|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việt Nam có 600 nghìn doanh nghiệp nhưng chỉ 0,4% số đó vào được chuỗi giá trị toàn cầu

07:20 | 23/05/2018
Chia sẻ
Sau 3 lần tham dự kết nối với khoảng 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, các công ty nước ngoài chỉ tìm được 2 doanh nghiệp trong nước đủ tiêu chuẩn để tham gia vào chuỗi cung ứng của mình.
viet nam co 600 nghin doanh nghiep nhung chi 04 so do vao duoc chuoi gia tri toan cau Tạo điều kiện tối ưu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu
viet nam co 600 nghin doanh nghiep nhung chi 04 so do vao duoc chuoi gia tri toan cau

Bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp.

Đây là chia sẻ của bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và đầu tư) khi nói về thực trạng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) Việt Nam trong việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo số liệu thống kê, ước tính các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam hiện nay chiếm hơn 97% trong tổng số gần 600 nghìn doanh nghiệp, 66% trong số đó là các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ.

Trong khi đó, tỉ lệ doanh nghiệp vừa có xu hướng giảm đi; ngược lại tỉ lệ doanh nghiệp nhỏ lại đang tăng lên cho thấy các doanh nghiệp đang có xu hướng thu hẹp về quy mô hoạt động.

Không những vậy, bà Thủy đánh giá, việc tham gia của các SME vào chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay còn rất hạn chế.

Một trong những nguyên nhân chính được bà Thủy đưa ra là năng lực nội tại của các SME ở Việt Nam còn yếu; các tiêu chuẩn, quy chuẩn và chất lượng đầu ra còn thấp dẫn đến không đủ tiêu chuẩn để trở thành thầu phụ của các công ty nước ngoài như Samsung, Canon hay Sony.

“Trên thực tế, các doanh nghiệp FDI này hoàn toàn có nhu cầu hợp tác với các doanh nghiệp trong nước hoặc dùng các sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất vì có thể giảm thiểu được rất nhiều chi phí, trong đó có chi phí nhập khẩu nguyên liệu sản xuất”, bà Thủy cho biết.

Tuy nhiên, dù đã thâm nhập thị trường Việt Nam hàng chục năm nay song các công ty lớn của nước ngoài vẫn phải sử dụng những sản phẩm phụ trợ với chi phí đắt đỏ từ chính quốc hoặc các quốc gia khác do sản phẩm của nhiều doanh nghiệp Việt chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu.

Trong nhiều năm qua, việc hỗ trợ các SME của Việt Nam trong việc tham gia tích cực và mạnh mẽ hơn đã được Chính phủ hết sức quan tâm với nhiều chính sách. Song bà Thủy đánh giá, những chính sách này vẫn chưa thực sự phát huy được hiệu quả bởi nhiều lý do.

Thứ nhất, việc thực hiện các chính sách thúc đẩy sự kết nối, phối hợp giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước là không hề dễ dàng khi khả năng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn quá hạn chế.

Thứ hai, các chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu là có nhưng chưa đủ tới.

Điều này có nghĩa là các chính sách hiện nay của Việt Nam chủ yếu đang dừng lại ở việc “khuyến khích” các doanh nghiệp bắt tay nhau để tạo ra nguồn lợi cho cả hai phía thay vì chỉ đi song song trên hai con đường. Tuy nhiên hành động cụ thể thì chưa thực hiệu quả; chưa có giải pháp cụ thể để tạo ra lợi ích cho cả doanh nghiệp vừa và nhỏ, vừa tạo sức hút cho các công ty lớn, các công ty nước ngoài.

Do đó, bà Thủy cho rằng, Nhà nước cần có giải pháp thiết thực và cụ thể hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất ra sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp lớn.

“Qua các đề án cụ thể, các doanh nghiệp lớn, các công ty nước ngoài sẽ thấy được cơ hội khi đầu tư; và các doanh nghiệp nhỏ cũng sẽ có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng”, bà Thủy nhìn nhận.

Đối với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, đại diện Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, các nhóm chính sách hỗ trợ chung cơ bản sẽ đi ngay vào cuộc sống từ 1/1/2018.

Tuy nhiên, đối với các đề án lớn mà Chính phủ dồn các nguồn lực lớn như nguồn tiền, nguồn chuyên gia để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ - 3 nhóm được kỳ vọng sẽ tạo ra giá trị gia tăng cao, để thực hiện được cần có các dự án cụ thể và mất nhiều thời gian hơn.

Chẳng hạn, ngành nông nghiệp sẽ xây dựng dự án hỗ trợ hình thành một chuỗi sản xuất về các mặt hàng thủy sản ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, danh sách các doanh nghiệp của vùng sẽ được phân bổ theo hướng doanh nghiệp lớn sẽ là công ty đầu đàn, ... có kế hoạch cụ thể cho các doanh nghiệp lớn, nhỏ cũng như kế hoạch hỗ trợ cụ thể của Nhà nước với những quy định cụ thể dành cho các doanh nghiệp.

Bà Thủy cho biết trong năm 2018 chưa triển khai được đề án nào ngay vì hiện vẫn đang trong quá trình xây dựng, dự kiến từ năm 2019 sẽ có các dự án cụ thể tại các vùng cụ thể với các sản phẩm cụ thể được triển khai.

Để tham gia vào chuỗi, bên cạnh các yêu cầu về mặt công nghệ, bà Thủy cho biết các daonh nghiệp cần đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật chất lượng, đảm bảo nguyên liệu đầu vào.

Lúc này, xét về mặt đầu vào, các doanh nghiệp sẽ có thể được hưởng lợi về thuế, các chương trình cho vay... đồng thời Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ trong công tác nghiên cứu thị trường để tạo điều kiện về đầu ra cho các doanh nghiệp.

Chuyện đôi giày Nike 'made in Vietnam' và sự mờ nhạt của doanh nghiệp Việt trong chuỗi giá trị toàn cầu

Quỳnh Chi