Vì sao Tập đoàn Cao su (GVR) báo lãi quý IV giảm hơn nghìn tỷ dù giá cao su tăng cao?
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 với nhiều chỉ tiêu giảm so với cùng kỳ năm 2020.
Trong kỳ, doanh thu thuần của tập đoàn tăng 6,6% lên 9.656 tỷ đồng, nhờ giá cao su neo ở mức cao nên doanh thu của mảng kinh doanh này tăng hơn 1.200 tỷ, tức gần 19%. Ngược lại mảng kinh doanh bất động sản, cơ sở hạ tầng ghi nhận sụt giảm 47% xuống 182 tỷ. Biên lãi gộp chỉ nhích 0,4 điểm % lên 26,6%.
Đáng chú ý, trong quý này, GVR không còn ghi nhận khoản lợi nhuận từ thoái vốn các công ty thành viên và thanh lý vườn cao su như cùng kỳ nên doanh thu tài chính sụt giảm 84% xuống 264 tỷ. Đây cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận sau thuế giảm 44% xuống 1.786 tỷ đồng.
Lũy kế năm 2021, doanh thu thuần của GVR đạt 26.350 tỷ đồng, tăng 24,8% so với năm 2020. Dù đã tiết giảm các chi phí nhưng hụt thu từ thoái vốn nên lãi sau thuế tăng 10% lên 5.602 tỷ đồng và khác với con số 5.179 tỷ đồng doanh nghiệp ước tính trước đó.
So với kế hoạch hợp nhất với tổng doanh thu hơn 26.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế kỳ vọng hơn 4.560 tỷ đồng, GVR đã thực hiện được 98% doanh thu và vượt 23% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tổng tài sản của tập đoàn tính tới cuối năm 2021 ghi nhận hơn 79.023 tỷ đồng, giảm 1.200 tỷ so với đầu năm. Trong đó, khoản mục chi phí xây dựng cơ bản dở dang hơn 17.900 tỷ ngày đầu năm xuống 14.568 tỷ.
Vào cuối quý IV, GVR đang có hơn 15.500 tỷ đồng tiền và tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn, không thay đổi quá nhiều so với ngày 1/1.
Bên cạnh đó, hàng tồn kho tăng hơn 1.500 tỷ lên 3.587 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào thành phẩm tồn kho.
Trong năm , GVR đã tiết giảm việc đi vay khi tổng nợ vay tài chính của GVR đã giảm hơn 25% xuống 8.983 tỷ đồng, đa số là nợ vay dài hạn