Vì sao gạo Việt bị 'đo ván' cả sân nhà lẫn sân khách?
Xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2016 giảm kỷ lục trong gần 10 năm qua. Nhiều công ty xuất khẩu gạo thừa nhận thị trường lớn nhất của gạo Việt là Trung Quốc đã sụt giảm hơn 35%.
Thêm vào đó các thị trường khác cũng bế tắc khiến sản lượng xuất khẩu của nhiều công ty giảm đến 40%-45% so với năm trước, tồn đọng nhiều.
Cả năm không bán được hạt gạo nào
Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát, ông Lâm Anh Tuấn, than thở: “Từ đầu năm đến nay chúng tôi không bán được một hạt gạo nào trực tiếp sang các thị trường”.
Nguyên nhân dẫn đến bức tranh buồn trên, theo ông Tuấn, là do nguồn cung gạo thế giới đã vượt cầu, đặc biệt là các đối thủ xuất khẩu đều có những ưu thế vượt mặt gạo Việt. Ví dụ Myanmar, Pakistan bán gạo giá rẻ; Thái Lan và Campuchia có gạo thơm chất lượng cao.
Ngoài ra, giá gạo trong nước ở mức cao, giá xuất khẩu lại thấp khiến doanh nghiệp (DN) không bán được vì bán giá thấp thì lỗ, bán giá cao thì không ai mua.
Nhưng DN không chỉ bế tắc vì thị trường giảm mua mà còn bế tắc trong giải pháp kiểm soát chất lượng nguyên liệu xuất khẩu. “Hệ quả là với những thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…, chúng ta thiếu nguồn cung gạo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Tức gạo Việt không đáp ứng được các điều kiện mà họ đưa ra” - ông Tuấn nói.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, cho biết thị trường Trung Quốc đang có chính sách nhằm thắt chặt kiểm soát chất lượng, siết hạn ngạch gạo. Đặc biệt gạo hạt ngắn mấy năm nay xuất rất nhiều nhưng năm nay bị siết lại hạn ngạch nhập khẩu khiến các công ty Trung Quốc dừng luôn việc mua hàng vì tốn chi phí mua hạn ngạch, xin thủ tục.
Đứng trước những khó khăn trên, một số DN tiết lộ rất nhiều công ty xuất khẩu gạo đã tạm dừng hoạt động, nhiều nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng. Đáng chú ý hơn là gạo Việt chưa xuất khẩu được vào Nhật, trong khi Lào, Campuchia xuất khẩu ít gạo hơn ta nhưng gạo của họ đã vào được thị trường này.
Gạo Việt đang thất thế trước các đối thủ. Trong ảnh: DN giới thiệu sản phẩm gạo tại một triển lãm hàng nông nghiệp, thực phẩm. Ảnh: QH
Đừng xem thường người mua
Là một trong số ít DN duy trì được sản lượng lẫn giá trị xuất khẩu, ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Công ty Gạo Việt, cho hay nhờ chăm sóc tốt khách hàng nên vẫn xuất khẩu ổn định vào thị trường châu Âu, Nga. Ngoài ra, công ty không quá phụ thuộc thị trường Trung Quốc mà đa dạng nhiều thị trường xuất khẩu.
“Cần kiểm soát tốt chất lượng gạo thu mua, gạo đảm bảo chất lượng sẽ mua giá cao. Có như vậy mới có nguồn cung gạo sạch đáp ứng những thị trường khó tính. DN cũng nên tự mình làm thương hiệu gạo. Khi đã có gạo chất lượng thì thương hiệu đó được thị trường thế giới công nhận chứ không cần đao to búa lớn” - ông Long nhấn mạnh.
Theo ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thay vì phải chạy đôn chạy đáo tìm đường xuất khẩu, bất chấp giá cả, chất lượng… như hiện nay, Việt Nam cần định dạng lại sản lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu. Cụ thể là định hướng trong ngắn hạn đến năm 2020, nước ta chỉ nên xuất khẩu ở mức 2-3 triệu tấn/năm thay vì 7-8 triệu tấn/năm như hiện nay.
“Chúng ta cũng không nên cho rằng thị trường Trung Quốc là dễ tính nên không quan tâm việc xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Nếu không xây dựng được vùng nguyên liệu với bộ tiêu chuẩn về chất lượng, ngay cả thị trường Trung Quốc cũng dễ dàng vụt mất trong tương lai” - ông Năng cảnh báo.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng cho rằng nếu DN còn coi thường người tiêu dùng và sản xuất chế biến trên nền nhà bẩn thỉu, kho chứa gạo “có vấn đề”, quạt thông gió không chạy... như hiện nay thì khó mà phát triển xa hơn được.
Nhiều đối thủ mới Trên thị trường gạo Việt Nam gần đây xuất hiện nhiều loại gạo Thái Lan, Nhật Bản, Campuchia, Lào, Myanmar. Đặc biệt gạo nhập lậu từ Campuchia và Thái Lan tràn vào nước ta ngày càng nhiều. Đáng chú ý, gạo Việt sắp có thêm đối thủ mới là Hàn Quốc. Trao đổi với báo chí mới đây, ông Ko Sang Goo, đại diện một DN lớn của Hàn Quốc, nói: “Nghe việc mang gạo Hàn Quốc sang bán tại thị trường Việt Nam không ai tin vì Việt Nam vốn không thiếu gạo, lại là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới. Tuy nhiên, qua thời gian xuất khẩu thử nghiệm, gạo Hàn được tiêu thụ tốt ở Việt Nam cho dù giá gạo Hàn đắt gấp ba lần gạo Việt”. Giảm gần 2 triệu tấn Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, khối lượng xuất khẩu gạo 11 tháng đầu năm mới chỉ đạt hơn 4,5 triệu tấn, giảm 25% về khối lượng và giảm hơn 20% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Dự báo năm nay xuất khẩu gạo sẽ ở dưới mức 5 triệu tấn, giảm gần 2 triệu tấn so với kế hoạch đề ra. Một số thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh như Philippines (61,6%), Malaysia (51,5%), Singapore (34,1%), Bờ Biển Ngà (29,1%), Mỹ (28,3%)… Xuất khẩu gạo ít có các hợp đồng mới mà chủ yếu là hợp đồng từ năm ngoái. |