|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Mất thêm khoảng 15 ngày để hàng hóa về Việt Nam nếu đi qua Mũi Hảo Vọng

17:05 | 29/03/2021
Chia sẻ
Đối với phương án hàng hóa đi vòng qua Mũi Hảo Vọng, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho hay hành trình sẽ kéo dài thêm 10 - 15 ngày để về Việt Nam và chi phí tăng thêm nhiều. Do vậy, các doanh nghiệp cần liên hệ chặt chẽ với các hãng tàu để có phương án phù hợp.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết kênh đào Suez là tuyến hàng hải quan trọng đối với thế giới. 

Với Việt Nam đây là tuyến đường xuất nhập khẩu với khu vực Châu Âu và một phần khu vực bờ Đông nước Mỹ.

Châu Âu là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam đồng thời với EVFTA, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đang tăng trưởng. Do vậy lưu lượng thương mại cũng gia tăng. Điều này cho thấy vai trò kênh đào Suez rất quan trọng. 

Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu sang Châu Âu với kim ngạch 43,7 tỷ USD, và nhập khẩu từ thị trường này 18,5 tỷ USD. 2 tháng đầu năm 2021, con số xuất khẩu là 7,5 tỷ USD, và nhập khẩu 3,1 tỷ USD, tương ứng với tốc độ tăng trưởng 18% và 12%. Châu Âu hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, và Hàn Quốc.

Trả lời câu hỏi thiệt hại của của Việt Nam trước sự cố này, ông Hải cho hay hiện nay, ngoài số lượng hàng hóa không lớn vận chuyển bằng hàng không và đường sắt, về cơ bản hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Châu Âu đều qua kênh đào Suez. 

"Với kim ngạch 2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu sang Châu Âu khoảng 7 tỷ USD. Như vậy, tính trung bình mỗi ngày xuất khẩu sang EU đạt khoảng 100 triệu USD. 

Bên cạnh đó, việc ùn tắc ở kênh đào Suez làm phát sinh chi phí, các doanh nghiệp ảnh hưởng tiến độ giao hàng và chiều nhập nguyên liệu để sản xuất các mặt hàng ở Việt Nam", ông Hải nói. 

Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, trong bối cảnh sự cố ở kênh đào Suez và tình trạng khan hiếm container, giá cước tàu biển tăng cao, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nâng cao khả năng thích ứng, chịu đựng trước những biến động khắc nghiệt của thị trường. 

Đa dạng hóa và lên phương án dự phòng cho những trường hợp khẩn cấp để có thể giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất khi có tình huống bất lợi xảy ra.

Đối với phương án các tàu đi vòng qua Mũi Hảo Vọng, ông Hải cho hay hành trình sẽ kéo dài thêm 10 - 15 ngày để về Việt Nam và chi phí tăng thêm nhiều. Do vậy, các doanh nghiệp cần liên hệ chặt chẽ với các hãng tàu để có phương án phù hợp.

Hiện, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập theo dõi sát tiến độ giải phóng tàu Ever Given để thông tin kịp thời đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Bộ Công Thương cũng phối hợp với Bộ Giao thông vận tải nắm tiến độ giao hàng, làm hàng tại các cảng đầu mối để có biện pháp điều tiết cần thiết trong trường hợp sự cố tại Kênh Suez kéo dài.

Ngày 23/3, trên đường di chuyển từ Châu Á sang Châu Âu, tàu của Ever Given đã bị mắc cạn khi di chuyển qua Kênh đào Suez khiến việc di chuyển của các con tàu khác theo cả hai hướng trên Kênh đào Suez đều bị dừng lại, gây ùn tắc tại khu vực này.

Kênh đào Suez dài 190km, là một trong những tuyến hàng hải đông đúc bậc nhất thế giới. Khoảng 12% thương mại toàn cầu được vận chuyển qua kênh đào này. Năm 2020, gần 19.000 lượt tàu thuyền đã đi qua Kênh đào Suez với tổng trọng tải khoảng 1,17 tỷ tấn.

H.Mĩ