Vì sao lợi suất trái phiếu tăng vọt sau phát biểu của chủ tịch Fed về lạm phát?
Theo CNBC, thị trường trái phiếu hôm 4/3 đồng loạt bán tháo sau khi Chủ tịch Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell bày tỏ rằng ông không quá lo lắng về lạm phát và cho biết sẽ không có nhiều sự thay đổi về chính sách trong thời gian tới.
Trong một cuộc trao đổi với The Wall Street Journal, vị chủ tịch Fed thừa nhận rằng khi nền kinh tế hồi phục sau đại dịch COVID-19 có thể sẽ phải đối mặt với áp lực lạm phát.
Tuy nhiên, ông Powell cho rằng chủ yếu điều này đến từ "hiệu ứng cơ sở" (base effect). Nói cách khác, lạm phát trong vài tháng tới sẽ có vẻ cao nếu so sánh với năm ngoái, thời điểm bùng dịch và áp lực lạm phát giảm xuống rất thấp.
Bên cạnh mục tiêu tạo công ăn việc làm tối đa, ông Powell cũng muốn kiểm soát lạm phát ở mức trên 2% một cách bền vững. Dù vậy, để đạt được điều này, ông cho rằng sẽ phải mất nhiều thời gian.
Sau phát biểu của chủ tịch Fed, thị trường trái phiếu đã đồng loạt bán tháo, khiến lợi tức trái phiếu tăng mạnh, kéo theo đó là đà giảm của chỉ số Dow Jones.
Theo nhận định của giới phân tích, lạm phát tăng có ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường trái phiếu.
Thứ nhất, lạm phát tăng khiến lợi suất trái phiếu tăng lên, qua đó làm giá trái phiếu giảm xuống.
Hơn nữa, nếu lạm phát tăng, điều đó có nghĩa là các khoản lãi tương lai mà nhà đầu tư nhận được sẽ có giá trị thấp hơn.
Ông Powell thừa nhận rằng đà tăng của lợi suất trái phiếu thời gian gần đây là "đáng kể và khiến ông chú ý". Song ông không coi đây là điều đáng báo động, có thể gây "tình trạng xáo trộn" trên thị trường, mặc dù lợi suất trái phiếu đang ở mức cao nhất kể từ trước khi đại dịch bắt đầu.
Ngay cả khi lạm phát tăng, ông Powell và các quan chức Fed khác chi rằng họ hài lòng để nó vượt quá mức mục tiêu 2% cho đến khi thị trường việc làm cho thấy sự phục hồi toàn diện.
Trong khi đó, Phố Wall đang tìm kiếm những dấu hiệu về sự điều chỉnh chính sách từ Fed. Thay vì kỳ vọng vào việc tăng lãi suất, một số nhà kinh tế và nhà đầu tư hy vọng ngân hàng trung ương thay đổi cơ cấu mua tài sản hàng tháng.
Một trong số các kỳ vọng đó là Fed sẽ bán bớt các trái phiếu kỳ hạn ngắn và chuyển sang mua trái phiếu kỳ hạn dài nhằm làm phẳng đường cong lãi suất.
Mặt khác, các nhà đầu tư lo ngại Fed một lần nữa có thể phải bắt kịp bằng cách tăng lãi suất khi lạm phát xảy ra.
Các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán cũng không thích lãi suất tăng vì điều này sẽ khiến chi phí vay vốn tăng lên và đưa các công ty đang vay nợ nhiều vào thế nguy hiểm.
"Trong bối cảnh tình hình tài chính hiện tại, việc Fed muốn thắt chặt chính sách hay không sẽ có tác động lớn. Đối mặt với kỳ vọng lạm phát tăng của thị trường, nếu Fed càng nới lỏng chính sách, tình hình tài chính có thể càng trở nên khó khăn hơn", ông Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư tại Bleakley Advisory Group nhận định.
Ông Boockvar cho rằng các quan chức Fed "đã tự đặt mình vào thế khó" và phải hy vọng rằng lạm phát không đạt mức 2% trước khi tình hình việc làm đạt được như mục tiêu của cơ quan này.