|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nợ xấu nhiều ngân hàng tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm

12:15 | 28/10/2022
Chia sẻ
Hầu hết ngân hàng đều có xu hướng nợ xấu tăng mạnh sau 9 tháng đầu năm, VPBank là ngân hàng có số dư nợ xấu cao nhất trong khi NCB ghi nhận sự gia tăng đột biến về nợ xấu.

Theo cập nhật mới nhất của người viết từ các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý III/2022, hầu hết ngân hàng đều có xu hướng nợ xấu tăng mạnh sau 9 tháng đầu năm.

Trong đó, NCB hiện là nhà băng có nợ xấu gia tăng đột biến trong 9 tháng với số dư nợ xấu tăng gấp 5,3 lần so với cùng kỳ từ 1.249 tỷ đồng lên 6.648 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu từ 3% cuối năm trước lên 14,72%.

Cụ thể, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng gấp hơn 3 lần lên 1.353 tỷ đồng; nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng từ 181 tỷ đồng lên 2.831 tỷ đồng; nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng gấp 4 lần từ 603 tỷ đồng lên 2.462 tỷ đồng.

Phía ngân hàng cho biết nguyên nhân nợ xấu tăng mạnh trong kỳ một phần do nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng mạnh khi các ngân hàng chuyển dần các khoản nợ tái cơ cấu về đúng nhóm nợ sau khi Thông tư 14 hết hiệu lực vào ngày 30/6/2022.

 Nguồn: Phương Nga tổng hợp.

Tại ACB, nợ xấu nội bảng của ngân hàng cũng tăng đến 45% so với đầu năm lên 4.056 tỷ đồng chủ yếu do nợ nhóm 5 tăng vọt từ 1.379 tỷ đồng lên hơn 3.190 tỷ đồng, tương đương tăng 131%. Tỷ lệ nợ xấu, theo đó, tăng từ 0,78% đầu năm lên 1,01%.  

Hai nhà băng khác cũng có con số nợ xấu tăng trên 30% so với thời điểm 31/12/2021 là MB và Vietbank. Số dư nợ xấu tại các ngân hàng còn lại như Techcombank, VIB, HDBank, LienVietPostBank,... đều tăng từ 13% đến 21%.

Eximbank là nhà băng có nợ xấu nội bảng tăng thấp nhất trong 9 tháng với số nợ xấu tăng 7,5% so với đầu năm, ở mức 2.416 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn ở mức 1.638 tỷ đồng, chiếm 68% nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,96% ở đầu năm xuống còn 1,9%.

Xét về số dư tuyệt đối, tới thời điểm hiện tại, VPBank là ngân hàng có số dư nợ xấu cao nhất với hơn 20.000 tỷ đồng, tăng hơn 24% so với đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng tới 177% từ hơn 2.000 tỷ đồng lên 5.679 tỷ đồng.

Song, phần lớn nợ xấu của VPBank đến từ công ty con FE Credit, nợ xấu của ngân hàng mẹ tín đến 30/9 chỉ hơn 8.400 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu theo thông tư 11 của ngân hàng riêng lẻ được kiểm soát ở mức dưới 2%.

Đứng kế VPBank lần lượt là NCB và VIB, trong đó VIB có nợ xấu nội bảng tại thời điểm cuối tháng 9 là 5.309 tỷ đồng, nợ nhóm 5 chiếm 2.419 tỷ đồng (tăng 83% so với đầu năm). Tiếp sau đó là MB và ACB với số dư nợ xấu là 4.415 và 4.056 tỷ đồng.

 

Nợ xấu chịu áp lực tăng

Báo cáo gần đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng nợ xấu ngân hàng sẽ chịu áp lực tăng khi thị trường bất động sản vào giai đoạn điều chính, áp lực thanh khoản của các doanh nghiệp trong ngành tăng cao vào cuối năm. 

Theo đó, ngành bất động sản bước vào giai đoạn điều chỉnh mạnh sẽ khiến rủi ro nợ xấu gia tăng tại các ngân hàng có mức phân bổ cao tín dụng vào ngành bất động sản, kéo theo biên chi phí tín dụng cao hơn.

Tuy vậy, mức độ rủi ro là khác nhau tùy vào mức độ tiếp xúc tín dụng của từng ngân hàng với ngành bất động sản và sức khỏe tài chính của các đối tác bất động sản.

Nhận định về ảnh hưởng của việc Thông tư 14 hết hiệu lực, công ty chứng khoán cho rằng nhiều ngân hàng đã trích lập đủ dự phòng cho nợ cơ cấu nên lợi nhuận sẽ không chịu áp lực từ vấn đề này. Song, với những ngân hàng chưa trích lập đủ sẽ phải đối mặt với khả năng chi phí tín dụng gia tăng. 

Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu thời gian tới dự báo sẽ tiếp tục phân hóa giữa các ngân hàng tùy tính chất tập khách hàng của từng ngân hàng và tác động của kinh tế vĩ mô lên các nhóm khách hàng. Nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ và khách hàng cá nhân thu nhập thấp sẽ khó khăn hơn trong điều kiện lãi suất và lạm phát có xu hướng tăng nhanh. 

Ngoài ra, việc NHNN cấp bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng khác nhau giữa các ngân hàng cũng dẫn đến sự khác biệt về tỷ lệ nợ xấu.

Phương Nga