|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việt Nam cần ít nhất 12 tháng để có vắc xin phòng Covid-19

15:36 | 21/02/2020
Chia sẻ
TS Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Vắc - xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Bộ Y tế cho biết, trong điều kiện thuận lợi nhất, Việt Nam cần ít nhất một năm nữa sẽ có vắc - xin phòng Covid-19. Tuy nhiên, đây là quá trình tốn kém và nhiều rủi ro.
Việt Nam cần ít nhất 12 tháng để có vắc xin phòng Covid-19 - Ảnh 1.

Ít nhất một năm nữa, VN sẽ có vắc xin phòng Covid-19. Ảnh minh họa.

Chia sẻ về dự án vắc - xin phòng Covid-19, TS. Đỗ Tuấn Đạt cho biết, loại vắc - xin mà Việt Nam hướng đến là loại vắc - xin sử dụng protein. Công nghệ này tuy khó khăn ở bước đầu để tạo ra protein đáp ứng miễn dịch nhưng các bước sau thì sẽ đi nhanh hơn so với công nghệ tổng hợp gen. 

Việc này giúp rút ngắn thời gian phát triển và sản xuất vắc - xin, dễ nâng quy mô sản xuất và giảm giá thành, đáp ứng tốt nhu cầu về vắc - xin trong trường hợp khẩn cấp khi xuất hiện các tác nhân gây bệnh mới, nguy hiểm như Covid-19. Tuy nhiên, do yêu cầu nghiêm ngặt trong quy trình phát triển vắc - xin nên dù nhanh nhất và thuận lợi nhất thì cũng phải mất 12 tháng mới có kết quả.

TS. Tuấn Đạt cho biết thêm, điều này khác biệt so với công nghệ được áp dụng ở các dự án do Liên minh sáng kiến đối phó với dịch bệnh (CEPI) tài trợ để phát triển vắc - xin phòng Covid-19. Cụ thể, 2 trong số 3 dự án mà CEPI tài trợ sử dụng công nghệ tổng hợp gen, dựa trên giải mã gen Covid-19 của các nhà khoa học Trung Quốc nên có thể đưa ra thử nghiệm trên động vật khá nhanh.

Tuy nhiên, với công nghệ này, giai đoạn thử nghiệm và đánh giá trên người lại mất nhiều thời gian hơn và cũng không biết đến bao giờ mới thương mại hóa được. Trên thế giới đến nay cũng chưa từng có vắc - xin nào thương mại hóa được theo các công nghệ này. Các nhà khoa học cũng cảnh báo về nhược điểm của công nghệ này là không tạo được đáp ứng miễn dịch cao.

Việt Nam cần ít nhất 12 tháng để có vắc xin phòng Covid-19 - Ảnh 2.

TS Đỗ Tuấn Đạt.

 Theo TS. Đạt, để tạo ra được một loại vắc - xin mới cần phải trải qua rất nhiều giai đoạn nhằm đảm bảo tính an toàn cũng như hiệu quả hoạt động của vắc - xin. Đây là quá trình tốn kém và nhiều rủi ro bởi không phải khi nào các dự án nghiên cứu cũng thành công. 

Ngoài ra, việc nghiên cứu chế tạo và sản xuất cũng gặp nhiều rủi ro khác như khi đi vào sản xuất thương mại thì dịch bệnh đã qua hoặc vắc xin bị rút phép, ngừng lưu hành vì tác dụng phụ… Lúc đó, doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại rất lớn.

Tuy vậy, theo ông Đạt, nếu thành công sẽ có một ý nghĩa rất to lớn với Việt Nam trong công tác phòng bệnh. Hiện nay, trong số rất nhiều chủng coronavirus có khả năng lây nhiễm ở người mới chỉ có 3 chủng được đặt tên riêng vì dịch bệnh và hậu quả quy mô lớn mà chúng gây ra. 

Đó là SARS-CoV gây ra dịch năm 2003, MERS-CoV gây ra dịch năm 2012 và lần này là Covid-19. Cả 2 đại dịch lần trước thế giới đều chưa có vắc - xin nào được thương mại hóa. Bởi thế lần này nếu sản xuất thương mại được vắc - xin phòng Covid-19 sẽ là một bước tiến rất lớn.

“Chúng ta không thể dự báo được trong tương lai có thể có thêm chủng coronavirus nào mới xuất hiện và gây đại dịch ở người. Nếu tình huống xấu xảy ra, khi đã có trong tay công nghệ vắc - xin rồi, lúc đó chỉ cần “lắp ráp” phần gen của chủng virus mới vào là rất nhanh sẽ có vắc - xin mới. Nói cách khác, lần này nếu thành công thì sẽ là nền tảng để phát triển các vắc - xin phòng đại dịch sau này chứ không chỉ riêng phòng coronavirus”, ông Đạt chia sẻ.

Nguyễn Hoài