Vì sao trạm thu phí BOT Cai Lậy bị phản ứng gay gắt?
Trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) vừa mới đưa vào khai thác đã bị phản ứng dữ dội, gây ách tắc QL1 nhiều lần. Mặc dù phía Bộ GTVT đã tổ chức họp báo, giải thích, nhưng không thuyết phục.
Thiết nghĩ, cần phải nhắc lại những nguyên tắc, nguyên lý cơ bản của dự án BOT, từ đó xem xét dự án BOT thu phí tại trạm Cai Lậy có áp dụng đúng hay không.
Trước hết, hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ được ngân sách đầu tư, xây dựng. Điều 5, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nêu: “Nhà nước tập trung các nguồn lực phát triển giao thông đường bộ, ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ ở vùng kinh tế trọng điểm, các thành phố, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số; có chính sách huy động các nguồn lực để quản lý, bảo trì đường bộ”.
Bên cạnh đó, Luật Giao thông đường bộ cũng nêu: “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đầu tư, kinh doanh khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ”.
Tuy nhiên, việc các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh khai thác đường bộ được quy định chỉ áp dụng đối với dự án xây dựng, nghĩa là thi công công trình giao thông mới. Chữ B trong cụm từ BOT là Build, nghĩa là “xây dựng”.
Điều 46, Luật Giao thông đường bộ 2008 nêu rõ: “Tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài được đầu tư xây dựng, kinh doanh khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật”.
Nguyên lý chung, ngân sách quốc gia và các nguồn khác (quỹ bảo trì đường bộ), đảm bảo giao thông cho người dân.
Các dự án BOT, được khuyến khích, để các nhà đầu tư xây dựng công trình giao thông mới, để người dân có thêm lựa chọn (tốt hơn), và phải trả phí nếu sử dụng công trình.
Bản chất của dự án BOT là một dạng dịch vụ; và người dân sử dụng công trình BOT là giao dịch dân sự, được thực hiện trên nguyên tắc thuận mua, vừa bán.
Đối chiếu với các nguyên lý nói trên, dự án BOT Cai Lậy, chỉ nâng cấp (tráng nhựa) mặt đường QL1 để lấy cớ đặt trạm thu phí trên QL1 (nhằm thu được lợi nhuận tối đa), là không đúng quy định.
Thứ nhất, dự án nâng cấp mặt đường không phải là dự án xây dựng công trình giao thông mới.
Thứ hai, người dân không có quyền lựa chọn.
Thứ ba, người dân chỉ sử dụng một phần công trình (trị giá 400/1.400 tỷ, chưa được 1/3), cũng phải trả phí để thu hồi vốn toàn bộ dự án.
Thứ tư, dự án vi phạm nguyên tắc “thuận mua vừa bán”, bắt buộc mọi người phải sử dụng dịch vụ (dù có thể họ không muốn), và thu phí. Vị trí đặt trạm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, đẩy người dân vào thế bí.
Bộ GTVT lấy lý do đã xin ý kiến UBND, HĐND tỉnh… rồi mới thực hiện dự án, đặt trạm thu phí. Cách đặt vấn đề như vậy không thuyết phục, vì UBND, HĐND không thể đại diện cho quyền lựa chọn của các công dân. Ở đây, không chỉ có công dân thuộc tỉnh Tiền Giang, mà là công dân cả nước, đi qua trạm Cai Lậy.
Hợp đồng BOT giữa nhà đầu tư và Bộ GTVT cũng không thể “phủ quyết” quyền dân sự của người dân.
Bộ GTVT nêu lý do nếu di dời trạm sẽ “phá vỡ phương án tài chính”, dẫn tới doanh nghiệp thua lỗ, kiện cáo… Lập luận này cũng không đúng. Bởi vì, bản thân doanh nghiệp khi đầu tư, cũng như cơ quan quản lý nhà nước phải nghiên cứu, hiểu rõ các quy định của pháp luật.
Nếu cảm thấy không đúng, và thua lỗ, thì nhà đầu tư dừng dự án. Không có bất cứ chế tài nào bắt buộc doanh nghiệp đầu tư.
Không thể nhân danh điều gì, để làm trái các quy định của pháp luật; nguyên lý công bằng của xã hội.
Nhà quản lý nói nhiều về mặt được của dự án BOT là giúp nâng cấp hệ thống giao thông, mà ít nói về mặt trái của nó, là tiêu cực, đội vốn, đặc biệt là tạo gánh nặng, “điểm nghẽn” cho lưu thông, phát triển kinh tế. Nếu không giải quyết vấn đề một cách rốt ráo, dựa trên quy định của pháp luật, thì bất cập của trạm BOT Cai Lậy và nhiều trạm BOT khác, vẫn tồn tại và nảy sinh nhiều hệ lụy. |