 24.456 tỷ.

Các khoản phải trả quá hạn lên tới 14.805 tỷ, cao gấp 2,2 lần 6 tháng trước đó. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tiếp tục âm 724 tỷ.

"Khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ Việt Nam và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê cũng như diễn biến của dịch COVID-19", Deloitte nhận định.

Vietnam Airlines gắng gượng ra sao?

Để sống sót trong thời gian ngành hàng không bất động vì dịch COVID-19, Vietnam Airlines đã phải nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, cụ thể như:

* Cơ cấu lại dịch vụ vận tải theo hướng tăng các chuyến bay chở hàng hóa trong giai đoạn suy giảm nhu cầu vận tải hành khách trong nước cũng như quốc tế. Doanh thu vận tải hàng hóa, bưu kiện trong 6 tháng đầu 2021 chiếm 18% tổng doanh thu.

* Cắt giảm chi phí quản lý chung, chi phí gián tiếp, chi phí quảng cáo, tiếp thị, xúc tiến thương mại, chi phí bán hàng. Vietnam Airlines ước tính tổng chi phí cắt giảm trong năm 2021 là xấp xỉ 11.000 tỷ đồng, trong đó các giải pháp tự thân và đàm phán với đối tác giúp giảm gần 6.900 tỷ, còn lại là từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

* Điều chỉnh chính sách sử dụng lao động và chi phí lương của phi công, tiếp viên, ban lãnh đạo và các bộ phận khác trong Tổng công ty.

Trong 6 tháng đầu năm nay, lương và thù lao của Ban Giám đốc, HĐQT và Ban Kiểm soát là 2,31 tỷ đồng, giảm khoảng 150 triệu đồng so với cùng kỳ 2020. Lương bình quân của đội ngũ phi công sụt từ gần 138 triệu đồng/người/tháng trong năm 2019 xuống chỉ còn 41 triệu đồng/người/tháng trong nửa đầu 2021.

Vietnam Airlines nợ quá hạn hơn 14.800 tỷ, đã bán bớt hai tàu bay để trả nợ - Ảnh 2.

* Đàm phán giảm giá, hoãn tiến độ thanh toán, trong đó có nhiều đối tác đã đồng ý giảm giá thuê máy bay, nhân công bảo dưỡng, … hoặc hoãn tiến độ thanh toán tiền thuê máy bay, quản lý bay, các dịch vụ chuyến bay, …

Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hòa cho biết các cuộc đàm phán trong quý III vừa qua sẽ giúp Vietnam Airlines giảm khoảng 1 tỷ USD (tức 23.000 tỷ đồng) chi phí thuê máy bay trong các năm tới.

* Đàm phán lùi lịch nhận máy bay thuê hoạt động, trong đó 9 chiếc dòng Boeing 787-10 và và A320 NEO đã được gia hạn nhận tới năm 2022, 2023 thay vì nhận trong năm 2021 như thỏa thuận ban đầu.

* Tìm kiếm các nguồn thu khác như thanh lý máy bay, bán và thuê lại máy bay, thanh lý các khoản đầu tư.

Trong 6 tháng đầu 2021, Vietnam Airlines đã tìm được đối tác mua hai tàu bay trong số 11 chiếc Airbus A321 CEO rao bán trong năm nay. Đến tháng 7, các đối tác đã hoàn thành việc tạm ứng một phần giá trị hợp đồng dự kiến cho Vietnam Airlines.

Tổng Công ty đã xây dựng kế hoạch bán 9 tàu bay còn lại trong năm 2021. Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng có chủ trương bán 6 tàu bay cánh quạt ATR-72 để thay thế bằng đội bay phản lực khu vực (regional jet).

Vietnam Airlines nợ quá hạn hơn 14.800 tỷ, đã bán bớt hai tàu bay để trả nợ - Ảnh 4.

Hai tàu bay Vietnam Airlines trên sân đỗ. (Ảnh: Song Ngọc).

* Hầu hết ngân hàng đã đồng ý giãn, hoãn thanh toán nợ cho các khoản vay đến hạn hoặc giãn các khoản dư nợ vay gốc đáp ứng điều kiện quy định tại Thông tư số 03/2021 và Thông tư số 14/2021 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Vietnam Airlines cũng đang trong quá trình đàm phán với các ngân hàng nội địa để có thêm hạn mức tín dụng trong năm 2021.

Những ưu đãi riêng của Nhà nước - cổ đông lớn nhất

Bên cạnh các giải pháp tự thân nói trên và một số chính sách hỗ trợ chung mà Nhà nước giành cho đông đảo doanh nghiệp, Vietnam Airlines còn nhận được sự giúp đỡ của Nhà nước thông qua những chính sách riêng biệt.

Cụ thể, trên cơ sở Thông tư số 04/2021 của NHNN, ba nhà băng là SeABank, MSB và SHB đã ký hợp đồng tín dụng với Vietnam Airlines với tổng hạn mức cho vay 4.000 tỷ đồng.

Tài sản bảo đảm bao gồm hai tàu bay ATR-72, hai động cơ Boeing 787, 11 tàu bay A321, và cổ phiếu mà Vietnam Airlines sở hữu tại các công ty con, công ty liên kết đã niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE, HNX và UPCoM.

Sau khi cho Vietnam Airlines vay, các ngân hàng sẽ được NHNN tái cấp vốn với lãi suất 0% và không cần tài sản bảo đảm. Tại ngày lập báo cáo tài chính bán niên soát xét (13/10), Vietnam Airlines đã được ba nhà băng nói trên giải ngân 2.643 tỷ đồng.

Đại hội cổ đông thường niên ngày 14/7 năm nay đã thông qua phương án chào bán 800 triệu cổ phiếu HVN cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp. Mục tiêu là tăng vốn điều lệ và huy động thêm 8.000 tỷ đồng.

Đến tháng 9, tổng công ty đã phân phối 796,1 triệu cổ phiếu và thu về 7.961 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 99,51% kế hoạch tăng vốn.

Vietnam Airlines nợ quá hạn hơn 14.800 tỷ, đã bán bớt hai tàu bay để trả nợ - Ảnh 5.

Vietnam Airlines cũng được phép trích khấu hao máy bay, động cơ máy bay và ghi nhận chi phí sửa chữa lớn theo hướng dẫn kế toán riêng của Bộ Tài chính và Nghị quyết của Chính phủ, qua đó giảm lỗ sau thuế hợp nhất 1.878 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2021 (trong 6 tháng đầu năm ngoái giảm lỗ 1.414 tỷ).

Đức Quyền - Song Ngọc