|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việt Nam dễ tổn thương nhất ở Đông Nam Á bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

23:21 | 13/08/2018
Chia sẻ
Do nền kinh tế phụ thuộc chặt chẽ vào xuất khẩu, Việt Nam trở thành quốc gia Đông Nam Á dễ tổn thương nhất trong chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
viet nam de ton thuong nhat boi chien tranh thuong mai my trung Mỹ áp thuế chống trợ cấp lên bao và túi đóng hàng nhập khẩu từ Việt Nam

Một nghiên cứu của tạp chí Financial Times cho thấy Việt Nam, Philippines và Indonesia sẽ là những quốc gia chịu nguy cơ thiệt hại lớn từ cuộc chiến tranh thương mại đang leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, trong đó Việt Nam sẽ có nguy cơ cao nhất vì kim ngạch xuất khẩu lớn.

Về tổng thể, 5 nền kinh tế lớn nhất ASEAN chống đỡ cú sốc thị trường hiệu quả hơn so với thời kì năm 2013, thời điểm làn sóng bán ra ồ ạt xuất hiện do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thể hiện những dấu hiệu về việc giảm kích thích tiền tệ. Tuy vậy, 5 quốc gia chưa hề chuẩn bị cho tình trạng nhu cầu thế giới suy giảm trong thời gian dài - hậu quả từ những biện pháp bảo hộ đối đầu mà Mỹ và Trung Quốc nhắm vào đối phương, Asian Nikkei Review khẳng định.

Là quốc gia chú trọng xuất khẩu, Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp nhiều nhất từ suy giảm toàn cầu, còn Philippines và Indonesia dễ lâm vào khủng hoảng cán cân thanh toán.

Tính đến nay, Nhà Trắng đã áp dụng mức thuế 25% trực tiếp lên 34 tỷ USD giá trị hàng Trung Quốc nhập khẩu và họ sẽ tiếp tục áp thuế với lượng hàng hóa trị giá 16 tỷ USD từ ngày 23/8 tới. Chính phủ Trung Quốc cũng đáp trả Mỹ theo cách tương tự. Nếu cuộc chiến dừng ở đây, 5 nền kinh tế lớn nhất của ASEAN sẽ không cần lo lắng.

Nhưng mọi chuyện vẫn chưa kết thúc, bởi chính quyền Mỹ đang xem xét khả năng nâng mức thuế lên 25% đối với 200 tỷ USD giá trị hàng nhập khẩu khác cũng như dọa sẽ đánh thuế toàn bộ hàng Trung Quốc sang Mỹ với tổng giá trị hơn 500 tỷ USD. Ngoài ra, Tổng thống Donald Trump còn tuyên chiến thương mại với Liên minh châu Âu (EU) và các đồng minh khác.

viet nam de ton thuong nhat boi chien tranh thuong mai my trung
Một tàu hàng cập cảng Hải Phòng để bốc dỡ các container. Ảnh: Reuters

Asian Nikkei Review nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh những lời hăm dọa nhường chỗ cho hành động, mối đe dọa từ cuộc chiến thương mại toàn diện đang được cân nhắc một cách nghiêm tức bởi sẽ rất ít quốc gia có thể "bình an vô sự" trước cuộc chiến.

Nền kinh tế đang bùng nổ của Việt Nam - với tốc độ tăng trưởng thường niên hơn 7% trong quý II - phụ thuộc nhiều nhất vào xuất khẩu trong số 5 nền kinh tế lớn nhất ASEAN. Trong 12 tháng từ tháng 3 năm ngoái tới tháng 3 năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu lượng hàng hóa tương đương 99,2% tổng sản phẩm quốc nội.

So với nhiều nước láng giềng, Việt Nam đã phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu để tăng trưởng trong khoảng một thập kỷ qua với lượng hàng xuất ra ngoài lãnh thổ tăng gấp 4 lần giai đoạn từ năm 2008 tới năm 2017. Kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt 226 tỷ USD, chỉ kém 17 tỷ USD so với Thái Lan, nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.

43,7 tỷ USD là kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Việt Nam sang thị trường Mỹ. Với con số đó, Việt Nam dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ trong số 5 nước lớn nhất ASEAN. Thực tế ấy khiến Việt Nam dễ tổn thất nhất nếu nhu cầu từ thị trường Mỹ giảm. Hoạt động bán hàng hóa sang Mỹ, EU và nhiều thị trường phát triển khác đã thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong thập kỷ qua, chứ không chỉ mỗi việc xuất khẩu sang Trung Quốc.

Cùng với mối đe dọa từ xung đột thương mại nghiêm trọng, các thị trường mới nổi đang chịu thêm áp lực từ việc mạnh lên của đồng USD. Mặc dù 5 quốc gia đứng đầu ASEAN không phải chịu tác động quá nặng nề như Thổ Nhĩ Kỳ hay Argentina, việc bán cổ phiếu cũng đã diễn ra.

Peso (tiền tệ Philippines) là đồng tiền mất giá mạnh nhất trong số 5 nội tệ hàng đầu ASEAN do giảm hơn 7,3% so với đồng USD trong năm nay. Vị trí tiếp theo thuộc về đồng Rupiah của Indonesia với mức giảm 6,1%.

Đồng nội tệ yếu hơn sẽ giúp một số nền kinh tế như Việt Nam, Thái Lan thúc đẩy xuất khẩu cũng như hưởng lợi nếu như dòng đầu tư dịch chuyển ra ngoài Trung Quốc do các công ty chạy khỏi đại lục để tránh hiểm họa chiến tranh thương mại. Tương tự, để tránh mức thuế mà Mỹ áp lên hàng hóa được sản xuất trong lãnh thổ Trung Quốc, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng sẽ dịch chuyển sang các nước ASEAN để tránh tổn thất.

Song, đối với một số nền kinh tế có mức phụ thuộc xuất khẩu thấp hơn như Philippines hay Indonesia, sự giảm giá nội tệ đồng nghĩa với tăng thâm hụt tài khoản vãng lai và tăng áp lực lạm phát.

Philippines và Indonesia đang trải qua thâm hụt tài khoản vãng lai kéo dài, khiến đồng nội tệ dễ mất giá hơn hay thậm chí đối mặt khủng hoảng cán cân thanh toán.

Tình hình ở Philippines nguy hiểm hơn. Thâm hụt thương mại và mức tăng trưởng kiều hối giảm đang kéo căng nền kinh tế của họ. Philippines đối mặt tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai từ cuối năm 2016, khiến dự trữ ngoại hối của họ giảm 10,7% so với tháng 9/2016 - thời kỳ mà dự trữ ngoại hối đạt mức cao nhất.

Điều đáng sợ là xu hướng này đang tăng tốc. Gần một nửa dự trữ ngoại hối của Philippines "bốc hơi" trong 6 tháng qua - một tốc độ có thể trở nên không bền vững nếu những điều kiện bên ngoài tiếp tục tệ hơn. Philippines cũng là nước phụ thuộc nhiều nhất vào nhập khẩu năng lượng tính theo USD trong số 5 nền kinh tế lớn nhất ASEAN. Vì thế, đồng nội tệ yếu hơn sẽ khiến họ phải trả nhiều tiền hơn cho nhập khẩu năng lượng.

Lạm phát khiến các thách thức trở nên lớn hơn. Chỉ số giá tiêu dùng của Philippines đã tăng hàng tháng từ đầu năm tới nay do giá dầu tăng và tình trạng thiếu gạo. Chỉ số lạm phát tăng tăng tức 3,3% trong năm ngoái lên 5,7% hồi tháng 6 năm nay.

Ở Indonesia, lạm phát đang ở mức chính phủ có thể kiểm soát, song họ lại đối mặt thâm hụt tài khoản vãng lai lớn nhất trong số 5 nền kinh tế hàng đầu ASEAN từ năm 2012, còn dự trữ ngoại hối giảm 8,1% chỉ trong nửa đầu năm nay. Indonesia có mức phụ thuộc thấp đối với xuất khẩu, song họ xuất khẩu một lượng lớn than đá, dầu cọ và các loại hàng hóa khác. Vì thế, sự suy giảm cầu trên phạm vi thế giới có thể làm tăng mức thâm hụt tài khoản vãng lai của Indonesia.

Xem thêm

Luân Thường