Việt Nam nên phát triển điện hạt nhân như thế nào
Quốc hội giao Chính phủ trình cấp có thẩm quyền việc khởi động lại điện hạt nhân, theo Nghị quyết về phát triển kinh tế xã hội 2025. Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đã đề xuất cấp có thẩm quyền và được đồng ý về chủ trương tái khởi động loại năng lượng này.
Theo Luật Điện lực đang sửa đổi, Chính phủ đề xuất Nhà nước độc quyền đầu tư xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân. Đây là lần đầu quy định về độc quyền phát triển điện hạt nhân được đưa vào một dự án luật.
Theo ông Nguyễn Thái Sơn, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nhiều quốc gia chọn phương án độc quyền Nhà nước trong giai đoạn đầu phát triển điện hạt nhân. Bởi loại năng lượng này liên quan đến uranium, độ bức xạ cao, công nghệ phức tạp nên phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân, môi trường.
Pháp, Nga, Ấn Độ hay Iran đều chọn độc quyền Nhà nước khi phát triển điện hạt nhân. Hiện Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) quản lý 18 nhà máy, 56 lò phản ứng của nước này. Các nhà máy điện hạt nhân của Nga cũng được điều hành bởi công ty quốc doanh Rosenergoatom thuộc Tập đoàn Rosatom.
Hay nhà máy điện hạt nhân duy nhất của Iran - Bushehr Nuclear Power Plant (BNPP) thuộc quản lý của chính phủ.
Tuy vậy, PGS. TS Vương Hữu Tấn, nguyên Viện trưởng Năng lượng nguyên tử (Vinatom) nhìn nhận sẽ khó huy động các nguồn lực trong, ngoài nước phát triển loại năng lượng này nếu Nhà nước giữ độc quyền. Việc này có thể làm tăng gánh nặng đầu tư công trong khi nguồn lực hạn chế. Ngoài ra, Luật Năng lượng nguyên tử 2008 cũng không cấm tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển điện hạt nhân.
Theo ông, chương trình phát triển điện hạt nhân của Việt Nam phục vụ mục đích hòa bình, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Do đó, nhà chức trách cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để làm rõ hơn nếu Nhà nước độc quyền đầu tư, phát triển nguồn điện này.
Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%, kéo theo nhu cầu tăng trưởng điện 12-13%. Mục tiêu tăng trưởng còn cao hơn những năm tới, trong khi
để đảm bảo an ninh năng lượng, GDP tăng 1% thì điện cần 1,5%. Với nhu cầu cao như vậy, ngoài nhiệt điện, thủy điện đã có, Việt Nam cần một loại năng lượng mới đảm bảo tính ổn định, giá cạnh tranh. Điện hạt nhân là nguồn điện lớn, có khả năng chạy nền và cung cấp điện ổn định.
Ông Thái Sơn cho rằng các dự án hạt nhân cần nguồn lực lớn, tốn thời gian và chi phí để nghiên cứu, khảo sát ban đầu. Trường hợp tư nhân tham gia sẽ khó đáp ứng, chưa kể huy động vốn cũng là vấn đề với họ. Vì thế, Nhà nước giữ độc quyền sẽ tránh sai sót do chủ quan và đảm bảo an ninh quốc phòng, theo ông Sơn.
Chọn công nghệ nào để tối ưu hiệu quả, chi phí cũng là bài toán cần tính khi khởi động lại điện hạt nhân.Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận tạm dừng từ 2016, từng được đề xuất phát triển với mô hình lò tiêu chuẩn, sử dụng công nghệ làm mát bằng nước của Nga và Nhật, thuộc thế hệ III+. Đây là các thiết kế đảm bảo nhiều tiêu chí về an toàn hậu sự cố Fukushima.
Theo thống kê của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), thế giới có 440 lò phản ứng hạt nhân, trong đó 94% đang hoạt động ở 30 quốc gia. 70% số lò phản ứng toàn cầu sử dụng công nghệ lò phản ứng nước áp suất (PWR), theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới (WNA).
Ông Vương Hữu Tấn cho hay các nước có xu hướng cải tiến các lò làm mát bằng nước công suất lớn, nhằm tăng hiệu quả sử dụng nhiên liệu và an toàn. Loại này đã được kiểm chứng qua thời gian vận hành và trong nhiều thập niên tới vẫn chiếm đa số tại các dự án điện hạt nhân trên thế giới, theo IAEA.
Bên cạnh mô hình truyền thống, công nghệ hạt nhân gần đây phát triển loại lò phản ứng module cỡ nhỏ và vừa (SMR). Ưu điểm của loại này là kích thước chỉ bằng 1/10 lò phản ứng tiêu chuẩn, nên dễ xây dựng và suất đầu tư phù hợp. Ước tính chi phí đầu tư mỗi MW theo lò SMR dao động 7.000-12.000 USD, tức 2,1-3,6 tỷ USD cho một nhà máy 300 MW. Thời gian xây dựng các nhà máy loại này khoảng 2-3 năm. Trong khi chi phí xây dựng một nhà máy tiêu chuẩn khoảng 6-9 tỷ USD, thời gian trên dưới 5 năm, thậm chí có dự án hơn 10 năm.
Canada là nước đầu tiên cấp phép xây 4 lò phản ứng hạt nhân nhỏ SMR, dự kiến vận hành vào 2030. Theo TS. Quỳnh Trần, Thương vụ Việt Nam tại Canada, thiết kế loại lò phản ứng này cho phép các nhà máy có thể mở rộng công suất bằng cách bổ sung các module khi nhu cầu tăng. SMR đủ nhỏ để được chế tạo trong nhà máy, vận chuyển bằng xe tải, đường sắt hoặc tàu thủy.
Ông Quỳnh cũng cho rằng SMR sẽ rẻ hơn khi sản xuất hàng loạt. Chúng còn giúp tiết kiệm đất, vì để tạo ra cùng lượng điện, điện mặt trời, gió cần diện tích đất gấp 100-500 lần.
Trong một báo cáo lấy ý kiến về sửa Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương cho hay có thể xem xét nghiên cứu lò phản ứng cỡ nhỏ, gồm nhà máy điện hạt nhân nổi trong tương lai tại Việt Nam.
Song, ông Nguyễn Thái Sơn cảnh báo các yếu tố an toàn, tính cạnh tranh kinh tế và thời gian triển khai của SMR. Ông dẫn ý kiến nghiên cứu cho biết lò cỡ lớn 800-1.200 MW được gọi là công nghệ trưởng thành. Nhiều "ông lớn" trong lĩnh vực hạt nhân như Nga, Mỹ, Nhật Bản đã xuất khẩu công nghệ này. Còn lò nhỏ dưới 300 MW là xu hướng, nhưng đang thử nghiệm và cần thời gian kiểm chứng.
Viện Kinh tế năng lượng và Phân tích tài chính (IEEFA), một tổ chức nghiên cứu từ Mỹ, thống kê nhiều dự án SMR khi triển khai thực tế đều đội vốn, thời gian kéo dài gấp 2-3 lần so với kế hoạch ban đầu. Do đó, IEEFA cho rằng "SMR vẫn quá đắt, chậm và rủi ro".
Gần đây, nhiều đại biểu Quốc hội và giới chuyên môn đề xuất cần khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Việc này sẽ giúp Việt Nam tận dụng thành quả, tiết kiệm 4-5 năm trong tìm kiếm địa điểm, nghiên cứu công nghệ, cũng như đội ngũ kỹ sư, chuyên gia đã được đào tạo trước đây.
"Địa điểm lựa chọn trước đây được đánh giá kỹ từ tư vấn quốc tế, nhà khoa học. Còn công nghệ III+ đã kiểm chứng, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn", chuyên gia Nguyễn Thái Sơn nói.
Trường hợp khởi động lại dự án này, theo ông Vương Hữu Tấn nhà chức trách cần cập nhật báo cáo tiền khả thi do bối cảnh phát triển kinh tế, cung cầu điện, suất đầu tư, công nghệ, an toàn... thay đổi nhiều so với trước.
Giải trình với các đại biểu Quốc hội về dự Luật Điện lực (sửa đổi), Bộ Công Thương cho biết các vấn đề như công suất, vị trí, công nghệ và cách thức đảm bảo cấp điện sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng, cụ thể trong quá trình quy hoạch và triển khai dự án. Các cơ chế đặc thù cho phát triển lĩnh vực này sẽ được nghiên cứu cho từng dự án, đề xuất trong chủ trương đầu tư để trình Quốc hội xem xét.
"Việt Nam sẽ chọn công nghệ thế hệ mới đã được áp dụng thực tiễn. Mục tiêu nhằm đảm bảo tối đa an toàn, đưa rủi ro về bằng 0", Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nói hồi tháng 9, thêm rằng cơ quan này đang khoanh vùng một vài phương án khi nghiên cứu khởi động lại điện hạt nhân.
Trong phát triển hạt nhân, vấn đề bảo đảm an toàn, xử lý chất thải cũng là thách thức, nhất là sau các thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân tại Chernobyl (Nga, năm 1986) và Fukushima (Nhật Bản, năm 2011).
Thực tế, sau thảm họa Fukushima, IAEA đã xây dựng các tiêu chuẩn an toàn mới áp dụng cho các nhà máy điện hạt nhân. Tổ chức các nhà vận hành điện hạt nhân trên thế giới (WANO) cũng thường xuyên hỗ trợ các nước nâng cao năng lực quản lý, vận hành. "Hơn 400 lò năng lượng hạt nhân đang vận hành ở 31 quốc gia và vùng lãnh thổ vẫn tuyệt đối an toàn, không ảnh hưởng đến con người, môi trường", ông Vương Hữu Tuấn nói, thêm rằng công nghệ hiện nay hoàn toàn giải quyết được các kịch bản sự cố.
Dù vậy, theo ông, vận hành, quản lý an toàn còn liên quan tới yếu tố con người. Vì vậy, việc đào tạo cán bộ, cơ chế vận hành các nhà máy điện hạt nhân cần được quản lý nghiêm ngặt.
Về chất thải hạt nhân, hiện nhiều nước chọn lưu giữ các thanh nhiên liệu đã cháy, để chờ công nghệ hiện đại hơn rồi xử lý. "Việt Nam nên áp dụng cách ứng xử này. Số lượng nhiên liệu cho nhà máy điện hạt nhân không nhiều nên đây không phải vấn đề lớn", ông Tấn đề xuất.