Đất công ở Sài Gòn: Nhà kho thành quán bia, đất vàng thành nơi đổ rác
Từ lùm xùm câu chuyện Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy TP.HCM) bán khu đất 32 ha ở Phước Kiển cho Quốc Cường Gia Lai với giá 1,29 triệu đồng/m2, câu chuyện đất công trên địa bàn thành phố đang bị khai thác hoặc chuyển nhượng với mức giá rẻ gây thất thoát ngân sách Nhà nước trở nên “nóng” hơn bao giờ hết.
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM vừa rà soát lại tình hình sử dụng đất công trên địa bàn, phát hiện hàng loạt khu đất đang bỏ hoang, lãng phí nhiều năm nhưng chính quyền vẫn chưa có hướng xử lý.
Đất làm nhà kho được biến thành quán bia
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, nhiều quỹ đất công trên địa bàn thành phố cho các doanh nghiệp thuê bị sử dụng lãng phí hoặc được các đơn vị này cho thuê lại để kiếm lời. Nhiều khu đất khác bị bỏ hoang, sử dụng không đúng mục đích...
Khu đất hơn 32 ha tại Phước Kiển (Nhà Bè) được Công ty Tân Thuận bán cho Quốc Cường Gia Lai với giá rẻ bất thường khiến Thành ủy TP.HCM phải chỉ đạo ngưng giao dịch, hủy hợp đồng mua bán. Ảnh: Lê Quân.
Trong đợt giám sát công tác quản lý, sử dụng và xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước mới đây, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM đã chỉ rõ bất cập trong việc cho thuê đất công lãng phí tại khu đất số 97 Quang Trung, phường 8 (quận Gò Vấp).
Khu đất này rộng hơn 18.000 m2 được Công ty Dược liệu Trung ương 2 thuê để đầu tư xây dựng trung tâm giới thiệu sản phẩm, cửa hàng, văn phòng làm việc và nhà kho, với giá thuê là 7.700 đồng/m2, thời hạn 50 năm. Tổng giá thuê đất khoảng 142 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, công ty này lại hợp tác với hai đơn vị bên ngoài để mở nhà hàng ăn uống, thu lợi hàng tỷ đồng/năm.
Trong tổng diện tích hơn 18.400 m2 mà doanh nghiệp quản lý, công ty trực tiếp sử dụng 12.490 m2 làm nhà kho, văn phòng, nhà xe, sân. Phần diện tích còn lại gần 6.000 m2 công ty đã ký hai thỏa thuận hợp tác kinh doanh để xây dựng nhà hàng ẩm thực và bia tươi.
Điều đáng nói, để "hợp thức hóa" việc cho thuê, Công ty Dược liệu Trung ương 2 đã có văn bản gửi UBND quận Gò Vấp, xin sửa chữa, cải tạo nhà kho, văn phòng làm việc cũ làm căng tin, nhà nghỉ, nhà vệ sinh, nhà xe phục vụ công nhân và được quận chấp thuận. Thế nhưng, sau khi tiến hành cải tạo xong, các phần kho của công ty trở thành nhà hàng ẩm thực, bia hơi.
Đất vàng cho thuê với khung giá của 24 năm trước
Chuyến rà soát này của HĐND cũng cho thấy nhiều khu đất công được cho thuê với giá bèo.
Đơn cử như, tại quận 6, khu đất công tại địa chỉ 353 An Dương Vương, phường 10, quận 6 có diện tích 4.266 m2 được cho một tư nhân thuê từ năm 2003 để làm nhà xưởng. Giá thuê đất hiện được tính theo bảng giá thuê do UBND TP.HCM ban hành từ năm… 1994.
Nhiều khu đất công có vị trí đẹp ở TP.HCM đang sử dụng làm bãi giữ xe. Ảnh: Lê Quân.
Hay căn nhà số 8 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, với diện tích khuôn viên 771 m2 và diện tích sử dụng gần 10.000 m2, do Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM quản lý, đang cho thuê khu đất với giá 135.000 USD/tháng (trung bình hơn 13,5 USD/m2/tháng) với thời hạn thuê 20 năm (đến 2027). Trong khi đơn vị thuê đất này đang cho thuê lại, với giá khoảng 28 USD/m2/tháng.
Tại phiên làm việc ở quận 6, ông Cao Thanh Bình, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM, cho biết từ năm 2017 đã có rất nhiều nhà, đất công tại quận 6 được thành phố phê duyệt phương án cho bán đấu giá. Tuy nhiên, hơn một năm nay chưa có mặt bằng nào được thu hồi để bán đấu giá. Quận này còn một loạt địa chỉ như 12 Cao Văn Lầu, 751/14 Hồng Bàng, 751 Lò Gốm, 361 Đặng Nguyên Cẩn, 215 Hậu Giang…
Việc cho thuê mặt bằng đất công còn bị gặp tình trạng quỵt nợ vì người thuê đất trả mặt bằng, bỏ trốn nhưng địa phương này cũng như cơ quan quản lý không có giải pháp giải quyết.
Cụ thể, 4 mặt bằng trên đường Hậu Giang, Ngô Nhân Tịnh, Chu Văn An, Mai Xuân Thưởng, đơn vị ký hợp đồng là Công ty Công ích quận 6 không thể đòi nợ vì đơn vị thuê đã bỏ trốn.
Nhưng khi truy trách nhiệm, đại diện Công ty Công ích quận 6 cho biết đã hoàn thành xong việc cổ phần hóa, không còn được giao quản lý, giữ hộ và cho thuê kinh doanh nhà, đất công nữa. Số tiền nợ thuê đất của 4 mặt bằng nêu trên, đơn vị này cho hay vẫn treo.
Một con đường có 4 khu đất hàng nghìn m2 bỏ hoang
Không chỉ cho thuê giá rẻ, khai thác sai mục đích, TP.HCM còn nhiều khu nhà, đất công bị bỏ hoang, tạo nên sự nhếch nhác và lãng phí.
Khu đất chơn 14.000 m2 tại địa chỉ 538 Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) bỏ hoang nhiều năm phủ đầy cỏ dại, rác nhưng chính quyền vẫn chưa có phương án xử lý. Ảnh: Lê Quân.
Đường Kinh Dương Vương là nơi tập trung nhiều khu đất rộng hàng nghìn m2 nhưng lại bỏ trống nhiều năm nay.
Điển hình như khu đất tại 620 Kinh Dương Vương quận Bình Tân, có diện tích hơn 9.000 m2 nhưng hiện cả đất với các công trình nhà, văn phòng làm việc đang bỏ hoang.
Bên cạnh đó, tại địa chỉ 574 Kinh Dương Vương, khu đất rộng đến 24.000 m2 cũng bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.
Cũng trên đường này nhưng thuộc quận 6 là khu đất hơn 2.500 m2 tại địa chỉ 516 với nhà cửa xuống cấp, hiện chỉ có nhân viên trông coi đất. Cạnh đó, khu đất có diện tích hơn 14.000 m2 tại 538 cũng là một bãi đất trống với nhà cửa phủ cỏ dại.
Khu đất công rộng gần 2.700m2, tọa lạc tại 574 Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân do công ty Cổ phần Chế tạo Máy SINCO (thuộc tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn) đăng ký sử dụng hiện vẫn bỏ hoang, cỏ mọc um tùm hơn chục năm qua.
Trung tâm quận 1 cũng không thiếu những khu đất công bỏ hoang, tạo nên cảnh nhếch nhác. Khu đất vàng tọa lạc tại số 104 Nguyễn Du (phường Bến Nghé, quận 1) là một ví dụ. Nằm ngay góc Nguyễn Du - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nhưng khu đất có diện tích đến 560 m2 này đã bỏ hoang trong một thời gian dài.
Theo tìm hiểu, nhà và đất này UBND TP.HCM giao cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn (SGC) quản lý. Từ năm 2012, đơn vị quản lý cho Công ty Cổ phần Nhà Hòa Bình thuê để làm sàn giao dịch kinh doanh bất động sản. Đến giữa năm 2017, khu đất được SGC lấy lại và bỏ hoang đến nay.
Theo thống kê chưa đầy đủ, TP.HCM đang có gần 13.000 địa chỉ nhà, đất công, trong đó đang có nhiều địa chỉ đang khai thác chưa hiệu quả hoặc bỏ hoang hóa.
Hai khu đất công bán rẻ bất thường làm nóng dư luận
Vấn đề nóng nhất hiện nay là quỹ đất công đã bị chuyển nhượng với giá rẻ cho doanh nghiệp. Với những khu đất đang cho thuê, thành phố lại áp dụng mức giá của hơn 20 năm trước.
Khu đất "kim cương" 8-12 Lê Duẩn đang bị Thanh tra Chính phủ đề nghị thu hồi vì được cho là bán và cho thuê với giá quá rẻ so với thị trường. Ảnh: Lê Quân.
Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận gửi Thủ tướng về việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại, dịch vụ, căn hộ cho thuê tại số 8-12 Lê Duẩn, quận 1. Cơ quan thanh tra kiến nghị thu hồi khu đất vàng này và thực hiện bán đấu giá theo quy định.
Khu đất số 8-12 Lê Duẩn có diện tích 4.896 m2, thuộc sở hữu Nhà nước. Ban đầu, đất do 4 đơn vị thuộc Bộ Công Thương thuê sử dụng làm trụ sở, là Công ty Cổ phần Thiết bị phụ tùng Sài Gòn, Công ty Cổ phần Kim khí thành phố, Công ty Cổ phần hóa chất vật liệu điện thành phố và Công ty Cổ phần Vận tải xăng dầu (VITACO). Sau này cả 4 công ty này thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue và chuyển nhượng phần vốn góp cho Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô (nay là Công ty TNHH Đầu tư Kido).
Đến tháng 6/2011, UBND TP.HCM có quyết định chấp thuận cho Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue sử dụng 4.896 m2 đất tại số 8-12 Lê Duẩn để đầu tư khách sạn cao cấp, thương mại - dịch vụ, căn hộ cho thuê với thời hạn sử dụng đất là 50 năm. Giá chuyển nhượng thời điểm đó khoảng 700 tỷ đồng. Theo Thanh tra Chính phủ thì giá này thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường. Vì vậy cần xem xét trách nhiệm các cá nhân và đơn vị liên quan, đồng thời thu hồi dự án để đấu giá lại.
Tương tự là vụ việc gây lùm xùm vừa qua liên quan đến chuyển nhượng 32 ha đất Phước Kiển của công ty TNHH Một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy TP.HCM) cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCG).
Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã yêu cầu Công ty Tân Thuận hủy hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ hơn 32 ha đất tại dự án Khu dân cư Phước Kiển (huyện Nhà Bè) cho QCG, vì lý do giá chuyển nhượng được cho là rẻ bất thường và thiếu minh bạch trong giao dịch.
Kết luận của Thành ủy vừa công bố cũng cho biết hợp đồng mua bán này đã chấm dứt. Phía QCG đã đồng ý hủy giao dịch. Tuy nhiên, trách nhiệm trực tiếp liên quan đến giao dịch mua bán này vẫn chưa được làm rõ.
Khu đất gần 5.000 m2 số 8-12 Lê Duẩn đang làm nóng dư luận vì được giao/cho thuê với giá được cho là rẻ bất thường so với thị trường, không qua đấu giá theo quy định. Đồ họa: Nhân Lê.