Việt Nam đang trở thành điểm đến cho các khoản đầu tư mới
Gần một nửa các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam (47%) dự định tăng vốn đầu tư vào Việt Nam trong 12 tháng tới. (Ảnh: Hoàng Lâm/TTXVN) |
Ngày 8/11, tại thành phố Đà Nẵng, Công ty PricewaterhouseCoopers (PwC) – Đối tác Tri thức của Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2017 - đã công bố báo cáo “Khảo sát Lãnh đạo Doanh nghiệp APEC 2017” (2017 APEC CEO Survey). Để thực hiện báo cáo này, PwC đã lấy ý kiến của hơn 1.412 giám đốc điều hành (CEO) và lãnh đạo ngành ở 21 nền kinh tế thành viên APEC thông qua hình thức trả lời trực tuyến hoặc điền vào phiếu khảo sát trong thời gian từ ngày 9/5 đến ngày 14/7. Kết quả khảo sát của PwC cho thấy mức độ lạc quan về tăng trưởng doanh thu của các lãnh đạo doanh nghiệp trong 21 nền kinh tế thành viên APEC đang ở mức cao nhất trong ba năm. 37% CEO trong khu vực APEC rất lạc quan về tăng trưởng doanh thu trong 12 tháng tới, tăng mạnh so với con số 28% trong năm 2016, bất chấp những biến động về chính sách thương mại và căng thẳng chính trị ở nhiều nền kinh tế trong khu vực APEC. Trong năm tới, 50% doanh nghiệp mà PwC khảo sát sẽ tăng các khoản đầu tư toàn cầu (bao gồm cả các nền kinh tế ngoài khu vực APEC). Tỷ lệ này cao hơn mức 43% năm ngoái vì các doanh nghiệp APEC đang tìm cách nâng cao vị thế và ảnh hưởng của mình trên nền kinh tế toàn cầu. Có tới 71% các doanh nhân có kế hoạch tăng đầu tư sẽ phân bổ các khoản đầu tư này vào các nền kinh tế APEC vào năm 2018, và 63% tổng số các CEO của khu vực APEC mong muốn mở rộng quy mô hoạt động toàn cầu trong ba năm tới. Những nền kinh tế thu hút đầu tư nội địa lớn nhất sẽ là Việt Nam, Nga, Philippines, Indonesia và Malaysia. Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Mỹ và Thái Lan là những điểm đến hàng đầu của các CEO APEC khi đầu tư ra nước ngoài.
Mặt khác, có tới 89% CEO của Malaysia và 86% CEO của Việt Nam mong muốn mở rộng toàn cầu. Ông Bob Moritz, Chủ tịch Toàn cầu của PwC, nhận định: "Sự tự tin của các lãnh đạo doanh nghiệp cho thấy họ không chờ đợi môi trường kinh doanh ổn định hơn mới thúc đẩy kế hoạch đầu tư. Trong ngắn hạn, điều này sẽ thúc đẩy APEC nâng cao ảnh hưởng toàn cầu và đẩy mạnh các thương vụ, khi mà có tới 71% các CEO mong muốn trông cậy nhiều hơn vào các mối quan hệ đối tác kinh doanh/liên doanh trong tương lai." Ông Sridharan Nair, Lãnh đạo Cấp cao Khu vực, PwC Malaysia/Việt Nam, nhận định: "Các lãnh đạo doanh nghiệp ASEAN nổi bật so với các đối tác trong khu vực APEC bởi sự lạc quan trong triển vọng tăng trưởng. Trong bối cảnh giao dịch thương mại ngày càng có nhiều biến động, tỷ lệ các lãnh đạo doanh nghiệp ASEAN dự kiến mở rộng hoạt động kinh doanh toàn cầu trong ba năm tới là cao hơn mức trung bình.” Theo ông Sridharan Nair, khu vực ASEAN có cơ sở vững chắc để mở rộng vị thế hơn nữa nhờ tốc độ tăng trưởng GDP mạnh và ổn định, đạt trung bình 5,2% hàng năm từ năm 2000 đến nay, và dân số trong độ tuổi lao động đông đảo. Mặc dù vậy, gần 1/4 các lãnh đạo doanh nghiệp APEC thừa nhận rằng họ đang đối mặt với một môi trường thương mại bị hạn chế nhiều hơn. Cụ thể là khi sử dụng lao động nước ngoài (23%), hoặc lưu chuyển hàng hóa qua biên giới (19%). Trong thời gian tới, 30% dự đoán các quy định hạn chế về lao động sẽ tăng, và 1/4 dự đoán các rào cản đối với sự lưu chuyển hàng hoá sẽ tăng trong 12 tháng tới. Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam, nhận định: "Mức độ lạc quan của các lãnh đạo doanh nghiệp ở Việt Nam đang ở mức cao. Điều này không có gì ngạc nhiên. Gần một nửa các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam (47%) dự định tăng vốn đầu tư vào Việt Nam trong 12 tháng tới.” Theo bà Quỳnh, quan điểm lạc quan có thể được nhìn thấy trong ba yếu tố: nền kinh tế trong nước đang mở rộng, kỳ vọng tăng trưởng mới từ các hiệp định thương mại, và các hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ hơn (cả tăng trưởng xuất khẩu khu vực và nội khối), cùng với triển vọng tích cực về đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực tiềm năng. Kết quả khảo sát cũng cho thấy đây là năm thứ ba liên tiếp các CEO APEC nhận thấy sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực APEC và các nền kinh tế mới nổi. Các doanh nghiệp này đang cùng nhau trở thành một tập hợp đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ hơn cả các công ty đa quốc gia đến từ những nền kinh tế phát triển. 19% cho rằng đối thủ cạnh tranh lớn nhất của họ trong vòng 3 đến 5 năm tới sẽ là một công ty đa quốc gia đến từ một nền kinh tế mới nổi, hoặc một công ty dẫn đầu khu vực APEC (22%). Có 32% CEO coi các công ty đa quốc gia đến từ những nền kinh tế phát triển là đối thủ lớn nhất của họ, giảm từ tỷ lệ 41% năm 2014. Tự động hóa là chủ đề quan trọng thường xuyên xuất hiện trong chiến lược xây dựng lực lượng lao động cho tương lai. 58% các CEO APEC đang tự động hóa một số chức năng trong doanh nghiệp, 40% đang đầu tư vào công nghệ máy học (machine learning) và các công nghệ mới nổi, và 41% đang tìm kiếm những nhân sự có kỹ năng sử dụng các công cụ tự động hóa mới. Đối với các doanh nghiệp ASEAN, tự động hóa là một ưu tiên quan trọng và là yếu tố chính trong chiến lược phát triển lực lượng lao động kỹ thuật số. Ông Bob Moritz, Chủ tịch Toàn cầu PwC, nhận định: "Các nền kinh tế trong khu vực APEC có thể là nơi thử nghiệm việc tích hợp tự động hóa vào lực lượng lao động của tương lai”.
CEO Summit 2017: “Chúng ta phải chống lại những người chống lại thương mại tự do”
“Chúng ta phải chống lại những người chống lại thương mại tự do, chúng ta phối hợp, tập hợp những bên khác liên quan thay ... |
Thuế xăng dầu Việt Nam thấp hơn Mỹ và Lào
Bộ Tài chính cho rằng tỷ lệ thuế trên giá cơ sở của Việt Nam đang ở mức thấp nên cần tăng khung thuế bảo ... |