Kinh tế trưởng VinaCapital đưa ra 4 kịch bản lạm phát của Việt Nam
Ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital vừa đưa ra các kịch bản diễn biến lạm phát tại Việt Nam từ nay đến cuối năm.
Nhà đầu tư đang tập trung về làn sóng lạm phát đang lan rộng trên toàn cầu, tuy nhiên đại diện VinaCapital nhắc lại lạm phát ở Việt Nam vẫn ở mức rất khiêm tốn, chỉ 3,4% so với cùng kỳ vào cuối tháng 6.
Tỷ lệ lạm phát thấp của Việt Nam cũng đã được nhấn mạnh trong một bài báo trên Tạp chí Economist, xuất phát từ khả năng sản xuất dư lương thực của Việt Nam để cho người dân. Vì thế, theo ông Michael Kokalari đánh giá, ảnh hưởng chính đến lạm phát ở Việt Nam là do giá dầu toàn cầu tăng vọt, cho nên việc giá dầu giảm gần đây sẽ giúp các nhà đầu tư có thể yên tâm về quỹ đạo lạm phát có thể xảy ra ở Việt Nam trong thời gian còn lại của năm 2022.
Thêm vào đó, Chính phủ đã cắt giảm giá xăng dầu môi trường vào ngày 1/4 và một lần nữa vào ngày 11/7 đã giảm giá xăng bán lẻ tổng cộng khoảng 10%, mặc dù giá xăng hiện vẫn tăng gần 40% so với cùng kỳ.
"Điều quan trọng là ngay cả sau những đợt cắt giảm thuế này, Chính phủ vẫn có khả năng giảm giá xăng dầu thêm 26%, điều này sẽ làm giảm khoảng -1,5% điểm so với mức CPI của Việt Nam", chuyên gia VinaCapital cho biết.
Đáng chú ý, VinaCapital dự báo một số kịch bản lạm phát theo giá dầu. Ở kịch bản duy trì, quỹ này dự báo mức lạm phát đạt đỉnh sẽ là 5% và trung bình cả năm đạt 3,2% nếu giá dầu duy trì tại mức 120 USD và giá gạo, giá thịt lợn giữ nguyên.
Trong kịch bản cơ sở, nếu giá dầu tăng từ 120 USD lên 130 USD nhưng giá gạo và thịt lợn được giữ nguyên thì lạm phát trung bình cả năm của Việt Nam tăng lên 3,5%.
Ở kịch bản giá dầu tăng từ 120 USD lên 130 USD, giá gạo và thịt lợn tăng 10% so với cùng kỳ, lạm phát cả năm dự báo đạt 3,8%.
Trong trường hợp xấu nhất giá dầu chạm ngưỡng 150 USD, giá gạo và thịt lợn tăng thêm 10% đến cuối năm, lạm phát lương thực (loại trừ gạo và thịt lợn) tăng 8% đến cuối năm, lạm phát sẽ đạt đỉnh ở mức 8%, trung bình cả năm ở mức 4,5%.