|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

PVcomBank ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực, lợi nhuận thuần 9 tháng đầu năm tăng hơn 200%

11:41 | 24/11/2022
Chia sẻ
Với chiến lược kinh doanh chủ động và linh hoạt, PVcomBank đạt kết quả tích cực ở nhiều mảng hoạt động trong 9 tháng đầu năm. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt kết quả vượt trội với tỷ lệ tăng trưởng 238% so với cùng kỳ năm trước.

 Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam. (Ảnh: PVcomBank).

Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm với kết quả tích cực ở nhiều mảng hoạt động.  

Cụ thể, thu nhập lãi thuần 9 tháng của PVcomBank đạt gần 1.900 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh ghi nhận kết quả vượt trội sau 9 tháng với tỷ lệ tăng trưởng 238% so với cùng kỳ, đạt hơn 500 tỷ đồng.

Đóng góp vào kết quả lợi nhuận chung của toàn hàng, phần lớn nhờ vào việc tăng trưởng kinh doanh ở mảng bán lẻ, phát triển khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng với các chiến lược phát triển sản phẩm đa dạng, hiện đại.

Cùng với đó, ngân hàng cũng nhanh nhạy trong nắm bắt thị trường, khách hàng để đưa ra chính sách điều hành vốn phù hợp, góp phần vào kết quả huy động vốn từ tổ chức và cá nhân của toàn hàng đạt hơn 163.200 tỷ đồng, trong đó, tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn bình quân tăng trưởng hơn 2% so với quý III cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh các hoạt động kinh doanh, PVcomBank cũng tập trung nguồn lực cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả và chất lượng, ưu tiên quản trị rủi ro và thu hồi các khoản nợ cần xử lý.

Tính đến 30/9/2022, tổng dư nợ cho vay khách hàng của PVcomBank đạt hơn 96.300 tỷ đồng, tăng 9% so với thời điểm 31/12/2021. Nhờ việc quản trị hiệu quả chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng được kiểm soát ở mức dưới 3%.Tổng tài sản đạt hơn 202.000 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ 2021.  

Cùng với việc duy trì một chiến lược kinh doanh lấy hiệu quả, ổn định, phát triển bền vững là ưu tiên hàng đầu, PVcomBank cũng tập trung nguồn lực cả về con người và tài chính cho nhiệm vụ trọng tâm là chuyển đổi số. Ngân hàng đã sớm đẩy mạnh đầu tư, hoàn thiện nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại nhằm triển khai nhanh chóng, hiệu quả mục tiêu chuyển đổi số/kinh doanh số song song với việc đảm bảo quản trị rủi ro và thúc đẩy hoạt động kinh doanh truyền thống.

Điều đó đã và đang mang đến các sản phẩm, dịch vụ, các giải pháp tài chính thân thiện, hiện đại và thuận tiện, góp phần thay đổi cách tương tác, tiếp cận với khách hàng. Tính hết quý III/2022, tổng giá trị giao dịch điện tử đạt xấp xỉ 309.000 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ năm 2021. Điều đó cho thấy hiệu quả trong việc chuyển đổi số tại PVcomBank đã được đón nhận tích cực và mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng.

Là một trong những ngân hàng đi đầu trong ứng dụng công nghệ, PVcomBank cũng rất tích cực đưa vào triển khai các giải pháp tài chính mới – những công cụ hướng khách hàng đến thói quen sử dụng các giao dịch tài chính trên kênh ngân hàng trực tuyến, qua đó giảm thiểu rủi ro có thể gặp phải như khi sử dụng tiền mặt truyền thống như thanh toán qua QR Code, Thẻ tín dụng,…

Đơn cử như thẻ tín dụng, PVcomBank triển khai nhiều chương trình ưu đãi gắn với sở thích, nhu cầu thường xuyên của khách hàng, từ đó kích thích thói quen thanh toán bằng thẻ. Số lượng thẻ tín dụng phát hành thành công và giá trị giao dịch chi tiêu bình quân qua thẻ tín dụng PVcomBank tăng lần lượt là 34% và 41% so với 31/12/2021.

Hay như giải pháp gửi tiết kiệm online của PVcomBank cũng được khách hàng ngày càng yêu thích bởi sự thuận tiện, không mất thời gian đến ngân hang, lãi suất cao hơn khi gửi trực tiếp tại quầy và có thể dùng để cầm cố vay online….

Cùng với kết quả kinh doanh, những nỗ lực trong việc đẩy nhanh ứng dụng công nghệ vào các hoạt động, phát triển sản phẩm, dịch vụ, chuẩn hóa quản trị rủi ro…đã giúp PVcomBank được vinh danh nhiều hạng mục giải thưởng quốc tế như: Ngân hàng bán lẻ uy tín nhất; Ngân hàng có dịch vụ khách hàng tốt nhất; Ngân hàng chuyển đối số tốt nhất Việt Nam…

Bích Thu

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.