|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vietnam Airlines lỗ gần 2.700 tỷ trong quý I, giảm so với cùng kỳ

19:11 | 20/05/2022
Chia sẻ
Trong quý I/2022, Vietnam Airlines lỗ sau thuế hợp nhất 2.686 tỷ đồng, thấp hơn khoản lỗ 4.092 tỷ của quý I năm ngoái. Vốn chủ sở hữu âm 2.161 tỷ, tuy nhiên con số này không liên quan tới việc xem xét có hủy niêm yết cổ phiếu HVN hay không.

Gian hàng của Vietnam Airlines tại Hội chợ VITM Hà Nội 2022. (Ảnh: Đức Quyền).

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I với doanh thu thuần đạt 11.620 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ 2021.

Lỗ gộp giảm từ gần 3.000 tỷ xuống chỉ còn gần 1.600 tỷ. Lỗ sau thuế cũng giảm từ 4.092 tỷ trong quý I năm ngoái xuống còn 2.686 tỷ đồng trong kỳ này. Đây là quý thua lỗ thứ 9 liên tiếp của Vietnam Airlines, như biểu đồ dưới đây cho thấy. Lỗ lũy kế tại ngày 31/3/2022 là 24.575 tỷ đồng, lớn hơn mức 22.144 tỷ của vốn điều lệ.

Vietnam Airlines thua lỗ 9 quý liên tiếp.

Vốn chủ sở hữu hợp nhất của Vietnam Airlines tại ngày cuối quý I năm nay là âm 2.161 tỷ đồng. Thống kê bên dưới cho thấy đây không phải là lần đầu tiên vốn chủ của tổng công ty hàng không này xuống dưới 0.

Tại ngày cuối quý II/2021, vốn chủ sở hữu Vietnam Airlines là âm 2.787 tỷ đồng do nhiều quý thua lỗ liên tục kể từ đầu dịch COVID-19. Sau đó, Vietnam Airlines tiếp tục thua lỗ nhưng vốn chủ sở hữu quay về mức dương do tổng công ty được cổ đông bơm thêm gần 8.000 tỷ đồng, trong đó riêng Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) góp gần 6.900 tỷ.

Vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines lần thứ 2 rơi xuống dưới 0.

Theo quy định tại Khoản 1e Điều 120 Nghị định 155/2020, cổ phiếu của công ty đại chúng sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc nếu kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong ba năm liên tục, hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.

Theo báo cáo tài chính quý I/2022, lỗ lũy kế của Vietnam Airlines đã vượt vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu của tổng công ty cũng đã âm. Tuy nhiên, căn cứ để xem xét hủy niêm yết là báo cáo tài chính kiểm toán cả năm. Vì vậy số liệu trong báo cáo tài chính quý I không có ý nghĩa quyết định.

Hiện nay đã quá hạn chót 31/3 để công bố báo cáo tài chính kiểm toán cả năm 2021 nhưng Vietnam Airlines chưa công bố do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cần thêm thời gian hoàn thiện.

Theo báo cáo tài chính chưa kiểm toán, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines tại ngày 31/12/2021 là số dương, lỗ lũy kế nhỏ hơn vốn điều lệ, và tổng công ty cũng mới chỉ thua lỗ trong hai năm liên tiếp.

Nếu đơn vị kiểm toán đồng ý với số liệu trong báo cáo mà Vietnam Airlines tự lập thì hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN sẽ không thuộc nhóm bị hủy niêm yết bắt buộc theo Khoản 1e Điều 120 Nghị định 155/2020.

Một doanh nghiệp hàng không khác là Vietjet (Mã: VJC) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 với lợi nhuận sau thuế 244 tỷ đồng, cao gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, kết quả này có sự đóng góp rất lớn từ khoản doanh thu tài chính 1.156 tỷ. Chỉ tính hoạt động kinh doanh cốt lõi là vận tải hàng không, Vietjet báo cáo lỗ gộp 257 tỷ đồng.

Trong 4 tháng vừa qua, Vietjet khai thác 28.150 chuyến bay trong khi Vietnam Airlines dẫn đầu với hơn 33.100 chuyến, chưa kể hai hãng thành viên là Pacific Airlines và Vasco.

Vietnam Airlines vẫn dẫn đầu về số chuyến bay trong 4 tháng đầu năm 2022.

Thách thức từ thị trường quốc tế và giá nhiên liệu

Việt Nam đã công bố mở cửa đón khách quốc tế từ 15/3/2022, Tuy nhiên, một lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết tổng công ty này ghi nhận lượng khách quốc tế đến Việt Nam giai đoạn từ 15/3 cho đến nay chỉ đạt khoảng 7% so với giai đoạn cùng kỳ trước đại dịch. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có thể kể đến một số như:

Quy định bắt buộc khách phải xét nghiệm âm tính trước chuyến bay khiến việc phát động khách du lịch ra nước ngoài khó khăn;

Các thị trường như Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Hong Kong vẫn đang theo đuổi chính sách Zero COVID, các thị trường lớn khác như Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn còn hạn chế nhập cảnh và vẫn còn chính sách cách ly khiến nhu cầu đi lại hạn chế đáng kể;

Nhóm khách du lịch vốn chiếm tỷ trọng lớn cần ít nhất 2-3 tháng để phát động. Ngoài ra, thu nhập của nhóm khách này bị suy giảm do ảnh hưởng bởi đại dịch nên sức mua bị ảnh hưởng đáng kể.

Đại diện tổng công ty cho biết: “Chắc chắn việc thị trường quốc tế phục hồi chậm sẽ làm ảnh hưởng đến kế hoạch phục hồi của Vietnam Airlines, sụt giảm đáng kể nguồn thu”. Vì vậy, Vietnam Airlines đã lên một số phương án kinh doanh khác nhau, bao gồm điều chuyển nguồn lực từ quốc tế vào khai thác thị trường nội địa đang có sự phục hồi tốt hơn.

Vietnam Airlines cũng đánh giá rủi ro giá nhiên liệu năm 2022 là rất lớn do yếu tố không chắc chắn về kinh tế toàn cầu, cung cầu thị trường năng lượng và các bất ổn địa chính trị thế giới, đặc biệt là tình hình xung đột vũ trang Nga-Ukraina và các hệ lụy kèm theo.

Giá nhiên liệu binh lên mức cao nhất hàng chục năm.

Theo tính toán, với giá dầu ba tháng đầu năm đưa vào chi phí là 95,12 USD/thùng thì chi phí nhiên liệu quý I lên đến trên 3.200 tỷ đồng, chiếm trên 30% tỷ trọng chi phí vận tải hàng không và tăng 465 tỷ đồng so với kế hoạch của Vietnam Airlines.

Theo thống kê của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) bên trên, giá xăng máy bay (Jet A1) đi lên theo giá dầu thô và hiện đang ở mức cao nhất nhiều thập kỷ trở lại đây. 

Vietnam Airlines còn cho rằng giá xăng dầu tăng cao gây ra lạm phát, buộc người dân phải thắt chặt chi tiêu, qua đó ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại, du lịch nói chung và doanh thu của tổng công ty nói riêng.

Doanh thu của Vietnam Airlines bắt đầu hồi phục nhưng còn kém xa mức trước dịch. 


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Đức Quyền

Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.