|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Châu Âu không thể 'đâm sau lưng' Trung Quốc trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

14:43 | 19/08/2018
Chia sẻ
Một thỏa thuận gần đây giữa Washington và Brussels khiến Trung Quốc lo ngại hơn về việc bị châu Âu "đâm sau lưng" trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Liên minh châu Âu và Mỹ đạt được một thỏa thuận vào cuối tháng trước để đình chỉ những sắc thuế mới và mở rộng danh mục nhập khẩu hàng hóa Mỹ vào châu Âu sau những cuộc gặp và đám phán cấp cao. Thỏa thuận được coi là dấu hiệu đáng lo ngại đối với Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Washington.

South China Morning Post nhận định thỏa thuận tái khẳng định liên minh giữa hai bên, mặc dù Bắc Kinh đã tăng cường hoạt động vận động cả khối, theo các nhà quan sát ngoại giao.

“Đây chính là kết quả mà bạn có thể dự đoán với hành động cân bằng kiểu ấy”, Jan Weidenfeld, một nhà phân tích về quan hệ châu Âu - Trung Quốc thuộc Viện Mercartor về nghiên cứu Trung Quốc ở thành phố Berlin, Đức.

“Tôi nghĩ sự việc cho thấy những cơ hội liên minh chân thành giữa châu Âu và Trung Quốc về thương mại toàn cầu và chính sách đầu tư vẫn mong manh”, ông bình luận.

trung quoc lo chau au dam sau lung trong chien tranh thuong mai my trung
Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, đặt tay lên ngực tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp hồi tháng 5/2017 tại thành phố Brussels. Ảnh: AFP

Hôm 7/6, khi cả Trung Quốc và Mỹ áp đặt loạt thuế đầu tiên đối với sản phẩm của đối phương, Ngoại trưởng Vương Nghị cảnh báo châu Âu không nên “đâm sau lưng Trung Quốc, bởi Bắc Kinh đang ở tuyến đầu của những nỗ lực nhằm bảo vệ hệ thống mậu dịch toàn cầu.

Hiệp định giữa Washington và Brussels hồi cuối tháng 7 - bao gồm những thỏa thuận về giảm thuế quan công nghiệp và tăng mức mua đậu nành và khí đốt tự nhiên hóa lỏng Mỹ của châu Âu - làm giảm sự căng thẳng giữa Mỹ và EU.

EU và Mỹ cùng có quan ngại về những chính sách thương mại và kinh tế của Trung Quốc, chẳng hạn như trợ giá và ưu đãi đối với doanh nghiệp nhà nước, trong khi hạn chế sự tiếp cận của doanh nghiệp nước ngoài đối với thị trường Trung Quốc.

Song giới phân tích nhận định vẫn còn quá sớm để nói hai bên sẽ hợp lực để đối phó Trung Quốc.

“Tôi không nghĩ châu Âu đâm sau lưng Trung Quốc. Hiện tại Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của châu Âu. Mối quan hệ kinh tế và thương mại Trung Quốc - EU rất quan trọng, mặc dù hai bên có những bất đồng”, Bai Ming, một nhà nghiên cứu cấp cao của Bộ Thương mại Trung Quốc, nhận xét. Ông nói thêm rằng những chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump vẫn là mối quan ngại lớn đối với châu Âu.

Bất chấp việc nối lại tình hữu nghị giữa Brussels và Washington, nhiều người ở châu Âu vẫn e dè với việc xích lại gần Mỹ.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker là “hữu ích”, song nhấn mạnh rằng ông không ủng hộ một thỏa thuận thương mại mới có quy mô lớn với Mỹ, bởi các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, sức khỏe và thực phẩm của châu Âu phải được duy trì.

“Tôi không nghĩ châu Âu đã đạt tới sự đồng thuận về thỏa thuận ấy”, ông Bai Minh bình luận.

Giới quan sát cũng dự đoán thỏa thuận có thể bị phá hủy nếu Trump đổi chiến thuật một lần nữa.

Từ khi nhậm chức, tổng thống Mỹ đã rút khỏi hiệp định biến đổi khí hậu Paris và hiệp định hạt nhân Iran, trong khi Trung Quốc và EU vẫn ủng hộ.

Sự can thiệp của Trump vào các công việc của châu Âu cũng gây nên căng thẳng với một số nhân vật hàng đầu của khối.

Hồi tháng trước, ông ca ngợi quan điểm rất kiên định của tân chính phủ dân túy ở Italy về kiểm soát biên giới - một động thái khiến ông Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel không hài lòng.

“Còn quá sớm để nói về hợp tác Mỹ - EU. Trước tiên, Mỹ và EU phải giải quyết những vấn đề của họ”, Derek Scissors, một nhà nghiên cứu Trung Quốc của Viện Doanh nghiệp Mỹ tại Washington, bình luận.

Song các nhà quan sát nhận định EU và Mỹ có thể tăng cường giám sát Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới, và thúc ép họ tăng tốc quá trình mở cửa thị trường cho doanh nghiệp nước ngoài.

Một tuyên bố chung do My và EU công bố sau những cuộc hội đàm giữa Trump và Juncker khẳng định hai bên sẽ giải quyết các chính sách thương mại bất công như lấy cắp tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ do ép buộc tại WTO - được coi là những chỉ trích công khai nhằm vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, EU và Trung Quốc sẽ tiếp tục đàm phán để đạt một thỏa thuận đầu tư.

Một người phát ngôn của phái bộ EU tại Trung Quốc tuyên bố EU hy vọng Bắc Kinh sẽ có tham vọng tương đương trong bối cảnh châu Âu mở thị trường của họ.

“EU sẽ không tự thoát ra mối quan hệ chặt chẽ giữa họ với Mỹ, và xích lại gần hơn với Trung Quốc. Dường như việc đó sẽ không xảy ra và tuyên bố ấy là một lời tái xác nhận mạnh mẽ”, Weidenfeld bình luận.

Weidenfeld nói thêm rằng từ lâu châu Âu đã sử dụng cả “cà rốt” lẫn “gậy” đối với Trung Quốc. Một mặt, họ thúc ép mạnh để Trung Quốc mở thị trường, nhưng cũng ủng hộ những cải cách thị trường của Bắc Kinh.

“Cá nhân tôi nghĩ Trung Quốc sẽ phải đánh giá lại quan hệ của họ với châu Âu một cách tổng thể, cũng như châu Âu phải đánh giá lại mối quan hệ của họ với Trung Quốc”, ông nhấn mạnh.

Xem thêm

Nhạc Dương