VietJet Air được dự báo sẽ sớm trở thành hãng hàng không lớn nhất Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc, người sáng lập VietJet Air là nữ tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam (Nguồn: Bloomberg) |
Hãng hàng không chi phí thấp VietJet Air từng được biết điến với màn trình diễn áo tắm của các người mẫu trên máy bay, Wall Street Journal (WSJ) mở đầu câu chuyện.
WSJ dẫn lời Tổng giám đốc kiêm người sáng lập VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết, “lần đầu tiên chúng tôi làm vậy, chúng tôi đã bị cơ quan quản lý hàng không dân dụng phạt 1.000 USD”. Theo bà Thảo, đây là một cách quảng bá chi phí thấp và vui vẻ để công chúng biết tới những điểm đến mới là các bãi biển. Công ty cũng đưa một nhóm nhảy flash mobs tới một sân bay tại Đài Loan để biểu diễn bài hát Happy của ca sĩ Pharrell Williams và công bố một video ca nhạc biểu diễn cùng các nhân viên mặt đất.
Tháng 3 vừa rồi, bà Thảo một lần nữa thu hút sự chú ý nhưng bởi một lý do nghiêm túc hơn: Hãng hàng không của bà đã vượt qua hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines về giá trị thị trường, với hơn 1,8 tỷ USD giá trị vốn hóa. Điều này giúp bà Thảo trở thành nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam và biến VietJet trở thành một điểm sáng trong quá trình phát triển kinh tế tại Việt Nam.
Trong những năm gần đây, lãnh đạo Việt Nam đã khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tư nhân cạnh tranh với doanh nghiệp nhà nước. Thông qua thương mại và hoạt động kinh doanh, chính phủ Việt Nam muốn tăng vị thế của mình trên trường quốc tế.
Các cơ quan quản lý đầu tư đã đưa ra nhiều ưu đãi thuế để thu hút các nhà sản xuất nước ngoài như Samsung Electronics Co., doanh nghiệp hiện đang sản xuất tại Việt Nam và chiếm khoảng 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Việt Nam cũng đang mở rộng mạng lưới các đối tác thương mại, bao gồm với Liên minh châu Âu, cho dù chính quyền Trump đã rút khỏi Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Ông Nguyen Trong Nghia, một người đang điều hành doanh nghiệp xây dựng cùng với hai người anh em của mình tại TP.HCM cho rằng, mọi thứ đang được đẩy nhanh tốc độ. Việc cấp giấy phép và tất cả những giấy tờ khác mà ông Nghia cần đều nhanh hơn. “Nó giống như ở Mỹ vậy”.
GDP Việt Nam đã tăng 6,2% trong năm 2016, một trong những mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Tất nhiên, tiến trình vẫn chậm hơn so với sự mong đợi của một số người. Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ít và chậm hơn so với hy vọng của một số nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong thời gian thay đổi, VietJet Air đã hưởng lợi.
Bà Thảo, 46 tuổi với giọng nói nhỏ nhẹ, từng là một học sinh xuất sắc được chính phủ cử đi học ngành tài chính và kinh tế tại Moscow. Bà đã ở lại sau khi Liên Xô tan rã và bắt đầu kiếm tiền bằng cách buôn bán hàng hóa giữa Đông Âu và châu Á.
Bà Thảo quay trở lại Việt Nam vào những năm 2000 và bắt đầu đầu tư vào các dự án bất động sản tại TP.HCM ở khu vực dân cư thưa thớt trên bán đảo phía nam sông Sài Gòn. Khi đất đai khu vực lên cơn sốt, bà Thảo đã thu đủ tiền để chuyển sang kinh doanh ngành hàng không. Kế hoạch ban đầu của bà là cho ra đời một hãng hàng không sang trọng đối đầu với Vietnam Airlines. "Chúng tôi sẽ giống như một JW Marriott của bầu trời", bà Thảo chia sẻ.
Tuy nhiên, sau khi khủng hoảng tài chính toàn cầu tới Việt Nam, bà Thảo bắt đầu nghiên cứu về các hãng hàng không chi phí thấp giống như Southwest Airlines (đặt trụ sở tại Mỹ), Ryanair (Ireland) và AirAsia (Malaysia) trước khi cho ra mắt VietJet Air năm 2011 với mô hình hàng không chi phí thấp.
Bà Thảo cho biết, “thật khó mà bỏ qua tất cả những gì chúng tôi đã làm. Giống như chào tạm biệt một đứa trẻ. Nhưng chúng tôi phải làm vậy nếu chúng tôi muốn có lợi nhuận. Đó là một bước ngoặt đối với chúng tôi”.
Đầu tiên, VietJet gặp nhiều trở ngại, WSJ dẫn lời hai quan chức ngành hàng không cho biết. Ở thời điểm đó hãng phải chờ tới khi máy bay của Vietnam Airlines được sắp xếp vào chỗ đậu trước khi dọn dẹp sạch mặt bằng để đón khách của mình. Họ cũng phải chờ các kiểm soát viên không lưu và các dịch vụ bảo trì, Vietnam Airlines luôn được xếp đầu bảng, một người quen thuộc với vấn đề cho biết.
Các quan chức hàng không dân dụng nay cho biết họ đối xử công bằng giữa các hãng hàng không nhà nước và tư nhân, và đang hợp tác cùng với VietJet để mở rộng ngành du lịch hàng không, để đổi lại là tăng trưởng ngành du lịch quốc gia. Bà Thảo đã đồng ý, cho biết rất ủng hộ việc này.
(Nguồn: Wall Street Journal) |
Các chuyên gia phân tích hàng không tại Trung tâm Hàng không (CAPA) hiện dự báo VietJet sẽ vượt qua Vietnam Airlines để trở thành hãng hàng không nội địa lớn nhất của Việt Nam. Hoạt động quốc tế của VietJet cũng tăng trưởng, được thúc đẩy nhờ lượng khách du lịch tới Việt Nam tăng 30% trong quý I. VietJet đã chuyên chở 3,7 triệu hành khách trong giai đoạn này, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước.
Điều đó giúp tăng doanh thu quý I của hãng thêm hơn 44%, lên 5.000 tỷ đồng (219 triệu USD). VietJet đang có kế hoạch xin chính phủ tăng trần sở hữu cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài lên 49%, từ mức 30% hiện nay, như một phần của kế hoạch dài hạn nhằm niêm yết cổ phiếu VietJet tại nước ngoài và huy động thêm tiền để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng.
Tháng 5 năm ngoái, VietJet cũng đã ký đơn hàng đặt mua 100 máy bay 737 Max 200 trị giá 11 tỷ USD với Boeing, sau đó là đơn đặt hàng 20 máy bay Airbus A321, cho thấy tầm quan trọng của các hãng hàng không chi phí thấp thế hệ mới đối với các nhà sản xuất máy bay.
Vietnam Airlines cũng không đứng ngoài cuộc, mới đây đã nhận 11 máy bay Boeing 787 Dreamliners trong nỗ lực tăng sức hút với những doanh nhân thường xuyên đi công tác. Trong tháng 3, Vietnam Airlines cũng “sao chép” từ chiến lược kinh doanh của VietJet khi công bố video các tiếp viên hàng không và nhân viên mặt đất “hát nhép”, nhảy múa theo một bài hát phổ biến.