|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vietnam Airlines ước tính lãi trước thuế quí II giảm 83% còn 71 tỉ đồng

11:03 | 16/07/2019
Chia sẻ
Vietnam Airlines ước tính lợi nhuận trước thuế hợp nhất nửa đầu năm 2019 đạt 1.650 tỉ đồng, giảm 11% so với cùng kì năm ngoái. Tuy nhiên con số này đạt được phần lớn là nhờ kết quả đột biến 1.579 tỉ đồng của quí I.

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines, Mã: HVN) vừa công bố ước tính sơ bộ kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm.

Theo đó, doanh thu hợp nhất toàn Tổng Công ty ước đạt 51.662 tỉ đồng, tăng 5,5% so với nửa đầu năm ngoái, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6 tháng ước đạt 1.650 tỉ đồng, giảm 11% so với mức 1.855 tỉ đồng cùng kì 2018.

Đáng chú ý, quí I năm nay, Vietnam Airlines đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.579 tỉ đồng. Như vậy có thể tính toán ra lợi nhuận quí II của Vietnam Airlines chỉ đạt 71 tỉ đồng (= 1.650 – 1.579), giảm 83% so với con số 426 tỉ đồng của quí II/2018.

Năm 2019, Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 111.729 tỉ đồng, tăng 13% so với thực hiện năm 2018. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến 3.362 tỉ đồng, tăng 3,8%.

Như vậy sau nửa đầu năm, Vietnam Airlines đã thực hiện 46,2% kế hoạch doanh thu và 49% kế hoạch lãi trước thuế.

Diễn biến đã được báo trước

Việc kết quả kinh doanh quí II đi xuống đã được lãnh đạo công ty dự báo và thông tin tới nhà đầu tư tại Đại hội cổ đông thường niên 2019 tổ chức ngày 10/5 năm nay. 

HVN Dương Trí Thành-crop

Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành. Ảnh: Vietnam Airlines.

Theo giải thích của Tổng Giám đốc Dương Trí Thành khi đó, lợi nhuận quí I/2019 cao đột biến là nhờ giá nhiên liệu máy bay tháng 1 thấp, chỉ 71 USD/thùng trong khi kế hoạch là 85 USD/thùng, sự phấn khích của tiêu dùng cũng rất cao. "Tuy nhiên đến tháng 3 và 4, kết quả kinh doanh đã đi xuống nhiều".

Ông Thành cũng nói thêm: "Ngành hàng không có tính mùa vụ cao, tập trung vào dịp nghỉ hè, lễ, … còn các tháng 3-4-5, chúng tôi vẫn nói vui là tháng để sửa chữa máy bay, huấn luyện nhân sự và ghi lỗ".

"Vì vậy lợi nhuận cả năm không phải đơn giản bằng 4 lần quí I mà sẽ có nhiều biến động trong các quí sau", vị Tổng Giám đốc chia sẻ.

Chủ tịch HĐQT Phạm Ngọc Minh cũng nói: "Trong quí II, Vietnam Airlines sẽ cố gắng tiết giảm chi phí, tận thu để giảm lỗ".

Nắm quá nửa miếng bánh thị phần

Trong 6 tháng qua, Vietnam Airlines đã thực hiện 73.650 chuyến bay tuyệt đối an toàn, vận chuyển hơn 13,9 triệu lượt hành khách, tăng 2% so với cùng kì và hơn 180.000 tấn hàng hoá, tăng 1,6%. Hệ số sử dụng ghế đạt 80,3%. 

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2019 toàn Tổng công ty (gồm ba hãng hàng không Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vasco) chiếm tổng thị phần 51,8%.

hang khong

Thị phần hàng không Việt Nam 6 tháng đầu năm. Nguồn: Cục Hàng không Việt Nam

Tỉ lệ cất cánh đúng giờ của hãng bay Vietnam Airlines đạt 89,1%, của Vasco là 93% và của Jetstar Pacific là 76,1%. Trong khi đó, tỉ lệ trung bình ngành là 84,8%.

Cạnh tranh thêm gay gắt về thị phần, nhân lực, ...

Nửa đầu năm 2019 bầu trời Việt chứng kiến sự tham gia của "tân binh" hàng không Bamboo Airways do Tập đoàn FLC sở hữu 100%.

Trong 6 tháng đầu năm, Bamboo Airways đã chiếm 4,2% thị phần. Hiện nay đội tàu bay của Bamboo Airways tương đối nhỏ với 10 chiếc thuộc các dòng thên hẹp A319, A320 và A321Neo. 

Tuy nhiên hãng bay này đã nộp hồ sơ lên Bộ Giao thông vận tải đề nghị sửa đổi Giấy phép Kinh doanh vận chuyển hàng không để cho phép hãng khai thác trên 30 tàu bay, bao gồm cả các dòng thân rộng như Boeing 787 hay Airbus A330. 

Bộ trưởng Bộ GTVT đã thống nhất về mặt chủ trương với đề xuất này của Bamboo Airways và báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.

Cuối tháng 4 năm nay, Bamboo Airways cho biết hãng này "nhặt" được một báo cáo dạng photo với dấu "Mật", có đóng dấu và chữ kí của lãnh đạo Vietnam Airlines.

Nội dung văn bản này cáo buộc Bamboo Airways cạnh tranh không lành mạnh, giành giật lực lượng phi công của Vietnam Airlines để phát triển đội bay Boeing 787 của mình. 

Đồng thời, văn bản này cũng đề nghị Bộ GTVT không cấp phép bay đối với tàu bay Boeing 787 của Bamboo Airways. Thông tin này sau đó đã được Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật xác nhận. 

Bamboo Airways sau đó cũng gửi văn bản đến Bộ GTVT, khẳng định mình tuyển dụng công khai, đúng pháp luật; đồng thời cho rằng yêu cầu của Vietnam Airlines đối với việc không cấp phép đối với máy bay B787 của Bamboo Airways là hoàn toàn thiếu căn cứ.

Trong nửa đầu năm 2019 còn có ba công ty hàng không khác được thành lập là Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines), CTCP Hàng không Thiên Minh và CTCP Hàng không Vinpearl Air với vốn điều lệ lần lượt là 700, 1.000 và 1.300 tỉ đồng.

Trong đó, Vinpearl Air là công ty có quan hệ mật thiết với tập đoàn kinh tế tư nhân đa ngành lớn nhất Việt Nam - Vingroup. Vinpearl Air đã hợp tác với CAE Oxford Aviation Academy để thành lập Trường đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành Hàng Không (VinAviation School) và Trung tâm huấn luyện bay Vinpearl Air (VPA Training Centre).

Ngoài ra, lãnh đạo Vinpearl Air cũng đã tiết lộ kế hoạch xin cấp giấy phép Kinh doanh vận chuyển hàng không để trở thành hãng bay thứ 6 tại Việt Nam.

Nếu Bamboo Airways được mở rộng đội bay; Vinpearl Air, Thiên Minh và Vietravel Airlines được cấp phép bay, áp lực cạnh tranh đối với Vietnam Airlines trong thời gian tới sẽ càng thêm gay gắt.

Kiên Dương