|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vì sao Việt Nam không nên quá sợ lạm phát?

15:32 | 19/07/2022
Chia sẻ
Lạm phát tại Việt Nam sẽ còn tăng mạnh hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn còn công cụ để kiểm soát lạm phát trong năm nay.

Lạm phát có dấu hiệu tăng tốc nhưng dự báo vẫn trong mức kiểm soát

6 tháng đầu năm 2022, khi nền kinh tế đã đi được nửa chặng đường, lạm phát vẫn là một ẩn số khó đoán trong bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo nhiều biến động khó lường.

Sau khi Tổng cục Thống kê công bố báo cáo kinh tế quý II và 6 tháng đầu năm 2022, nhiều tổ chức cùng chung nhận định lạm phát có dấu hiệu bắt đầu tăng tốc dù cho áp lực giá cả của Việt Nam chưa rõ ràng như những quốc gia khác trong khu vực.

Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC mới đây chỉ ra dấu hiệu cho thấy lạm phát đã bắt đầu lan rộng. Lần đầu tiên trong gần hai năm, lạm phát cơ bản đã hồi phục ở mức 2% so với cùng kỳ năm trước, khi nhu cầu trong nước tiếp tục tăng.  

Lạm phát toàn phần tháng 6 tăng 0,7% so với tháng trước, tương đương với 3,4% so với năm ngoái. Tương tự những tháng trước, lạm phát vận chuyển cao vẫn đóng vai trò chủ đạo, tăng 3,6% so với tháng trước. 

Ngoài ra, lạm phát lương thực, tăng 0,8% so với tháng trước. HSBC cho rằng điều này phần lớn phản ánh tác động mạnh mẽ của chi phí năng lượng leo thang đối với lạm phát lương thực, khi giá cả của các mặt hàng tăng trên diện rộng bao gồm thịt, trứng và rau củ.

 

Đồng quan điểm, SSI Research nhấn mạnh lạm phát trong quý II đã bắt đầu có dấu hiệu tăng tốc, khi chỉ số CPI đạt 3,4% so với cùng kỳ vào cuối tháng 6, từ mức 2,86% trong tháng 5 với xu hướng tăng được ghi nhận ở hầu hết các nhóm ngành.

Các chuyên gia tại đây cũng cảnh báo áp lực lạm phát trong 6 tháng cuối năm sẽ ngày càng rõ ràng hơn, thậm chí dự báo lạm phát cuối tháng 12 có thể bật lên mức 5% khiến lạm phát nửa đầu năm 2023 tăng cao.

Dù áp lực lạm phát là khá lớn, giới chuyên gia phần lớn nhận định CPI bình quân năm nay của Việt Nam vẫn nằm trong mức mục tiêu 4% mà Chính phủ đặt ra. IMF dự báo chỉ số này đạt 3,9% cuối năm nay,  HSBC dự báo ở mức trung bình 3,5%.

VinaCapital đưa ra 4 kịch bản, trong đó ba kịch bản CPI năm 2022 sẽ tăng từ 3,2% - 3,8%, một kịch bản nếu giá dầu chạm ngưỡng 150 USD và giá gạo, giá thịt lợn tăng thêm 10% đến cuối năm, CPI có thể lên đến 4,5%.

Việt Nam không nên quá sợ lạm phát

Ngay cả khi dự báo lạm phát vượt mức mục tiêu 4%, các tổ chức vẫn cho rằng mức tăng như vậy vẫn là thấp so với các nước trong khu vực. Các chuyên gia của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) khẳng định nhà điều hành vẫn có trong tay các công cụ, và thể hiện quyết tâm ổn định mặt bằng giá.

"Đối với nhóm lương thực thực phẩm, nhìn chung Việt Nam với thế mạnh nông nghiệp, hoàn toàn có thể chủ động và kiểm soát nguồn cung, đi kèm với các chương trình bán hàng bình ổn giá. Ngoài ra, VIệt Nam có chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm đảm bảo các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát", các chuyên gia tại đây cho biết.

Đồng quan điểm, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo lạm phát sẽ còn tăng mạnh hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn còn công cụ để kiểm soát lạm phát trong năm nay. 

 

Lý giải cho nhận định lạm phát vẫn được kiểm soát tốt ở mức 3,8% cho cả năm 2022, các chuyên gia của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng chính sách tiền tệ hỗ trợ ở mức vừa phải của NHNN giúp cung tiền M2 ổn định và không tạo áp lực lên lạm phát.  

Bên cạnh đó biến động giá hàng hóa, chủ yếu là giá xăng dầu trong nước ổn định hơn nhờ việc Chính phủ luôn ưu tiên bình ổn giá thông qua việc giảm thuế môi trường trên giá bán đầu ra, hoặc xem xét các đề xuất khác liên quan tới việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng trên giá bán đầu ra nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục leo thang. KBSV nhấn mạnh điều này sẽ giúp kìm cương đà tăng của lạm phát trong nước.  

 

Khuyến nghị không nên quá sợ lạm phát từng được các chuyên gia đề cập đến. Gần nhất là tại phiên họp hôm 12/7 của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì, các chuyên gia nêu quan điểm cần hết sức quan tâm đến vấn đề kiểm soát lạm phát, nhưng cũng đừng "quá sợ lạm phát", "không nên thái quá". 

Trước đó, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cũng từng nhấn mạnh "lạm phát trên 4,5% vẫn chấp nhận vui vẻ", bởi nếu lo lắng quá, dẫn đến bóp nghẹt, thắt chặt mọi thứ thì kinh tế không thể phục hồi. 

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Chính phủ, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, không được sợ lạm phát, phải tin vào năng lực quốc gia, phải tiếp tục câu chuyện bơm tiền cho nền kinh tế trên tinh thần phục hồi và phát triển. 

Nhóm lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng cao trong rổ hàng hóa tính CPI của Việt Nam. 

Cách đây không lâu, tại phiên trả lời chất vấn của Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Việt Nam có thế mạnh là tự chủ được lương thực thực phẩm vốn chiếm 40% rổ hàng hóa, nên áp lực lạm phát ít hơn các nước.  

Để mọi người hiểu hơn vì sao giá cả nhiều mặt hàng tăng nhưng CPI thấp, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê giải thích Mỹ và EU có chỉ số CPI cao vì trong rổ hàng hóa, dich vụ của họ xăng dầu chiếm khoảng 8-10% Trong khi đó, ở Việt Nam, mặt hàng này chiếm 3,56%.

Bên cạnh đó, chỉ số CPI thế giới tăng cao do nhiều nước phụ thuộc vào việc nhập khẩu lương thực với giá cả tăng cao, còn Việt Nam chủ động được việc sản xuất lương thực, nên chỉ số CPI của Việt Nam thấp hơn nhiều nước trên thế giới. 

Về giải pháp kìm đà tăng của lạm phát, tại hội thảo mới đây, TS Cấn Văn Lực đánh giá lạm phát Việt Nam có độ trễ hơn so với quốc tế. Ngoài ra lạm phát cơ bản tăng thấp, 1,25%, cơ bản hiện nay do chi phí đẩy chứ không phải do cung tiền. Ông Lực cho hay đã kiến nghị tín dụng năm nay có thể tăng mạnh hơn, có thể là 15%.

Cũng theo ông Lực, các yếu tố tác động vào lam phát nhiều nhất và nhanh nhất năm là giao thông do giá xăng dầu tăng. "Bây giờ chống lạm phát là phải bình ổn giá xăng dầu tốt nhất có thể. Chúng tôi đang kiến nghị ngoài thuế bảo vệ môi trường thì tiếp tục xem xét giảm 30% đối với các thuế phí còn lại", ông nói.

Anh Đào