Việt Nam đang tự chứng minh sức hấp dẫn bằng việc đẩy mạnh thoái vốn nhà nước
Điều gì khiến 2018 sẽ là năm bước ngoặt trong chuyển đổi kinh tế tập trung sang thị trường? |
Sẽ giảm bớt quy tắc gây khó cho đối tác chiến lược
Suốt hai thập kỷ qua, các nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức tài chính tìm cách gia nhập thị trường Việt Nam khi Nhà nước có kế hoạch thoái vốn tại các doanh nghiệp đang nắm giữ cổ phần. Tất nhiên, việc thoái vốn không phải khi nào cũng diễn ra suôn sẻ nhưng lần này thì khác, nhà đầu tư đã có thể tìm thấy một vài cơ hội tốt.
Tháng 11, Chính phủ Việt Nam công bố kế hoạch bán 54% cổ phần tại Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - Mã: SAB), trị giá khoảng 5 tỷ USD. Kế hoạch rút vốn tại thương hiệu bia lớn nhất Việt Nam được xem là hướng đi táo bạo và thực sự linh hoạt.
Từ năm 2018, Chính phủ sẽ ra quy tắc để đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa trong tương lai, bao gồm việc giới thiệu quy trình đợt chào bán lần đầu ra công chúng (IPO), giảm bớt quy tắc gây khó cho các đối tác chiến lược. Trong bối cảnh nền kinh tế còn chịu gánh nặng nợ công và thâm hụt ngân sách, Việt Nam cần đẩy nhanh tiến trình tư nhân hóa để tích lũy nguồn vốn dành cho sự phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia.
Hiện nay, quá trình thoái vốn và niêm yết doanh nghiệp đang thực sự sôi động. Mới đây, Vincom Retail (Mã: VRE) thu về 741 triệu USD vào tháng trước trong đợt IPO tại Việt Nam, thu hút các nhà đầu tư lớn như quỹ đầu tư Singapore GIC và Franklin Templeton của Mỹ.
Năm 2018, Chính phủ lên kế hoạch thoái vốn tại 181 công ty nhà nước và 64 doanh nghiệp khác. Ước tính đến năm 2020, lượng doanh nghiệp Chính phủ muốn bán cổ phần có thể lên tới con số 533. Danh sách này đã loại ra những doanh nghiệp được Nhà nước lên kế hoạch trong năm 2017 nhưng hiện tại vẫn chưa thực hiện được.
Theo thống kê 8 tháng đầu năm, Việt Nam thoái vốn thành công tại 26 trong tổng số 135 doanh nghiệp. 44 đợt IPO tiếp theo có thể khó triển khai và chỉ có 38 đợt IPO được dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.
Việt Nam đang tự chứng minh sức hấp dẫn
“Thực tế có khá nhiều các công ty quản lý quỹ, nhà đầu tư và những tổ chức khác muốn đầu tư vào sự tăng trưởng của các thị trường mới nổi và các thị trường cận biên như Việt Nam', Jeffrey Perlman, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Warburg Pincus, đơn vị đầu tư vào Vincom Retail cho biết.
"Nếu chính phủ có thể đưa ra một lộ trình bán vốn minh bạch tại các doanh nghiệp tiềm năng, mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài thì họ sẽ rất muốn tham gia", Perlman chia sẻ thêm.
Có một sự thật là, nền kinh tế trên đà phát triển và thị trường chứng khoán sôi động của Việt Nam đang tự chứng minh sức hấp dẫn của nó. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), thị trường chứng khoán của Việt Nam đã tăng trưởng 42% trong năm nay, đạt mức cao kỷ lục 10 năm và trở thành thị trường tăng trưởng tốt nhất Châu Á.
Tháng trước, thương vụ bán đấu giá cổ phần của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM) đã diễn ra khá thành công. Trong khi một năm trước, kế hoạch bán 9% cổ phần đã bị cắt giảm mạnh phút chót khi giới hạn các nhà thầu đơn lẻ chỉ được phép mua tối đa 2,7% cổ phần.
Đến hẹn lại lên, tháng 11 lại chào đón một đợt bán cổ phần thu hút được 19 nhà đầu tư và đơn vị trúng giá là Platinum Victory – Công ty con của tập đoàn Jardinr Cycle & Carriage (JC&C) chính thức nắm trọn 10% cổ phần VNM.