|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp 'họ' Viettel kinh doanh ra sao ba tháng đầu năm?

16:57 | 25/05/2022
Chia sẻ
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam cũng như thế giới đã có nhiều dấu hiệu phục hồi, Viettel Construction và Viettel Global đã ghi nhận kết quả kinh doanh tương đối tích cực trong khi Viettel Post thông báo lãi giảm nhẹ trong ba tháng đầu năm 2022.

Ban lãnh đạo Tổng CTCP Bưu chính Viettel (Viettel Post – Mã: VTP) đánh giá năm 2022 sẽ là một năm tăng trưởng tốt khi nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu phục hồi hậu COVID - 19 cùng với giả định rằng hành vi mua sắm trong thời kỳ dịch bệnh vẫn sẽ tiếp tục được duy trì trong giai đoạn hậu COVID. Theo đó, doanh nghiệp dự báo thị trường e-commerce tăng 30-35% trong năm 2022.

Kết thúc quý I, Viettel Post ghi nhận doanh thu thuần tăng 12%, đạt 5.771 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 103,4 tỷ đồng, giảm 4,8%.

Biên lãi gộp của doanh nghiệp đã thu hẹp dần qua các quý, từ gần 11,7% quý I/2018 xuống còn 3,2% quý I/2022.

 Nguồn: Tổng hợp từ BCTC các quý của VTP. 

Lý giải cho sự sụt giảm về lợi nhuận, ban lãnh đạo Viettel Post cho biết do chi phí xăng xe và việc điều chỉnh mô hình thông qua thúc đẩy hoạt động tại tuyến huyện. 

Năm nay, doanh nghiệp đã đề ra mục tiêu doanh thu đạt 25.723 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 498 tỷ đồng, tương ứng tăng 20% và tăng 68% so với thực hiện năm 2021. Như vậy, kết thúc quý I, doanh nghiệp đã thực hiện được 22% kế hoạch doanh thu và 20% kế hoạch lợi nhuận cả năm. 

Một doanh nghiệp “họ Viettel” khác là Tổng CTCP Công trình Viettel (Mã: CTR) ghi nhận sự tăng trưởng của cả doanh thu và lãi sau thuế tương ứng là 14,3% và 24,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2.001 tỷ đồng và 89 tỷ đồng.

  Nguồn: Tổng hợp từ BCTC các quý của CTR. 

Nguồn thu chủ lực của CTR vẫn là từ mảng dịch vụ khai thác và ứng cứu thông tin, mảng này chiếm tỷ trọng 63% và mang lại 1.263 tỷ đồng quý vừa rồi. Mảng xây lắp công trình và giải pháp tích hợp giảm tương ứng 12,7% và 22%, đạt 383 tỷ đồng và 290 tỷ đồng kỳ này. Mảng kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng thấp nhất, chỉ hơn 3%, mang về 64,7 tỷ đồng ba tháng đầu năm. 

Với kết quả đạt được, công ty đã hoàn thành 23% mục tiêu doanh thu và 21,5% mục tiêu lợi nhuận cả năm. 

SSI Research đánh giá về kết quả kinh doanh quý I của doanh nghiệp, bên cạnh kế hoạch phát triển 5G, doanh thu mảng xây dựng dân dụng (tăng 40% so với cùng kỳ) trở thành một trong những động lực tăng trưởng của công ty cùng với mảng cho thuê cơ sở hạ tầng viễn thông (tăng 142% so với cùng kỳ). 

Trong 2 tháng đầu năm 2022, giá trị đơn hàng mới mảng xây dựng dân dụng đạt 600 tỷ đồng, hoàn thành 30% kế hoạch năm 2022. Trong đó, 275 tỷ đồng từ Novaworld (Novaland), 111 tỷ đồng từ dự án Trần Anh, 190 tỷ đồng từ dự án Bắc Giang.

Theo triển vọng thị trường năm 2022 của CBRE, lượng mở bán mới và số lượng căn hộ bán được trong năm 2023/2024 ước đạt mức trước COVID-19 (năm 2019). Điều này cũng hỗ trợ mảng xây dựng B2B của CTR.

Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global - Mã: VGI) lại ghi nhận một sự tăng trưởng đột biến ba tháng đầu năm khi mà doanh thu chỉ tăng 17,5%, đạt 5.437 tỷ đồng nhưng lãi sau thuế là 1.404 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái là lỗ 442 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi lớn nhất mà VGI đạt được kể từ năm 2018.

  Nguồn: Tổng hợp từ BCTC các quý của VGI. 

Doanh nghiệp cho biết kết quả kinh doanh khả quan nhờ các công ty thị trường đều tăng trưởng tốt trong kinh doanh, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của các công ty này tăng trưởng hai con số so với đầu kỳ. 

Động lực tăng trưởng của Viettel Global hiện vẫn đến từ khu vực châu Phi khi doanh thu của khu vực này tăng trưởng 33% từ 1.757 tỷ lên 2.345 tỷ đồng. Hai khu vực còn lại là Đông Nam Á và Mỹ La-tinh cũng đều ghi nhận tăng trưởng 10%. 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cho biết thêm chi phí trích lập dự phòng phải thu khó đòi giảm 513 tỷ đồng và chi phí lỗ chênh lệch tỷ giá của công ty con và công ty liên kết giảm 544 tỷ đồng so với cùng kỳ đã giúp cải thiện lợi nhuận. 

Cổ phiếu “họ Viettel” lao dốc

Với kết quả quý I đạt được tương đối khả quan, cổ phiếu nhóm Viettel lần lượt tăng mạnh và đạt đỉnh vào giữa tháng 4, tuy nhiên đồng loạt lao dốc sau đó.

 Diễn biến giá cổ phiếu "họ Viettel" trong một năm. (Nguồn: TradingView).

Biến động lớn nhất phải kể đến CTR khi mã này tăng gần 40% so với đầu tháng 3, đạt đỉnh lịch sử mới với trên 120.000 đồng/cp vào 19/4. CTR sau đó giảm liên tục giảm sâu về 77.500 đồng/cp kết thúc phiên giao dịch ngày 24/5. Vốn hóa thị trường giảm từ trên 10.000 tỷ đồng về 7.201 tỷ đồng. 

Tương tự như CTR, VGI cũng leo lên mức hơn 42.000 đồng/cp, mức cao nhất trong hơn một năm trở lại nhưng lại lao dốc về mức 28.600 đồng/cp kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, 24/5. 

Cổ phiếu VTP có mức biến động thấp hơn cả khi đạt hơn 83.000 đồng/cp vào giữa tháng 4, tăng 29% trong hơn một tháng tuy nhiên hiện đã quay trở lại mức giá hồi đầu tháng 3. Vốn hóa thị trường của VTP đạt xấp xỉ 6.930 tỷ đồng. 

T.Đan