Viễn cảnh u ám của những kì lân khát vốn ở Trung Quốc
Các startup Trung Quốc đang đối mặt với mùa đông ảm đạm, với việc số khoản đầu tư lớn hơn 100 triệu USD thấp hơn so với nửa đầu năm nay, do các đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) và tâm lí tiêu cực của nhà đầu tư, theo SCMP.
Số liệu từ tổ chức Preqin cho thấy, tổng số vốn mà các startup huy động thành công trong năm nay cũng giảm tới 89% (đạt 2,5 tỉ USD) so với năm ngoái (đạt 21,9 tỉ USD). Số vòng gọi vốn có giá trị hàng trăm triệu USD cũng chỉ còn 2, so với 4 vụ vào năm ngoái.
Năm ngoái, lần đầu tiên các kì lân (doanh nghiệp tư nhân có giá trị từ 1 tỉ USD trở lên) của Trung Quốc huy động được nhiều vốn hơn các kì lân ở Mỹ.
Những startup đang trong giai đoạn cuối (thời kì mà công ty đã chứng minh thành công tính khả thi của mô hình kinh doanh và sắp đạt đến điểm hòa vốn, chuẩn bị phát hành cổ phiếu ra công chúng) cảm nhận mức giảm vốn đầu tư rõ rệt nhất.
Một trong những nguyên nhân là các nhà đầu tư doanh nghiệp - như Alibaba và Tencent - tỏ ra thận trọng hơn trong rót vốn, dù họ chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp sắp tới giai đoạn hòa vốn.
Nhân viên giao món ăn của ứng dụng Meituan Dianping ở Trung Quốc. Ảnh: China Daily
"Alibaba, Tencent và các nhà đầu tư chiến lược khác là nguồn vốn chủ yếu của những startup sắp hòa vốn. Song năm nay tốc độ rót vốn của họ giảm do giá trị vốn trên thị trường chứng khoán đã giảm", Jason Tan, giám dốc đầu tư của Quỹ Jeneration Capital, bình luận.
Ron Cao, người sáng lập Quĩ đầu tư mạo hiểm Sky9 Capital ở Thượng Hải, nhận định các tập đoàn như Alibaba hay Tencent không còn huy động được nhiều vốn từ các đợt IPO tiếp theo và đó là lí do khiến họ giảm mức đầu tư vào startup.
"Như chúng ta đã thấy, trong các đợt IPO bổ sung của những tập đoàn công nghệ trong vài năm qua, giới đầu tư định giá thấp hơn đối với cổ phiếu của họ so với mức định giá của các nhà đầu tư mạo hiểm. Do đó, bản thân những tập đoàn công nghệ cũng thận trọng hơn trước những thương vụ đầu tư cho startup", Ron Cao phát biểu.
Softbank Investment Advisers cũng là một trong những quĩ chuyên rót vốn cho các startup sắp hòa vốn ở Trung Quốc.
Giá cổ phiếu tăng chậm hoặc thậm chí giảm mạnh sau IPO là một lí do khác. Các nhà sáng lập startup và các nhà đầu tư chủ chốt vào các doanh nghiệp niêm yết đã chứng kiến những giai đoạn dài mà trong đó giá cổ phiếu giảm liên tục so với giá khởi điểm IPO. Thực tế ấy có nghĩa là vốn của họ có thể âm sau thời kì giảm giá.
Mẫu xe điện NIO Eve của hãng xe điện NIO ở Trung Quốc. Ảnh: TechCrunch.
Chẳng hạn, Meituan Dianping, ứng dụng giao hàng trực tuyến, niêm yết cổ phiếu hồi tháng 9 năm ngoái. Hiện tại, giá cổ phiếu của công ty đang tụt xuống mức thấp hơn giá IPO.
NIO, hãng sản xuất ô tô điện, cũng chịu tình cảnh tương tự. Giá cổ phiếu của họ trên sàn chứng khoán New York cũng đang thấp hơn so với mức 6,26 USD khi họ niêm yết lần đầu hồi tháng 3 năm ngoái. Tuần này, giá cổ phiếu giảm xuống 2,17 USD sau khi công ty công bố khoản lỗ 3,3 tỉ nhân dân tệ trong quí 2.
Tình trạng thiếu những vòng gọi vốn có trị giá hàng trăm triệu USD cũng xảy ra trong thời kì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Đây là giai đoạn mà triển vọng tăng trưởng của các tập đoàn và startup công nghệ trở nên u ám hơn, khiến giới đầu tư phải suy nghĩ kĩ trước khi chốt một thương vụ đầu tư.
Song một số người vẫn tỏ ra lạc quan. Danying Ma, giám đốc của Quỹ Tencent Investment, khẳng định cô không quan tâm tới những yếu tố vĩ mô khi ra quyết định rót vốn. Theo Ma, kinh tế số ở Trung Quốc đã tới chu kì bão hòa và đã qua thập niên vàng.
"Giờ đây, giới đầu tư tìm những cơ hội bên ngoài mảng công nghệ, lĩnh vực từng tạo ra những tập đoàn công nghệ khổng lồ như Tencent, Alibaba", cô nhận xét.