Hạ nhiệt đầu tư điện mặt trời
Dự án Nhà máy Điện mặt trời Xuân Thọ 1 (huyện Sông Cầu , tỉnh Phú Yên). Ảnh: Đức Thanh
Hết thời giá cố định
Cuộc họp của Thường trực Chính phủ liên quan đến việc phát triển điện mặt trời diễn ra tuần trước được các nhà đầu tư trong lĩnh vực này đặc biệt quan tâm bởi quyết định lớn tới đường đi, nước bước của họ trong thời gian tới.
Mặc dù kết luận của cuộc họp chưa được ban hành chính thức, nhưng giới thạo tin đã tỏ ra lo lắng về mức độ hấp dẫn của điện mặt trời khi giá mua điện thời gian tới đi theo hướng đấu thầu chọn nhà đầu tư phát triển dự án, như cách mà Campuchia vừa thực hiện với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Được biết, hiện có 20 - 30 dự án điện mặt trời trong diện đã được bổ sung quy hoạch, đã đàm phán xong hợp đồng mua bán điện với Công ty Mua bán điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đang triển khai thi công trên thực địa. Tổng công suất của các dự án này khoảng 2.000 MW.
“Các dự án đang thi công này vẫn áp dụng mức giá mua điện cố định, nhưng không còn là 9,35 UScent/kWh như trước ngày 30/6/2019. Hiện mức giá mua điện mặt trời mới được Bộ Công thương trình Chính phủ cho giai đoạn sau ngày 30/6/2019 đến hết năm 2021 là 7,09 UScent/kWh và áp dụng chung một vùng.
Các dự án còn lại chưa thi công, kể cả đã được bổ sung vào quy hoạch, có thể đi theo hướng đấu thầu chọn nhà phát triển dự án”, một nguồn tin của Báo Đầu tư cho biết.
Trả lời chất vấn Quốc hội ít ngày trước, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng cho hay, hiện còn gần 260 dự án điện mặt trời với tổng công suất 28.300 MW đang chờ để được đưa vào quy hoạch.
Trước thực trạng đó và viễn cảnh giá mua điện mặt trời giảm mạnh, cũng như tiến tới đấu giá chọn nhà phát triển dự án cụ thể, nhiều nhà đầu tư điện mặt trời đã và sẽ rút lui trong lặng lẽ.
Đấu giá: Chờ xây cơ chế
Tại Diễn đàn Năng lượng tái tạo Việt Nam, ông Trần Hồng Kỳ, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) cho hay, việc Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương nghiên cứu không tiếp tục áp dụng cơ chế giá FiT (giá bán điện năng sản xuất ra từ nguồn năng lượng tái tạo được cung cấp vào hoặc bán cho lưới điện) và chuyển sang cơ chế đấu thầu đang tạo nên sự tranh luận sôi nổi về tính khả thi cũng như cách thức triển khai đấu thầu với nhiều ý kiến trái chiều.
“WB cũng đã hỗ trợ Bộ Công thương xây dựng Chương trình đấu thầu dự án điện mặt trời cho Việt Nam trong gần hai năm qua và đã đưa ra một chiến lược cùng khung đấu thầu. Các nghiên cứu đã được tham vấn rộng rãi trong các hội thảo tổ chức trong năm 2018 - 2019.
WB đang tiếp tục hỗ trợ để triển khai vòng 1 đấu thầu điện mặt trời với mục tiêu tổng công suất 500 MW trong năm 2020”, ông Kỳ cho hay.
Dẫu vậy, nhiều nhà đầu tư cũng cho rằng, việc đấu thầu chọn nhà phát triển dự án điện mặt trời tại Việt Nam sẽ không nhanh như kỳ vọng. Theo phân tích của một nhà đầu tư năng lượng tái tạo, cần làm rõ các điều kiện ưu đãi với trường hợp Campuchia đấu thầu thành công với mức giá 3,877 UScents/kWh.
Đó là, nhà đầu tư không phải đầu tư hệ thống truyền tải điện, trạm điện, không phải giải phóng mặt bằng, được vay vốn với mức lãi suất chỉ khoảng 2,5%/năm và được ADB hỗ trợ 3 triệu USD.
Thậm chí, có chuyên gia tài chính cho rằng, nếu tính thêm chi phí phát triển dự án (chi phí khảo sát, quy hoạch, chuẩn bị đầu tư), chi phí giải phóng mặt bằng và chi phí vốn ở mức 10 - 11%/năm, thì mức giá 3,877 UScents/kWh sẽ tăng lên trên 6 UScents/kWh. Mức giá này được cho là không thấp hơn nhiều so với mức giá FiT 7,09 cents/kWh mà Bộ Công thương đang đề xuất.
“Đối với các dự án năng lượng, lãi vay là yếu tố rất nhạy cảm đối với hiệu quả của dự án. Với lãi vay phổ biến ở mức 10 - 11% như hiện nay, hơn 60% doanh thu từ bán điện của các nhà máy sẽ dành cho trả lãi.
Việc giảm lãi vay chỉ có thể khi chủ đầu tư phải thế chấp bằng các tài sản và dòng tiền khác. Hiện nay, một số ngân hàng thương mại Việt Nam chủ trương dừng tài trợ các dự án điện mặt trời do các rủi ro trong lĩnh vực đầu tư điện mặt trời”, nhà đầu tư này nói.
Cũng theo nhà đầu tư này, cần tính đến những khó khăn và chi phí vượt trội mà các nhà đầu tư tại Việt Nam đang phải đối mặt. Chưa kể, việc cắt giảm công suất do hạ tầng truyền tải quá yếu kém cũng mang lại rủi do cho nhà đầu tư.
“Để hấp dẫn, các dự án mặt trời thường tập trung nơi đất đai cằn cỗi, kinh tế chậm phát triển. Vì vậy, đòi hỏi bố trí ngân sách để “làm sạch”, bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng, bảo đảm giải tỏa công suất cho nhà đầu tư và các thủ tục khác cũng cần nhanh chóng, thuận tiện.
Với thực tế lưới điện Việt Nam hiện nay, sẽ không có nhiều dự án có thể đấu thầu thành công, chưa kể đến các khó khăn về pháp lý liên quan đến cơ chế đấu thầu dự án”, nhà đầu tư này nhận định.
Cũng theo nhà đầu tư trên, khó có thể phát điện thành công ở quy mô 1.000 MW trong thời gian 2 - 3 năm tới thông qua cơ chế đấu thầu.
Tới đầu tháng 12/2018, đã có 121 dự án điện mặt trời với tổng công suất là 9.420,11 MWp (tương đương 8.000 MW) được bổ sung vào quy hoạch điện các cấp, dù Quy hoạch Điện mặt trời quốc gia chưa có.
Trong số này, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 2.721 MWp, Bộ Công thương phê duyệt 4.513,11 MWp bổ sung cho giai đoạn trước năm 2020.
Giai đoạn 2020 - 2030, có 2.186 MWp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch.