|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vì sao HAGL Agrico lỗ ròng hơn nghìn tỷ năm 2021?

08:18 | 28/02/2022
Chia sẻ
Sau năm 2021 thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng, năm 2022 dự báo tiếp tục là năm khó khăn với HAGL Agrico khi công ty sẽ ghi nhận chi phí chuyển đổi vườn cây từ năm 2020 trở về trước chưa hạch toán nên ước tính lỗ chỉ riêng cho khoản chi phí này lên tới 2.400 tỷ.

CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - Mã: HNG) đã công bố báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý IV/2021 với doanh thu đi lùi và thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng năm vừa qua.

Quý IV/2021, HAGL Agrico đạt gần 307 tỷ đồng doanh thu, chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước đó. Trong đó, doanh thu từ trái cây chưa tới 157 tỷ đồng.

Kinh doanh dưới giá vốn khiến công ty ghi nhận lợi nhuận gộp âm tới 467 tỷ trong kỳ (cùng kỳ âm 191 tỷ). Chi phí tài chính gần 301 tỷ cùng các chi phí khác phát sinh nên lợi nhuận ròng của HAGL Agrico âm gần 816 tỷ.

Cả năm 2021, công ty đạt 1.199 tỷ đồng doanh thu thuần, bằng một nửa so với năm 2020 với 840 tỷ nguồn thu từ trái cây. Lỗ ròng cả năm 1.119 tỷ trong khi năm 2020 vẫn có lãi ròng gần 21 tỷ. Lỗ luỹ kế tính tới hết năm ngoái là 3.426 tỷ.

Vì sao HAGL Agrico lỗ ròng hơn nghìn tỷ năm 2021? - Ảnh 1.

Sản lượng trái cây thu hoạch năm vừa qua là 85.803 tấn, giảm 19.704 tấn so với kế hoạch đề ra. Trong đó, sản lượng chuối đạt 75.612 tấn, dứa là 2.669 tấn. Khai thác mủ cao su đạt kế hoạch với 6.556 tấn.

Giải trình về khoản lỗ lớn trong quý IV và cả năm vừa qua, HAGL Agrico cho biết đã tiến hành rà soát sổ sách và ghi nhận hạch toán lại các chi phí đã phát sinh từ năm 2020 trở về trước nhưng chưa hạch toán gồm: Trích lập dự phòng khoản phải thu phát sinh từ năm 2018 là 52 tỷ, thanh lý hàng tồn kho trái cây chế biến sản xuất từ năm 2019; đánh giá lại và ghi nhận chi phí sản xuất dở dang đang ghi nhận hàng tồn kho trên BCTC tồn đọng từ năm 2018 - 2020 vào giá vốn bán hàng trong quý IV/2021 là 427 tỷ đồng và việc đánh giá lại chênh lệch tỷ giá các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ và ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá là 230 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm.

Bên cạnh đó, chi phí khấu hao vườn cao su lớn (17.506 ha), trong đó diện tích vườn cao su chưa đủ điều kiện kỹ thuật khai thác là 10.175 ha, diện tích cao su đủ điều kiện kỹ thuật đang khai thác thu hoạch là 7.331 ha.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã làm giá mua phân bón tăng 160%, bao bì đóng gói tăng 25% so với đầu năm và chi phí vận chuyển đường biển năm vừa qua tăng 20% so với năm 2020.

Nguyên nhân cuối cùng khiến công ty lỗ đậm năm 2021 là ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến chi phí nhân công tăng và thiếu nguồn lao động người địa phương. Tình trạng thiếu công nhân thu hoạch và đóng gói dẫn đến tỷ lệ huỷ tại vườn và xưởng đóng gói cả năm là 21%.

Về tình hình tài chính, hết năm 2021, quy mô tổng tài sản của HAGL Agrico là 14.017 tỷ đồng, giảm mạnh 43% sau khi không còn hợp nhất với HAGL. 

Nợ phải trả cuối quý IV là 8.018 tỷ với 5.864 tỷ nợ vay gồm 3.272 tỷ đồng của ngân hàng, 2.093 tỷ từ HAGL, 457 tỷ từ Thagrico và phần nhỏ từ doanh nghiệp khác. Vốn chủ sở hữu là 5.999 tỷ.

Vì sao HAGL Agrico lỗ ròng hơn nghìn tỷ năm 2021? - Ảnh 2.

Hạch toán lỗ riêng chi phí chuyển đổi vườn cây 2.400 tỷ năm 2022

Năm 2022, HAGL Agrico lên kế hoạch sản lượng 177.000 tấn; doanh thu 2.400 tỷ đồng, gấp đôi năm 2021. Năm nay, công ty dự kiến sẽ hoàn thiện sân bay Nong Khang và bàn giao cho chính phủ Lào. Tổng mức đầu tư trong năm 2022 khoảng 898 tỷ và dự kiến giải ngân chi đầu tư 422 tỷ.

Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ làm việc với HAGL và BIDV để giải quyết công nợ giữa các bên và nhận lại giấy chứng nhận quyền sở hữu đất tại Lào và Campuchia thuộc sở hữu của HAGL Agrico đã thế chấp trước đó cho BIDV, đang đảm bảo cho khoản vay của HAGL với giá trị đảm bảo 4.780 tỷ đồng. 

Đáng chú ý, công ty sẽ ghi nhận chi phí chuyển đổi vườn cây từ năm 2020 trở về trước chưa hạch toán nên ước tính lỗ chỉ riêng cho khoản chi phí này lên tới 2.400 tỷ. 

Hoàng Kiều

Thủ tướng yêu cầu tiết kiệm chi để đầu tư phát triển
Các bộ ngành, địa phương phải nâng kỷ cương ngân sách, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để dành nguồn cho đầu tư phát triển, an sinh, theo Thủ tướng.