|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cần sớm đầu tư hạ tầng truyền tải điện bằng hình thức công tư

21:01 | 07/12/2019
Chia sẻ
Nhà nước cần khuyến khích nhà đầu tư tư nhân xây dựng hạ tầng truyền tải điện, mở ra một hướng đi mới đối với vấn đề hạ tầng truyền tải điện.

Với sự đầu tư và phát triển nhanh chóng của các dự án năng lượng tái tạo đã và đang giúp Ninh Thuận khởi sắc ở nhiều mặt. 

Tuy nhiên, do trình tự thủ tục tư đối với dự án đầu tư công liên quan đến hạ tầng truyền tải điện mất nhiều thời gian nên đã khiến nhiều nhà máy điện gió và điện mặt trời bị giảm phát và thiệt hại. 

Vì vậy, một giải pháp được đặt ra hiện nay là cần phải sớm có cơ chế để thu hút nguồn vốn xã hội hóa trong đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng truyền tải điện.

Với 16 tua bin gió có công suất 37,6MW, hiện mỗi ngày Nhà máy điện gió Mũi Dinh (huyện Thuận Nam) mất khoảng 250 triệu đồng vì mới có từ 35 – 60% công suất được tiếp nhận lên lưới. Nếu tính chung cả năm, nhà đầu tư thiệt hại trên 90 tỷ đồng.

Cần sớm đầu tư hạ tầng truyền tải điện bằng hình thức công tư - Ảnh 1.

.

“Nghịch lý ở chỗ gió càng lớn thì sản lượng nhà máy càng hạn chế nhiều, vì thời điểm gió lớn, Mũi Dinh lại nằm cái thời điểm mặt trời phát tốt, do vậy, sản lượng điện của nhà máy không cho phát và bị cắt giảm rất lớn, trung bình mỗi ngày bị cắt giảm tầm 250MW” - ông Lê Nguyên Tuấn, quản đốc Nhà máy điện gió Mũi Dinh nói.

Trong gần 2 năm qua, tỉnh Ninh Thuận có 1.200 MW điện đã hòa lưới từ 18 dự án năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, đường truyền tải điện quá tải, hạ tầng lưới điện không kịp triển khai.

Trước áp lực giải phóng công suất, tỉnh Ninh Thuận đã đề xuất xã hội hóa việc đầu tư đường truyền tải điện 500kv từ các Nhà máy năng lượng tái tạo tới trạm biến áp, sau đó chuyển giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quản lý, vận hành. 

Theo dự kiến, trong vòng 1 năm dự án có thể hoàn thành, nhà đầu tư sẽ được tăng công suất sản xuất điện.

“Sắp tới phải có những cơ chế để làm sao huy động nguồn lực xã hội hóa tham gia vào đầu tư hệ thống đường truyền tải. 

Cần có những cơ chế tháo gỡ chung không chỉ riêng địa bàn của Ninh Thuận, Bình Thuận mà các tỉnh khác, để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh về năng lượng” - ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nói.

Việc cho phép tư nhân xây dựng hạ tầng truyền tải điện là hình thức đầu tư công - tư, mở ra một hướng đi mới đối với vấn đề đầu tư hạ tầng truyền tải điện tại Việt Nam.

GS.TS Lê Chí Hiệp, Đại học quốc gia TPHCM cho rằng: “Thay vì độc quyền, chúng ta có thể cho những doanh nghiệp, nhà đầu tư đầu tư ở những điểm nghẽn giải quyết các vấn đề. 

Sau đó,cần phối hợp giữa các dự án đầu tư mới sắp tới và những dự kiến trong tương lai, chúng ta cho những doanh nghiệp đầu tư vào những đường dây truyền tải thì chúng tôi nghĩ rằng vấn đề đó có thể giải quyết được.”

Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Để đầu tư đường dây 220KV phải mất 2-3 năm, còn 500KV phải mất tới 5 năm nên hướng đi là để các nhà đầu tư BOT hoặc các tập đoàn đầu tư rồi bàn giao cho EVN vận hành.

“Những trạm 500KV của Phú Mỹ rồi trạm 500KV của Vũng Áng không phải của EVN đầu tư mà là các nhà đầu tư BOT đầu tư hoặc tập đoàn dầu khí đầu tư, sau đó lại bàn giao cho EVN để sở hữu vận hành đảm bảo tính điều độ thống nhất của hệ thống. 

Thì đã có thực tiễn để sau này xác định đầu tư của năng lượng tái tạo mà các nhà đầu tư có khả năng đầu tư những lưới chuyên dùng để đảm bảo cái đầu nối đến điểm đấu nối thì rất tốt” - ông Nguyễn Thái Sơn, Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển Điện lực Việt Nam cho biết.

Trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước cần khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân xây dựng hạ tầng truyền tải điện để mở ra một hướng đi mới đối với vấn đề đầu tư hạ tầng truyền tải điện, không chỉ tại Ninh Thuận mà còn trong cả nước.

CTV Hữu Tầm