|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thông tư 14 hết hiệu lực, rủi ro nợ xấu không quá đáng lo

09:08 | 30/09/2022
Chia sẻ
Trong bối cảnh Thông tư 14 hết hiệu lực, các chuyên gia cho rằng nợ xấu có khả năng sẽ tăng nhưng không quá đáng lo ngại, rủi ro từ nợ tái cơ cấu không quá lớn do các ngân hàng đã trích lập dự phòng đầy đủ.

Nợ tái cơ cấu đã giảm đáng kể 

Kết thúc quý II/2022, dư nợ tái cơ cấu có diễn biến tích cực trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau COVID-19, hoạt động kinh doanh sản xuất được phục hồi trở lại giúp các cá nhân và doanh nghiệp có thể trả nợ. Nhiều ngân hàng ghi nhận nợ tái cơ cấu giảm sau 6 tháng đầu năm.

Cho biết tại đại hội cổ đông thường niên,ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc ngân hàng VPBank cho biết, có tới 97% khách hàng được tái cơ cấu nợ đã quay trở lại trả nợ đầy đủ, chỉ còn 3% phải tái cơ cấu lần 2. Tính tới cuối năm 2021, ngân hàng mẹ ghi nhận hơn 17.000 tỷ đồng dư nợ tái cơ cấu, đã trích lập dự phòng hơn 7.800 tỷ đồng, nếu tính cả FE Credit thì tổng mức trích lập là 19.000 tỷ đồng.

Còn theo số liệu từ Techcombank, dư nợ tái cơ cấu của ngân hàng đã giảm mạnh từ 1.900 tỷ đồng, tương đương 0,5% tổng dư nợ vào cuối năm 2021 xuống 500 tỷ đồng tương đương 0,1% tổng dư nợ tính đến cuối quý II/2022.

Ngân hàng cho biết toàn bộ dư nợ tái cơ cấu hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đã được trích lập dự phòng sớm trước 2 năm so với thời hạn NHNN cho phép (theo Thông tư 14).

Tại BIDV, tỷ lệ nợ nhóm 2 và nợ tái cơ cấu đều có cải thiện, lần lượt đạt mức 1,17% (dư nợ là 17.000 tỷ đồng) và 1,2% (dư nợ là 18.000 tỷ đồng). Theo ban lãnh đạo ngân hàng, khoảng 21.800 tỷ đồng là số dư dự phòng dành cho các khoản nợ tái cơ cấu, trong khi phần còn lại được dành cho nợ xấu.  

Theo số liệu từ SSI Research, dư nợ các khoản vay tái cơ cấu của VIB đã giảm 37% so với đầu năm và giảm 27% so với quý trước xuống còn 666 tỷ đồng, chiếm 0,3% tổng dư nợ cho vay. Các chuyên gia kỳ vọng dư nợ tái cấu trúc của ngân hàng sẽ giảm 80% trong năm 2022.

Lãnh đạo ACB cũng chi biết dư nợ tái cơ cấu của khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 giảm 24% so với đầu năm và chỉ chiếm 3% tổng dư nợ.

 

Theo Mirae Asset, mặc dù nợ tái cơ cấu đã giảm đáng kể trong nửa đầu năm, dư nợ tái cơ cấu còn lại của một số ngân hàng vẫn còn khá lớn. Tình trạng nợ xấu sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng tùy thuộc vào tính chất tập khách hàng của từng ngân hàng cũng như các yếu tố vĩ mô như sự phục hồi của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát. 

 

Các chuyên gia của SSI Research cho rằng rủi ro từ các khoản nợ tái cơ cấu COVID-19 không quá đang lo ngại đối với các ngân hàng lớn. Tính đến cuối tháng 4/2022, dư nợ tái cơ cấu do COVID đã giảm 24% so với đầu năm và bằng khoảng 1,8% tổng dư nợ cho vay.

Một số ngân hàng đã giảm mạnh dư nợ tái cơ cấu. Vietcombank giảm 62% so với đầu năm, BIDV giảm 31% so với đầu năm. Các ngân hàng lớn hơn như Vietcombank, BIDV, ACB, MB cũng đã trích lập dự phòng đầy đủ cho các khoản nợ tái cơ cấu COVID-19.

Nợ xấu vẫn có khả năng tăng nhưng không quá đáng lo ngại 

 

Ngày 30/6, Thông tư 14 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đã hểt hiệu lực. Nhiều quan điểm cho rằng dư nợ tái cơ cấu có thể trở thành nợ xấu, khiến nợ xấu có thể tăng mạnh, tuy nhiên theo các chuyên gia, nợ xấu có thể tăng nhưng không đáng lo ngại.

Khi các khoản nợ tái cơ cấu đang dần hết thời gian ân hạn, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng gia tăng. Theo các chuyên gia của Mirae Asset, xu hướng chung của nợ xấu vẫn có thể tiếp tục tăng trong nửa sau năm 2022 vì đa phần nợ tái cơ cấu phát sinh trong quý III/2021.

Do đó, các ngân hàng phải tăng cường trích lập dự phòng. Một số ngân hàng cho biết họ đã trích lập đầy đủ cho nợ tái cơ cấu trước kỳ hạn (2023). Trong 6 tháng đầu năm, dựa trên sự phục hồi tích cực của các khoản nợ tái cơ cấu, một số ngân hàng đã có thể hoàn nhập các khoản dự phòng đã trích lập cho nợ tái cơ cấu.

Vietcombank cho biết tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu đến cuối quý II/2022 của ngân hàng lên tới 514%, đánh dấu kỷ lục mới của toàn hệ thống. Tổng dư nợ của ngân hàng là 1,1 triệu tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất toàn ngành với tỷ lệ 0,6% tính đến cuối quý II.

 Tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại VietinBank cuối quý II/2022. (Nguồn: VietinBank)

Hay tại VietinBank, theo báo cáo 6 tháng đầu năm của ngân hàng, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 6 tháng đầu năm là 10.300 tỷ đồng, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu là 189,7%, tăng 9,4% so với tỷ lệ bao phủ nợ xấu cuối năm 2021. Một số ngân hàng khác có tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 100% như BIDV (279%), ACB (185%), MB (271%).

Vì vậy, theo các chuyên gia của Mirae Asset, trong nửa đầu năm, dựa trên sự phục hồi tích cực của các khoản nợ tái cơ cấu, một số ngân hàng đã có thể hoàn nhập các khoản dự phòng đã trích lập cho nợ tái cơ cấu.

Tuy nhiên, khả năng thu hồi những khoản nợ vay tái cơ cấu cũng có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng, theo Chứng khoán Yuanta Việt Nam.

“Nếu những khoản nợ này trở thành nợ xấu, các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp sẽ phải tăng thêm dự phòng, qua đó làm giảm lợi nhuận trong năm nay”, chuyên gia của Yuanta nhận định.

Huyen Vi