Việt Nam đồng ý mua thêm 5.000 MW điện từ Lào đến năm 2030
Theo Báo Chính phủ, chiều 7/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ về thúc đẩy hợp tác với Lào.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Cho tới nay, đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào Lào có 413 dự án với tổng vốn 4,22 tỉ USD, đứng thứ 3 với nhiều công trình tiêu biểu đang kinh doanh đạt kết quả tích cực như Liên doanh Viễn thông của Viettel, các dự án của Tập đoàn Cao su với hàng vạn ha, khách sạn Mường Thanh…
Việt Nam đã đồng ý mua 1.200 MW điện của Lào, vượt mức kế hoạch đề ra là 1.000 MW của năm 2020 và sẽ tăng mua tới 5.000 MW đến 2030 tạo thêm điều kiện thuận lợi cho Lào phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, hàng năm Việt Nam viện trợ không hoàn lại cho Lào (giai đoạn 2016-2020 là 3.250 tỉ đồng), năm tài khóa 2019 là 707 tỉ đồng, tăng 18,4% so với năm 2018 phát triển nhiều dự án hạ tầng cơ sở, nhất là các dự án giao thông, năng lượng, đào tạo cán bộ, an sinh xã hội…
Đầu năm 2019, Việt Nam đã viện trợ 300 tấn hạt giống lúa cho Lào để hỗ trợ nhân dân khôi phục sản xuất sau thiên tai.
Việt Nam đã cấp hơn 1.000 suất học bổng cho học sinh Lào sang học tập tại Việt Nam; tiếp tục cử giáo viên sang giảng dạy tiếng Việt tại Lào; hỗ trợ kinh phí để đào tạo dự bị tiếng Việt 4 tháng tại Lào.
Bên cạnh đó, các địa phương, các ngành trực tiếp hỗ trợ đối tác Lào, ước tính khoảng 200 tỉ đồng.
Năm 2019, có khoảng 5 dự án viện trợ hoàn thành, đạt chất lượng, đưa vào sử dụng; mở mới 2 dự án; công trình Nhà Quốc hội Lào tích cực triển khai, đạt tiến độ theo kế hoạch đề ra; sân bay Nong Khai đang tích cực triển khai để sớm hoàn thành.
Thủ tướng và Thường trực Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy triển khai, chuẩn bị cho phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Việt-Lào do Thủ tướng hai nước chủ trì vào đầu quí I/2020, mở ra những phương hướng hợp tác.