|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Vietcombank tiếp tục là quán quân lợi nhuận, lãi hơn 24.900 tỷ đồng trong 9 tháng

19:16 | 28/10/2022
Chia sẻ
Lợi nhuận trước thuế 9 tháng của Vietcombank đạt gần 24.940 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ, tiếp tục giữ vững vị trí quán quân toàn ngành về lợi nhuận. Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng hơn 47% nhưng chỉ chiếm 0,8% tổng cho vay khách hàng.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt gần 24.940 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ. Với con số này, Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí quán quân toàn ngành về lợi nhuận.

9 tháng đầu năm, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt hơn 49.000 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 22%, đạt 38.437 tỷ đồng. Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối đạt 4.581 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ.

Ở chiều ngược lại, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và hoạt động kinh doanh khác giảm lần lượt 10% và 4% so với 9 tháng năm 2021. Mảng chứng khoán kinh doanh ghi nhận lỗ 119 tỷ đồng (riêng trong quý III lỗ 154 tỷ đồng).

Trong quý III, chi phí dự phòng rủi ro của Vietcombank tăng thêm 11% so với cùng kỳ, lên 2.778 tỷ đồng. Tuy nhiên, do ngân hàng cắt giảm hơn 15% chi phí này trong quý II, con số luỹ kế 9 tháng vẫn giảm 3%. 

 Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022 của Vietcombank. (Nguồn: Phương Nga tổng hợp).

Tính đến 30/9/2022, tổng tài sản của Vietcombank tăng mạnh 16,6% lên gần1,65 triệu tỷ đồng. Trong đó cho vay khách hàng tăng trưởng tới 17,6%, trích lập dự phòng rủi ro cho vay tăng mạnh 40,5% lên 36.173 tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng tăng 5,4 % lên hơn 1,19 triệu tỷ đồng.

Nợ xấu nội bảng của Vietcombank tăng mạnh 47,3% so với đầu năm với 9.014 tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) chiếm 5.730 tỷ đồng và tăng gần 30% so với thời điểm 31/12/2021. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,64% lên 0,8%.

 Một số chỉ tiêu 9 tháng của Vietcombank. (Nguồn: Phương Nga tổng hợp).

Phương Nga

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.