Vietnam Airlines thoát án hủy niêm yết khi vốn chủ vẫn dương sau kiểm toán
Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021 cho thấy khoản lỗ sau thuế trong kỳ là 13.279 tỷ đồng, giảm nhẹ so với số lỗ 13.338 tỷ đã trình bày trong báo cáo tự lập.
Lỗ lũy kế tại ngày 31/12 cũng giảm từ 21.979 tỷ xuống còn 21.961 tỷ, nhỏ hơn so với vốn điều lệ (22.144 tỷ đồng).
Vốn chủ sở hữu cuối năm trong báo cáo đã kiểm toán là 524 tỷ đồng, nhỉnh hơn mức 507 tỷ đồng trong báo cáo tự lập. Thống kê dưới đây cho thấy vốn chủ của Vietnam Airlines liên tục sụt giảm mạnh kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát trong quý I/2020, có lúc tụt xuống dưới 0.
Đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021 cho Vietnam Airlines là Công ty TNHH Deloitte Việt Nam.
Tuy xác nhận vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines là số dương nhưng kiểm toán viên Deloitte cũng chỉ ra loạt vấn đề nghiêm trọng về tình hình tài chính của tổng công ty như: Nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn tới 29.838 tỷ đồng, phải trả quá hạn 15.779 tỷ đồng, dòng tiền kinh doanh hợp nhất âm 6.759 tỷ.
“Khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ Việt Nam và việc được gia hạn thanh toán từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê”, Deloitte lưu ý.
Thoát nguy cơ hủy niêm yết
Hạn chót để doanh nghiệp niêm yết như Vietnam Airlines nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 là ngày 31/3/2022. Tuy nhiên, tổng công ty này đã đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho gia hạn thời gian công bố thông tin với lý do dịch COVID-19 gây nhiều khó khăn trong quá trình tổng hợp và kiểm toán số liệu.
Trước khi báo cáo tài chính kiểm toán này được công bố, nhiều nhà đầu tư lo ngại cổ phiếu HVN có thể bị hủy niêm yết do lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu bị âm.
Cụ thể, theo quy định tại Khoản 1e Điều 120 Nghị định 155/2020, cổ phiếu của công ty đại chúng sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc nếu kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong ba năm liên tục, hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán kiểm toán mới công bố, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines tại ngày 31/12/2021 là số dương, lỗ lũy kế nhỏ hơn vốn điều lệ, và tổng công ty mới chỉ thua lỗ trong hai năm liên tiếp.
Vì vậy, hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN không thuộc nhóm bị hủy niêm yết bắt buộc theo Khoản 1e Điều 120 Nghị định 155/2020.
Theo báo cáo tài chính quý I/2022, Vietnam Airlines lỗ sau thuế hợp nhất 2.686 tỷ đồng trong ba tháng đầu năm, đánh dấu quý thua lỗ thứ 9 liên tiếp như thể hiện trong biểu đồ trên. Lỗ lũy kế tại ngày 31/3 đã vượt quy mô vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu đã âm.
Tuy nhiên, căn cứ để xem xét hủy niêm yết cổ phiếu là báo cáo tài chính kiểm toán cả năm. Vì vậy số liệu trong báo cáo tài chính quý I không có ý nghĩa quyết định.
Một doanh nghiệp hàng không khác là Vietjet (Mã: VJC) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 với lợi nhuận sau thuế 244 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu không kể doanh thu tài chính và chỉ xét đến hoạt động vận tải hàng không, Vietjet lỗ gộp 257 tỷ đồng trong ba tháng đầu năm.
Ngày 28/5 tới đây, Vietjet sẽ tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2022. Đến hôm nay (26/5), Vietjet chưa công bố các báo cáo của Hội đồng quản trị và Ban điều hành về kế hoạch kinh doanh năm 2022.
Vietnam Airlines đã chốt danh sách cổ đông vào ngày 27/5 và dự kiến tổ chức đại hội thường niên vào ngày 28/6.
Kết phiên 26/5, giá cổ phiếu HVN dừng ở 17.850 đồng/cp, thấp hơn 23% so với ngày đầu năm 2022.
Sau khi phát hành tăng vốn cho cổ đông hiện hữu trong năm 2021, Vietnam Airlines hiện có vốn điều lệ 22.144 tỷ đồng, tương đương với hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN đang lưu hành.
Hai cổ đông Nhà nước hiện đang nắm giữ tổng cộng hơn 86% vốn của Vietnam Airlines, còn lại thuộc về cổ đông chiến lược nước ngoài và các nhà đầu tư khác.
Trích Điều 120 của Nghị định 155/2020/NĐ-CP: Điều 120. Huỷ bỏ niêm yết bắt buộc 1. Cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây: a) Tổ chức niêm yết hủy tư cách công ty đại chúng theo thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; b) Tổ chức niêm yết ngừng hoặc bị ngừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính từ 01 năm trở lên; c) Tổ chức niêm yết bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy phép hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành; d) Cổ phiếu không có giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán trong thời hạn 12 tháng; đ) Cổ phiếu không đưa vào giao dịch trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày Sở giao dịch chứng khoán chấp thuận đăng ký niêm yết; e) Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét; g) Tổ chức niêm yết chấm dứt sự tồn tại do tổ chức lại, giải thể hoặc phá sản; h) Tổ chức kiểm toán không chấp nhận thực hiện kiểm toán hoặc có ý kiến kiểm toán trái ngược hoặc từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm gần nhất của tổ chức niêm yết hoặc có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm trong 03 năm liên tiếp; i) Tổ chức niêm yết vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp; k) Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán phát hiện tổ chức niêm yết giả mạo hồ sơ niêm yết; l) Tổ chức niêm yết bị xử lý vi phạm về các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 7 Điều 12 Luật Chứng khoán; m) Tổ chức niêm yết bị đình chỉ hoạt động hoặc cấm hoạt động đối với ngành nghề hoặc hoạt động kinh doanh chính; n) Không đáp ứng điều kiện niêm yết do sáp nhập, tách doanh nghiệp và các trường hợp cơ cấu lại doanh nghiệp; hoặc sau khi hoàn thành các hoạt động sáp nhập, tách doanh nghiệp và các trường hợp cơ cấu lại doanh nghiệp nhưng không thực hiện thủ tục đăng ký niêm yết, đề nghị xem xét lại điều kiện niêm yết hoặc thay đổi đăng ký niêm yết trong thời hạn quy định; o) Tổ chức niêm yết vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, không hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Sở giao dịch chứng khoán và các trường hợp khác mà Sở giao dịch chứng khoán hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. |