|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thái Lan đắc lợi nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang

15:23 | 30/12/2018
Chia sẻ
Nếu cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, Thái Lan có cơ hội hưởng một số lợi ích ngắn hạn khi các công ty muốn rời Trung Quốc để sang một quốc gia châu Á khác.
thai lan dac loi neu chien tranh thuong mai my trung leo thang Kinh tế toàn cầu sẽ cảm nhận nỗi đau chiến tranh thương mại trong năm 2019

South China Morning Post dẫn lời ông Thitinan Pongsudhirak - Giám đốc Viện An ninh và Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Chulalongkorn, Bangkok - nhận định, chính quyền quân sự Thái Lan vẫn chưa hiểu sâu về cuộc chiến thương mại. Khi họ bắt đầu chú ý đến nó một cách nghiêm túc, họ sẽ thấy Thái Lan có vị thế thuận lợi vì rất gần với Trung Quốc trong khi là một đồng minh theo hiệp ước của Mỹ.

Trong lịch sử, Thái Lan là một trong những đồng minh chính của Mỹ tại châu Á, đặc biệt là sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Mối quan hệ tốt chuyển hóa thành trao đổi kinh tế và ngày nay Mỹ là thị trường lớn thứ hai cho hàng xuất khẩu của Thái Lan.

Vào đầu thế kỷ 21, Bangkok đã định hướng lại chính sách đối ngoại với Trung Quốc, nước trở thành điểm đến chính với hàng xuất khẩu của Thái Lan trong năm 2010.

thai lan dac loi neu chien tranh thuong mai my trung leo thang
Thái Lan có vị thế thuận lợi vì rất gần với Trung Quốc trong khi là một đồng minh theo hiệp ước của Mỹ.

Chính quyền quân sự - nắm quyền lực sau cuộc đảo chính vào tháng 5/2014 - đã củng cố mối quan hệ với Trung Quốc, mặc dù mối quan hệ này không phải lúc nào cũng suôn sẻ.

Nhật Bản và Trung Quốc đều muốn gây ảnh hưởng tại Thái Lan

“Ban đầu Thái Lan sát cánh với Trung Quốc sau cuộc đảo chính năm 2014, nhưng sau đó họ xích lại gần Nhật Bản do Trung Quốc đưa ra các điều khoản cho vay khắc nghiệt để xây dựng đường sắt”, ông Thitinan phát biểu.

Nhật Bản và Trung Quốc đều nỗ lực thuyết phục Thái Lan hợp tác trong một số dự án cơ sở hạ tầng, chủ yếu là các tuyến tàu cao tốc, mà chính phủ Thái Lan đã thúc đẩy gần đây.

Sau nhiều tháng đàm phán, Trung Quốc và Thái Lan đã đạt thỏa thuận vào tháng 8/2017 về việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Thái Lan. Nó sẽ kết nối thủ đô Bangkok và thành phố Nakhon Ratchasima ở phía đông bắc và cuối cùng sẽ đến Nong Khai trên biên giới với Lào. Tuyến đường sắt cao tốc ấy coi là một yếu tố chính của Sáng kiến Vành đai và Con đường - kế hoạch của Bắc kinh nhằm kết nối Trung Quốc với hơn 60 quốc gia ở Châu Á, Châu Phi và Trung Đông thông qua các dự án hạ tầng.

Tuy nhiên, Nhật Bản cũng đang đàm phán với Thái Lan về việc xây dựng một tuyến đường tàu cao tốc khác để kết nối Bangkok và Chiang Mai, thành phố lớn nhất ở phía bắc Thái Lan và là một điểm du lịch nổi tiếng.

Bắc Kinh và Tokyo đã đồng ý hợp tác với nhau trong các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước thứ ba như một phần trong nỗ lực chống lại các chính sách thương mại quyết liệt của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cùng với việc hai bên đã đạt thỏa thuận phát triển thành phố thông minh tiết kiệm năng lượng ở Thái Lan.

Xu Liping, một chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói rằng trong khi các khoản đầu tư của Nhật Bản vào Thái Lan hướng tới một số nhà máy ô tô lớn, những khoản đầu tư của Trung Quốc chủ yếu nhằm vào các công ty vừa hoặc nhỏ do các quy định hạn chế đầu tư và bảo vệ môi trường của Thái Lan .

Thitinan nói rằng việc Tổng thống Donald Trump đắc cử năm 2016 đã giúp cải thiện quan hệ Thái Lan - Hoa Kỳ, vốn xói mòn sau cuộc đảo chính, bởi vì ông Trump ưu tiên lợi ích hơn giá trị.

Dù chiến tranh thương mại không leo thang, Thái Lan vẫn đang hưởng lợi

Sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang dừng - trong ít nhất 90 ngày sau cuộc họp của ông Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình ở Argentina vào hồi đầu tháng 12 - nhưng thuế quan mà Mỹ đã áp lên hàng hóa Trung Quốc vẫn còn hiệu lực và thực tế ấy mang đến những cơ hội mới đối với một số nước như Thái Lan.

Enze Han, một giáo sư chính trị và hành chính công tại Đại học Hong Kong, nhận định cuộc chiến thương mại sẽ mang lại lợi ích cho Đông Nam Á bởi vì nhiều ngành công nghiệp sẽ thay đổi địa điểm sản xuất trong khu vực châu Á.

thai lan dac loi neu chien tranh thuong mai my trung leo thang
Thủ tướng Thái Lan, ông Prayut Chan-ocha hội kiến Chủ tịch Tập Cận Bình ở Bắc Kinh vào năm 2014. Ảnh: foreignpolicy.com.

Trong cuộc cạnh tranh để thu hút các doanh nghiệp, Thái Lan có thể hưởng lợi từ vị trí địa lý - ở giữa Đông Nam Á và dễ dàng tiếp cận biển - và cũng từ các mối quan hệ lịch sử tích cực với Trung Quốc – thứ mà các nước láng giềng, như Malaysia hay Việt Nam, thiếu.

Cộng đồng người Thái gốc Hoa ở Thái Lan có vị thế lớn và không có bất kỳ vấn đề nhạy cảm đặc biệt nào trong quan hệ với Trung Quốc, ông Han nói, đề cập đến tranh chấp Biển Đông giữa một số quốc gia Đông Nam Á với Trung Quốc.

Xem thêm

Ngọc Lệ