|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vietjet đã bán quyền mua lại cổ phiếu OIL trị giá 500 tỉ đồng

16:19 | 03/09/2020
Chia sẻ
Doanh thu từ bán quyền mua lại cổ phiếu OIL là một trong những nhân tố giúp Vietjet có lãi 47 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2020.
Vietjet đã bán quyền mua lại cổ phiếu OIL trị giá 500 tỉ đồng - Ảnh 1.

Một cửa hàng của Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL - Mã: OIL). (Ảnh: Đức Quyền)

Doanh thu tài chính và thu nhập khác cao đột biến

Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Mã: VJC) mới công bố báo cáo tài chính bán niên 2020 đã soát xét cho thấy doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ trong 6 tháng đầu năm nay đạt 10.970 tỉ đồng, giảm 55% so với cùng kì năm ngoái; lỗ gộp 1.455 tỉ đồng.

Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính kì này lớn gấp gần 5 lần cùng kì và đạt 1.028 tỉ đồng. Khoảng một nửa số doanh thu tài chính này đến từ giao dịch bán quyền mua lại 50 triệu cổ phiếu OIL do Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) phát hành.

Cụ thể, tại ngày 30/6/2020, Vietjet đang nắm giữ 50 triệu cổ phiếu OIL với giá trị gốc là 990 tỉ đồng (tương đương 19.800 đồng/cp), giá trị hợp lí là 400 tỉ đồng/cp (tương đương 8.000 đồng/cp). 

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Vietjet đã bán quyền mua lại toàn bộ 50 triệu cổ phiếu OIL nói trên cho một bên liên quan khác với số tiền là 500 tỉ đồng. Vietjet không nêu cụ thể bên liên quan này là tổ chức hay cá nhân nào.

Đến cuối quí II, Vietjet đã nhận về 300 tỉ đồng từ giao dịch bán quyền mua trên, 200 tỉ đồng còn lại đang được ghi nhận ở khoản phải thu.

Vietjet và PVOIL là doanh nghiệp liên quan của nhau vì ông Trần Hoài Nam - Phó Tổng Giám đốc Vietjet đồng thời là Thành viên HĐQT của PVOIL.

Ngoài bán quyền mua lại cổ phiếu OIL, Vietjet còn ghi nhận 1.778 tỉ đồng lợi nhuận khác đến từ các hoạt động như chuyển nhượng dự án (793 tỉ đồng), bồi thường (559 tỉ đồng), thanh lí và nhượng bán tài sản cố định (409 tỉ đồng).

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, Vietjet đã chuyển nhượng quyền kinh doanh và khai thác tòa nhà Vietjet Plaza cho các bên liên quan và đã nhận về 400 tỉ đồng, còn lại 393 tỉ đồng đang là khoản phải thu.

Các khoản bồi thường mà Vietjet được nhận xuất phát từ việc nhà cung cấp tàu bay chậm trễ bàn giao theo thời gian mà các bên đã đồng ý.

Nhờ doanh thu tài chính nhảy vọt và các khoản thu nhập bất thường, Vietjet tránh khỏi lỗ ròng và có lãi sau thuế gần 47 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020. Theo báo cáo tài chính tự lập, doanh nghiệp này có lãi 74 tỉ đồng.

Khó khăn từ mảng vận tài hàng không

Việc doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vietjet giảm sâu so với trước dịch đã phần nào cho thấy ảnh hưởng tiêu cực ghê gớm của đại dịch COVID-19 tới ngành hàng không nói chung và Vietjet nói riêng.

Cụ thể, doanh thu vận tải hàng không công ty mẹ chỉ đạt 9.228 tỉ đồng, giảm 54% so với cùng kì năm trước; lỗ sau thuế công ty mẹ là 1.440 tỉ đồng. Doanh thu hợp nhất đạt 10.970 tỉ đồng và lãi sau thuế 47 tỉ đồng, giảm tương ứng 55% và 98%.

Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm nay Vietjet khai thác tổng cộng 43.283 chuyến bay, giảm 37% so với cùng kì 2019.

Sau khi dịch bệnh đợt 1 đã được kiểm soát vào tháng 5, thị trường hàng không nội địa có dấu hiệu hồi phục trở lại, Vietjet đã tăng cường năng lực chở khách lên bình quân 300 chuyến/ngày trong tháng 6 để giúp cải thiện một phần kết quả kinh doanh nửa đầu năm. 

Ngoài ra, Vietjet cũng khai thác 300 chuyến bay chuyên chở hàng hóa trong 6 tháng đầu năm, giúp tận dụng tối đa công suất đội bay.

Vietjet đã bán quyền mua lại cổ phiếu OIL trị giá 500 tỉ đồng - Ảnh 2.

Sau soát xét, Vietjet lãi sau thuế 47 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2020. (Ảnh minh họa: Song Ngọc)

Lợi nhuận trong báo cáo soát xét có sự chênh lệch so với báo cáo tài chính tự lập do Vietjet được giảm 50% chi phí cất hạ cánh, chi phí phục vụ mặt đất và chi phí điều hành bay theo Nghị quyết 84 ngày 29/5/2020 của Chính phủ. 

Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang chuẩn bị ban hành thông tư qui định mức giá, khung giá các dịch vụ chuyên ngành hàng không nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong thời dịch.

Đồng thời, Vietjet giảm phần trích lập dự phòng chi phí quĩ bảo trì bảo dưỡng và tối ưu hóa các chi phí khai thác, vận hành theo giờ bay.

Vietjet cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục cắt giảm chi phí và tối ưu hoạt động thông qua bảo hiểm giá xăng dầu, đàm phán giảm giá dịch vụ, tăng nguồn thu từ các chuyến bay chở hàng, …

Để có thêm nguồn tiền duy trì hoạt động kinh doanh, Vietjet đã đề ra chủ trương bán gần 18 triệu cổ phiếu quĩ cho đối tác chiến lược

Tuy nhiên việc dịch COVID-19 bùng phát trở lại vào cuối tháng 7 tại Đà Nẵng đã khiến cho hoạt động của ngành hàng không một lần nữa rơi vào khó khăn. Đơn vị soát xét báo cáo tài chính bán niên của Vietjet là PwC đã nhấn mạnh quan điểm rằng giả định về hoạt động liên tục của Vietjet phụ thuộc vào khả năng tạo ra đủ dòng tiền từ hoạt động vận tải hàng không và các giải pháp tài chính để tài trợ cho hoạt động kinh doanh của công ty.

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng bị đơn vị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục vì nợ ngắn hạn tại ngày 30/6/2020 vượt quá tài sản ngắn hạn 18.444 tỉ đồng, lỗ sau thuế nửa đầu năm 6.678 tỉ đồng và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 5.362 tỉ đồng.

Chính phủ đã đưa ra nhiều gói giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và ngành hàng không nói riêng như: Gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp thuế; Yêu cầu các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay, giữ nguyên nhóm nợ; Cho phép tạm dừng đóng BHXH vào quĩ hưu trí và tử tuất; Giảm 30% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay từ 3.000 đồng/lit xuống còn 2.100 đồng/lit …

Đức Quyền - Song Ngọc