|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đấu thầu giá điện mặt trời vẫn hấp dẫn nhà đầu tư

15:12 | 27/11/2019
Chia sẻ
Theo nhận định của chuyên gia năng lượng thuộc Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), kinh nghiệm từ Campuchia cho thấy mặc dù giá bán điện sau đấu thầu giảm một nửa so với giá chính phủ đưa ra nhưng vẫn hấp dẫn nhà đầu tư bởi công tác chuẩn bị tốt từ mặt bằng đến cơ chế chính sách.

Hai phương án đấu thầu giá điện mặt trời

Theo thống báo của Thủ tướng về chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời, việc xác định giá bán điện mặt trời trong thời gian tới sẽ được thực hiện theo phương án đấu thầu. 

Theo đó, việc ban hành giá bán điện mặt trời áp dụng từ ngày 1/7/2019 cần tuân thủ một số nguyên tắc như chỉ áp dụng giá bán điện cố định đối với các dự án mua bán điện và đang thi công đưa vào vận hành trong năm sau. 

Các dự án còn lại sẽ áp dụng theo cơ chế đấu thầu, cạnh tranh để giảm giá mua điện. 

Phát biểu tại Hội thảo quốc tế năng lượng tái tạo tại Việt Nam từ chính sách đến thực tiễn ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực, cho biết qua kinh nghiệm thế giới sau giá FIT thì việc đấu thầu là đương nhiên. 

Đây là hình thức đảm bảo tính minh bạch nhất.

ảnh_Viber_2019-11-27_14-24-32

Hội thảo quốc tế năng lượng tái tạo tại Việt Nam từ chính sách đến thực tiễn. Ảnh: ĐQ

Dự kiến đến năm 2021 sau khi giá FIT kết thúc sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi. Từ nay đến 2021, EVN sẽ cho đấu thầu một số dự án thí điểm. 

Trong tình hình mới này để đảm bảo tính minh bạch, Bộ Công Thương và một số tổ chức quốc tế đang triển khai nhanh hơn so với bình thường các thủ tục, qui trình để có thể triển khai đấu thầu được và giải quyết vấn đề như đấu thầu ở đâu, đầu thầu như thế nào ...

Bộ Công Thương đang có hai phương án đấu thầu. 

Một là đấu thầu theo trạm biến áp. Ví dụ ở một khu vực có trạm còn đủ dung lượng để truyền tải công suất lên hệ thống thì có thể đấu thầu xung quanh khu vực đó các dự án chọn được giá thấp nhất, đảm bảo đủ lượng công suất.

Hình thức thứ hai là giải phóng mặt bằng sạch, mời nhà dầu tư vào làm một phần hoặc toàn bộ dự án. Campuchia chỉ làm dự án phần nhà máy gồm tấm pin và điều khiển, còn đường dây và trạm, giải phóng mặt bằng cũng không làm. 

Theo ông Oliver Behrend, Cán bộ đầu tư cao cấp, Bộ phận cơ sở hạ tầng, Ngân hàng Thế giới cho rằng điều quan trọng không nên quá ám ảnh về đấu thầu một cơ chế đấu. 

Cần áp dụng với qui trình tốt để đảm bảo sàng lọc trước những bên tham gia đấu thầu cùng khung hợp đồng phù hợp để huy động được tài chính. 

Bên cạnh đó, các công ty tham gia vào đấu giá cần có qui trình rõ ràng và cơ chế khả thi về vay vốn ngân hàng theo tiêu chuẩn quốc tế. Doanh nghiệp tham gia đấu giá đều phải trao đổi và tính toán chi phí huy động tài chính với ngân hàng quốc tế. 

Tất cả doanh nghiệp tham gia cần quan tâm đến tính bền vững và ổn định, chứ không phải thay đổi trong thời gian ngắn. Có ổn định như vậy thì huy động tài chính không còn là vấn đề lớn nữa. 

Kinh nghiệm đấu thầu điện của Campuchia

Bà Hyunjung Lee, Chuyên gia kinh tế năng lượng cao cấp Ban năng lượng, Vụ Đông Nam Á, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), đơn vị vừa tiến hành đấu giá thành công dự án điện mặt trời ở Campuchia, cho hay ADB đang hợp tác với cơ quan chức năng Campuchia thực hiện đấu thầu cho công viên điện mặt trời. 

Việc đấu thầu nhằm đảm bảo hiệu quả và tính minh bạch công trình, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư quốc tế và khu vực.

Kết quả đấu thầu đạt đạt 3,877 cent kwh giảm một nửa so với mức ban đầu cơ quan chức năng Campuchia đưa ra cho các dự án. Bên cạnh đó, tính cạnh tranh được tăng cường và cũng hấp dẫn được nhà đầu tư mặc dù giá mua điện giảm xuống còn một nửa. 

Bà Hyunjung Lee cho rằng điều này phụ thuộc vào công tác chuẩn bị của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ Campuchia đã chuẩn bị sẵn mặt bằng, cơ sở hạ tầng, cải thiện hợp đồng mua bán điện giúp doanh nghiệp vay được ngân hàng, có thay đổi trong luật pháp cũng như cơ chế bồi thường.

Còn theo phân tích của ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch EuroCharm, giá không hẳn quan trọng. Việt Nam khác với Campuchia ở chỗ qui mô và tốc độ tăng trưởng của Việt Nam nhanh hơn nhiều. 

"Khi vận hành cơ chế đấu thầu cần sàng lọc bớt những đơn vị không chuyên nghiệp hoặc năng lực cạnh tranh kém để đảm bảo khi dự án xây dựng phải đáp ứng được yêu cầu đặt ra", ông Tomaso Andreatta nhận định.

H.Mĩ