|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Điều gì khiến 2018 sẽ là năm bước ngoặt trong chuyển đổi kinh tế tập trung sang thị trường?

16:45 | 23/11/2017
Chia sẻ
Năm 2018 thị trường chứng khoán sẽ có nhiều thay đổi khi một loạt các doanh nghiệp nhà nước niêm yết. Đây có thể coi là bước ngoặt trong việc chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường.

Ngày 15/11 vừa qua, Diễn đàn Tổng quan Châu Á được tổ chức tại Hà Nội với sự kết hợp giữa Đại sứ quán Nhật Bản, Tập đoàn Nikkei và Bộ Kế hoạch đầu tư. Đa số đều kỳ vọng vào việc mở rộng hợp tác đầu tư nước ngoài sẽ thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển.

dieu gi khien 2018 se la nam buoc ngoat trong chuyen doi kinh te tap trung sang kinh te thi truong
Các nhà lãnh đạo đang thảo luận về sự phát triển kinh tế Việt Nam tại Diễn đàn Tổng quan Châu Á tại Hà Nội. (Photo by Shinya Sawai)

Các nhà lãnh đạo dự báo rằng, năm 2018 thị trường chứng khoán sẽ có nhiều thay đổi khi một loạt các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu tiến hành niêm yết. Đây có thể coi là bước ngoặt trong việc chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn (Mã: SSI) cho biết: "Động lực mới của Việt Nam là nhà nước sẽ không huy động, phân phối hay điều tiết các nguồn lực mà sẽ hướng dẫn doanh nghiệp thông qua các chính sách”

"Cách tiếp cận thay đổi của chính phủ đang khuyến khích các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc mở rộng kinh doanh, thúc đẩy những thay đổi tích cực trong nền kinh tế, đồng thời kiến tạo môi trường tốt đẹp hơn cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước ". Ông Hưng tiết lộ thêm.

Việc IPO các doanh nghiệp hiện nay diễn ra vẫn còn chậm dù chính phủ đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội gia tăng tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp Việt Nam và thúc đẩy khoảng 700 doanh nghiệp nhà nước niêm yết.

Dù vậy, việc cổ phần hóa doanh nghiệp dự kiến được đẩy mạnh trong năm 2018 do Nhà nước sẽ đưa ra các quy định chặt chẽ với những công ty trì hoãn việc tái cơ cấu vốn và cổ phần hóa.

Ông Shosuke Mori, Phó Giám đốc Ngân hàng Quốc tế tại Tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial cho biết, nhóm doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã phát triển chậm hơn so với tư nhân và các công ty có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. "Tôi nghĩ cải cách DNNN sẽ là chìa khoá thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam", Mori chia sẻ.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh cho biết đối tác Nhật Bản ANA Holdings của mình đã "thỏa mãn mọi tiêu chuẩn" đối với một nhà đầu tư. ANA nắm giữ 8,8% cổ phần, và sự hợp tác chiến lược có thể "hỗ trợ mở rộng và phát triển Vietnam Airlines đi xa hơn", ông Minh nói.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, giám đốc nghiên cứu và phát triển sản phẩm của Vinamilk có quan điểm rằng công ty sẽ tự cải tiến trong mọi lĩnh vực để thu hút các nhà đầu tư. Vinamilk là doanh nghiệp đầu tiên trong nước nới rộng tối đa quyền sở hữu nước ngoài, mở đường cho các nhà đầu tư quốc tế nắm giữ trên 58% vốn hiện nay. Cơ cấu cổ đông lớn bao gồm Fraser và Neave ở Singapore.

Vừa qua, sau phiên đấu giá thứ hai Vinamilk vào đầu tháng 11, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã bắt đầu thông báo cho các nhà đầu tư tiềm năng về thủ tục thoái vốn tại 4 doanh nghiệp lớn, bao gồm Tập đoàn FPT (Mã: FPT) và nhựa Tiền Phong (Mã: NTP).

Tại diễn đàn, Ông Nguyễn Quang Dũng - Phó tổng giám đốc của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Mã: PVN) cũng cho biết: “Năm ngoái, PVN đã ký kết hợp tác với Tập đoàn năng lượng số 1 Nhật Bản (JX Nippon Oil & Energy) trong nhiều lĩnh vực, bao gồm quản lý doanh nghiệp và phát triển thị trường”.

Nhật Huyền