|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lợi nhuận sa sút trong quý IV, doanh nghiệp cao su vẫn có một năm thăng hoa

20:34 | 22/01/2022
Chia sẻ
Tính chung cả năm, ngành cao su vẫn có một năm thăng hoa khi hầu hết lợi nhuận của các công ty đều gấp hai đến ba lần năm 2020 nhờ giá bán neo cao đồng thời ngành này ghi nhận hoạt động xuất khẩu khả quan.
Lợi nhuận sa sút trong quý IV, doanh nghiệp cao su vẫn có một năm thăng hoa - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: GVR.

Quý III/2021 là thời điểm nhiều trắc trở đối với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh cao su vì dịch bệnh COVID-19, khiến sản lượng bán hàng suy giảm dù giá bán ở mức cao.

Sang quý IV, khi dịch bệnh được kiểm soát và giá bán mủ tiếp tục neo cao đã giúp nhiều doanh nghiệp trong ngành ghi nhận doanh thu đi lên so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, trong số 10 công ty người viết thống kê, có tới 7 đơn vị báo lãi sụt giảm, riêng Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR) mất hơn một nửa lợi nhuận. Hầu hết nguyên nhân đến từ doanh thu tài chính đi xuống (cổ tức từ công ty con,...) hay không còn khoản thu đền bù đất,...

Tính chung cả năm, ngành cao su vẫn có một năm thăng hoa khi hầu hết lợi nhuận đều gấp hai đến ba lần năm 2020 trong bối cảnh ngành này ghi nhận hoạt động xuất khẩu khả quan.

Theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2021 chứng kiến giá cao su xuất khẩu tăng mạnh trở lại giúp kim ngạch xuất khẩu cao su lần đầu tiên vượt mốc 3 tỷ USD sau 10 năm.

Lợi nhuận sa sút trong quý IV, doanh nghiệp cao su vẫn có một năm thăng hoa - Ảnh 2.

Nguồn: MH tổng hợp từ số liệu của Bộ Công Thương.

Quý IV vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR) ước tính doanh thu tăng gần 37% lên 12.379 tỷ đồng, nhưng lại lợi nhuận sau thuế còn 1.363 tỷ đồng, giảm đến 57% về lợi nhuận. Cần nhấn mạnh là quý IV/2020, GVR báo lãi tăng mạnh một phần nhờ thoái vốn tại các công ty con.

Cả năm, tổng doanh thu hợp nhất của GVR ước đạt 29.091 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước khoảng 5.179 tỷ đồng, tăng gần 38% và tăng 2%.

So với kế hoạch năm đề ra, GVR đã vượt lần lượt 8% chỉ tiêu doanh thu và 13% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế của năm.

Trước đó, ngay trước giờ chốt sổ cuối năm, GVR đã điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh năm 2021 của công ty mẹ còn chỉ tiêu hợp nhất không đổi.

Ban lãnh đạo công ty nhấn mạnh, kế hoạch lợi nhuận thấp hơn do năm 2021 tiếp tục là một năm khó khăn, nhất là với hoạt động khai thác mủ cao su - lĩnh vực kinh doanh chiếm tỷ trọng doanh thu cao nhất do giá bán cao su đã có tín hiệu khởi sắc nhưng vẫn ở mức chưa được kỳ vọng. Khối sản phẩm gỗ và công nghiệp cao su tiếp tục chịu áp lực cạnh tranh gay gắt.

Khối khu công nghiệp chưa có tín hiệu rõ ràng về cơ chế thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Cuộc chiến thương mại giữa các nước lớn vẫn tiếp tục kéo dài, biến đổi khí hậu theo chiều hướng tiêu cực, dịch COVID-19 vẫn kéo dài và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động không tốt đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn,...

Tổng sản lượng khai thác cao su của tập đoàn đạt 402.900 tấn, hoàn thành kế hoạch sản lượng trước 16 ngày.

Lợi nhuận sa sút trong quý IV, doanh nghiệp cao su vẫn có một năm thăng hoa - Ảnh 3.

Tương tự, Cao su Phước Hòa (Mã: PHR) cũng không là trường hợp ngoại lệ khi giá bán cao su khởi sắc đã giúp doanh thu quý tăng trưởng. Ngoài ra, khoản thu từ cổ tức cũng đóng góp vào lợi nhuận doanh nghiệp.

Tuy nhiên cả quý, lãi sau thuế công ty mẹ của PHR chỉ còn 209 tỷ, giảm một nửa so với cùng kỳ, Nguyên do là tiền thu từ thanh lý cao su sụt giảm và không có ghi nhận tiền đền bù hỗ trợ thiệt hại khi bàn giao đất cho dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên.

Dẫu vậy, con số lợi nhuận quý IV này cũng đã ở mức cao nhất so với ba quý trước đó đồng thời vượt kế hoạch quý đề ra.

Lũy kế cả năm, doanh thu thuần của PHR đạt hơn 1.463 tỷ đồng, tăng gần 38%. Lợi nhuận sau thuế giảm 65% còn 331 tỷ đồng và thực hiện chưa tới một nửa kế hoạch năm.

Ngoài PHR, cả Cao su Tân Biên (Mã: RTB), Cao su Bà Rịa (Mã: BRR), Cao su Tây Ninh (Mã: TRC) Cao su Đắk Lắk (Mã: DRG) đồng loạt báo lợi nhuận đi xuống dù phần lớn doanh thu tăng so với cùng kỳ.

Chiều hướng ngược lại, Cao su Đồng Phú (Mã: DPR) quý vừa rồi lại lãi đột biến 310 tỷ đồng, gấp 4,4 lần cùng kỳ nhờ thanh lý vườn cao su, trong khi cùng kỳ lỗ 2 tỷ đồng. 

Trong quý, DPR thông báo thanh lý 194 ha vườn cây cao su với giá khởi điểm 49,16 tỷ đồng, vườn cây được trồng từ năm 1989 đến 1996. Còn doanh thu quý của doanh nghiệp giảm 3,5% xuống 488 tỷ.

Tính chung năm 2021, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu tăng 7% lên 1.215 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 491 tỷ, gấp 2,3 lần năm 2020. Nhờ vậy DPR vượt hơn 41% kế hoạch lợi nhuận năm.

Trong khi đó, Cao su Hòa Bình (Mã: HRC) cho biết quý IV, sản lượng cao su khai thác tăng đã giúp giảm chi phí và giá bán tăng đẩy lợi nhuận lên cao, tăng tới 251%. Cả năm, lợi nhuận của công ty này gấp 2,4 lần năm 2020.

Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) dự báo, trong giai đoạn 2022 - 2024, cao su thế giới có thể sẽ bước vào chu kỳ tăng giá khá mạnh do nguồn cung đang giảm dần, vì thế xuất khẩu cao su của Việt Nam có thể tiếp tục được hưởng lợi về giá. Ước đoán tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cao su năm 2022 của Việt Nam có thể vượt mốc 3,5 tỷ USD.

Về xu hướng giá của cao su trong năm 2022, nhiều dự báo cho biết quý I sẽ đi ngang với mức giá 2,4 USD/kg và bật tăng lên mức 3,8 USD/kg vào nửa cuối năm 2022 do nhu cầu tăng cao. Trong khi đó, sản lượng cao su toàn cầu giảm do diện tích giảm và yếu tố biến đổi khí hậu.

Minh Hằng