|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Trước nguy cơ huỷ niêm yết, tình hình tài chính của HAGL ra sao trong năm 2021?

09:08 | 30/01/2022
Chia sẻ
Tổng nợ đi vay hết năm 2021 của HAGL là 8.286 tỷ đồng, giảm mạnh sau khi không còn hợp nhất với HAGL Agrico. Việc giảm nợ vay đã giúp tiết giảm chi phí tài chính và là một trong những nguyên nhân chính giúp tập đoàn có lợi nhuận năm vừa qua.

CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 với con số doanh thu có giảm hơn so với ước tính trước đó song lợi nhuận lại nhỉnh lên.

Quý IV, HAGL đạt gần 744 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước do nguồn thu các mảng đều giảm sau khi không còn hợp nhất với HAGL Agrico (Mã: HNG) từ đầu năm 2021.

Lợi nhuận sau thuế hơn 96 tỷ, tương đương lãi ròng 142 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái chỉ lãi ròng hơn 87 tỷ. HAGL cho biết giá vốn cùng chi phí lãi vay giảm mạnh là một trong những nguyên nhân tạo ra lợi nhuận trong quý IV/2021.

HAGL  - Ảnh 1.

Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021.

Năm 2021, HAGL đạt 2.108 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm gần 34% so với năm 2020. Lãi sau thuế 127 tỷ tức lãi ròng 184 tỷ đồng trong khi quý IV/2020 lỗ ròng 1.256 tỷ đồng.

Trong cơ cấu doanh thu, trong năm 2021, mảng trái cây mang về cho HAGL 1.000 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 56% so với năm 2020. Mảng heo thu về 557 tỷ so với mức 121 tỷ của năm 2020 do nguồn thu từ heo mới xuất hiện từ quý IV/2021. Còn lại là doanh thu bán sản phẩm, hàng hoá và cung cấp dịch vụ hơn 550 tỷ. 

Sau khi trừ đi giá vốn, mảng heo mang về cho tập đoàn khoản lợi nhuận gộp 193 tỷ cả năm 2021, tương ứng với biên lợi nhuận là 34,6%. 

HAGL  - Ảnh 2.

Năm 2021, công ty của bầu Đức đặt mục tiêu doanh thu thuần 2.055 tỷ đồng, 104 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, tập đoàn đã vượt 2,6% chỉ tiêu doanh thu và vượt 22% mục tiêu doanh thu năm.

Trả được hơn 2.100 tỷ nợ gốc vay năm 2021

Về tình hình tài chính, quy mô tài sản của tập đoàn hết năm 2021 là 18.174 tỷ đồng, giảm 225 tỷ đồng sau một quý. Khoản tiền mặt tính tới cuối năm chỉ hơn 78 tỷ.

Khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản là phải thu về cho vay ngắn và dài hạn với 8.988 tỷ đồng, chủ yéu là các bên liên quan và nhóm HAGL Agrico. Riêng khoản phải thu về cho vay với nhóm HAGL Agrico là 2.110 tỷ đồng.

Trong năm qua, HAGL đã chi gần 2.463 tỷ đồng cho các đơn vị khác vay, gấp 3 lần năm 2020 và mới thu hồi được 775 tỷ.

Tổng chi phí lãi vay cả năm 2021 của HAGL là 699 tỷ, giảm 44% so với năm 2020. 

Áp lực trước nguy cơ huỷ niêm yết, tình hình tài chính của HAGL ra sao trong năm 2021? - Ảnh 4.

Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021.

Tổng nợ đi vay hết năm 2021 của HAGL là 8.286 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cuối quý III/2021. Trong đó, dư nợ trái phiếu là  6.436 tỷ đồng gồm 5.876 tỷ đồng của BIDV đáo hạn cuối năm 2026.

Tổng nợ vay ngân hàng là 1.212 với khoảng 517 tỷ vay dài hạn và 694 tỷ đến hạn phải trả trong vòng một năm. Còn lại phần nhỏ là từ tổ chức, cá nhân.

Có thể thấy, nợ vay của HAGL đã giảm mạnh sau khi không còn hợp nhất với HAGL Agrico từ đầu năm nay song kết thúc ba quý gần đây nợ vay của tập đoàn không giảm nhiều. Năm qua, HAGL đã trả được 2.129 tỷ đồng tiền nợ gốc vay và chỉ thu từ đi vay tổng cộng 1.469 tỷ đồng.

Nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất trong năm 2022 được HAGL đề ra là tăng cường tái cơ cấu tài chính nhằm phấn đấu giảm số dư nợ phải trả ngân hàng xuống còn 5.000 tỷ đồng.

Áp lực trước nguy cơ huỷ niêm yết, tình hình tài chính của HAGL ra sao trong năm 2021? - Ảnh 5.

Nguồn: H.K tổng hợp từ báo cáo tài chính.

Hết quý IV/2021, vốn chủ sở hữu của tập đoàn là 4.677 tỷ đồng. Trong đó, khoản lỗ luỹ kế hết năm ngoái là 4.432 tỷ. 

Sau khi điều chỉnh hồi tố số liệu báo cáo tài chính, theo đó chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế của công ty trong các năm 2017, 2018 và 2019 bị lỗ và đang đứng trước nguy cơ bị huỷ niêm yết bắt buộc trên HOSE.

Mới đây, HAGL xin kiến nghị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), HOSE xem xét đến tình hình hiện tại của HAGL để duy trì việc niêm yết trên HOSE bởi vì hầu hết các cổ đông đang sở hữu cổ phần HAG hiện nay đều mua cổ phiếu dựa trên tình hình kinh doanh hiện tại và triển vọng tương lai chứ không dựa vào các thông tin tài chính trong quá khứ cách đây 3-5 năm. 

Do đó, tập đoàn mong muốn áp dụng điều kiện thử thách là nếu kết quả kinh doanh bán niên và cả năm 2022 không có lãi thì hãy xem xét huỷ niêm yết. Như vậy theo HAGL sẽ giúp bảo vệ lợi ích cổ đông và tránh được xáo trộn lớn trên thị trường.

Hoàng Kiều