Vì sao nên 'gỡ quy hoạch' các 'khu đất vàng'
Chưa khai thác được các khu đắc địa
Thanh tra Chính phủ vừa kiến nghị thu hồi toàn bộ "khu đất vàng" số 8 - 12 Lê Duẩn (3.400m2, mặt tiền Lê Duẩn - Hai Bà Trưng - Nguyễn Văn Chiêm, quận 1, TP.HCM), do Công ty CP Đầu tư Lavenue làm chủ đầu tư. Khu đất thuộc sở hữu nhà nước này ban đầu do các đơn vị thuộc Bộ Công Thương thuê làm trụ sở, sau nhiều lần thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đến nay công ty phát triển khu đất gồm 3 thành viên, đó là Công ty TNHH Đầu tư KIDO (50%), Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh Nhà TP.HCM (20%) và Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm (30%).
Theo Thanh tra Chính phủ, với giá thị trường hiện nay, nếu đấu giá khu đất 8 - 12 Lê Duẩn sẽ thu về trên 2.000 tỷ đồng (khoảng 400 triệu đồng/m2), thay vì duyệt giá trị quyền sử dụng đất và giá trị công trình trên khu đất là hơn 621 tỷ đồng (với đơn giá thuê đất là hơn 2,5 triệu đồng/m2) như đề xuất của Sở Tài chính TP.HCM.
Trước đó, vào năm 2015, cũng ngay trục đường Lê Duẩn, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM đã tổ chức đấu giá thành công khu đất 3.000m2 (mặt tiền Lê Duẩn - Nguyễn Du), thu về cho ngân sách hơn 1.430 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, để phản ánh đúng giá trị quyền sử dụng đất khu đất 8 - 12 Lê Duẩn, cần phải áp dụng đơn giá cho thuê thương mại, dịch vụ và khách sạn cao cấp, cao hơn đơn giá Sở Tài chính đề xuất và trình UBND TP.HCM phê duyệt.
Do vậy, Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi toàn bộ khu đất số 8 - 12 đường Lê Duẩn (vốn không triển khai nhiều năm nay và đang dùng làm bãi đậu xe) để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định, nhằm giữ kỷ cương pháp luật và tăng thu cho ngân sách. Song song đó là xem xét, tính toán để hoàn trả chi phí hợp lý (bồi thường thiệt hại) cho Công ty CP Đầu tư Lavenue.
Cần mạnh tay xử lý
Không chỉ những "khu đất vàng" tọa lạc tại trung tâm TP.HCM mà một số dự án có quy mô lớn như khu đô thị đại học quốc tế ở Hóc Môn, khu công viên Mũi Đèn Đỏ và khu nhà ở với tên gọi Saigon Peninsula (quận 7) quy mô 118ha cũng trong tình trạng "im hơi lặng tiếng" nhiều năm qua.
Đáng chú ý có trường hợp "dự án vàng" khu đô thị sinh thái Thanh Đa - Bình Quới (quận Bình Thạnh), được phê duyệt quy hoạch từ năm 1992, với quy mô hơn 400ha, tích hợp đầy đủ chức năng về nhà ở, thương mại, vui chơi giải trí... theo tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại, dành cho dân số khoảng 40.000 - 50.000 người.
Còn nhớ, tại kỳ họp thứ 17, HĐND TP.HCM Khóa 7 (tháng 12/2009), vấn đề giải quyết tình trạng "quy hoạch treo" của khu đô thị sinh thái Thanh Đa - Bình Quới đã được các đại biểu liên tục chất vấn nhưng đến nay, dự án vẫn chưa "trở mình", người dân không thể xây nhà kiên cố, bộ mặt đô thị ít nhiều bị ảnh hưởng.
Được biết, đến cuối năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai) được UBND TP.HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án khu đô thị Thanh Đa - Bình Quới, với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng, nhưng sau đó, nhà đầu tư ngoại cũng nói lời chia tay.
Theo rà soát của Sở Xây dựng TP.HCM (tiến hành trên các dự án đã được cấp phép từ 2004 - 2014), chỉ tính riêng khu vực trung tâm Thành phố (quận 1, 3), đã có 44 dự án được cấp phép xây dựng nhưng chậm triển khai (30 dự án chưa triển khai xây dựng nhưng giấy phép xây dựng đã hết hiệu lực khởi công và 14 dự án đã triển khai nhưng ngưng xây dựng, còn dở dang).
Đáng chú ý trong số này có 20 "khu đất vàng" từng được Thành phố chọn để đưa ra đấu thầu. Từ năm 2016, UBND TP.HCM đã tiến hành rà soát kỹ tình hình triển khai các dự án tọa lạc ở những tuyến đường đẹp ở trung tâm thành phố, trường hợp doanh nghiệp không đủ năng lực triển khai sẽ thu hồi.
Liên quan đến việc khai thác hiệu quả kinh tế của các "khu đất vàng" trên địa bàn TP.HCM, một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản bày tỏ quan điểm, đã đến lúc phải rà soát lại năng lực triển khai của các chủ đầu tư dự án. Nếu không có kế hoạch triển khai cụ thể thì thu hồi quyết định giao đất, cho thuê đất, sau đó tổ chức đấu giá công khai, minh bạch để nhà đầu tư có năng lực tham gia. Với những dự án quy mô lớn, nếu không mang tính khả thi thì nên xem xét "gỡ quy hoạch" để người dân ổn định cuộc sống, tránh tình trạng "quy hoạch treo" triền miên.
Xem thêm |