|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vì sao Đức kiểm soát dịch Covid-19 thành công, dỡ bỏ hạn chế từ ngày 20/4

10:46 | 22/04/2020
Chia sẻ
Trong khi phần lớn Tây Âu đã phải vật lộn để ngăn chặn đại dịch Covid-19, Đức trở thành một hình mẫu trong kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, với việc xét nghiệm rộng rãi, tiến hành theo dõi các liên hệ của người bệnh.

Điều này đã giúp giữ tỉ lệ tử vong ở quốc gia này thấp hơn nhiều so với các nước Tây Âu khác.

Đức đã tiến hành các dỡ bỏ các hạn chế phong tỏa đất nước bắt đầu từ hôm 20/4. Theo đó, những cửa hàng có diện tích dưới 800m2 được phép mở cửa trở lại miễn là đáp ứng đầy đủ các biện pháp giãn cách xã hội và an toàn vệ sinh. Những cửa hàng kinh doanh lớn hơn như đại lý xe hơi, cửa hàng sách cũng được phép hoạt động trở lại.

Ngành công nghiệp ô tô có ảnh hưởng và đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của quốc gia này. Nhiều hãng xe hơi đã tích cực tiến hành các vận động để các biện pháp phong tỏa được nới lỏng.

Tập đoàn ô tô Volkswagen đã mở lại một trong những nhà máy sản xuất lớn nhất của mình tại Đức hôm thứ Hai ở thành phố Zwickau. Nhiều nhà máy của tập đoàn này cũng sẽ hoạt động trở lại vào tuần tới.

Vì sao Đức thành công kiểm soát dịch bệnh, dỡ bỏ hạn chế từ ngày 20/4 - Ảnh 1.

Một phụ nữ đi ngang qua một biển hiệu ở Berlin, Đức khuyên mọi người nên ở nhà giữa đại dịch Covid (Ảnh: AFP).

Các trường học sẽ mở cửa trở lại vào ngày 4/5, ưu tiên tổ chức các cuộc thi cuối kì. Các cuộc tụ họp đông người sẽ vẫn bị cấm cho đến ngày 31/8. Các nhà hàng, rạp chiếu phim hiện vẫn đang trong tình trạng đóng cửa. Tóm lại, Đức dường như có một kế hoạch rõ ràng về con đường mở lại nền kinh tế.

Trong tầm kiểm soát

Đức có 147.065 trường hợp được xác nhận nhiễm virus corona trong đó có 4.862 ca tử vong, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins.

Những con số này thấp hơn hẳn so với một số nước láng giềng châu Âu: Tính đến thứ Hai, Tây Ban Nha đã ghi nhận 20.852 ca tử vong (và hơn 200.000 trường hợp nhiễm virus), Italy đã chứng kiến hơn 24.000 ca tử vong và Pháp hơn 20.000 ca tử vong trong khi số người chết ở Anh đã tăng lên 16.550.

Hôm thứ Sáu, viện Robert Koch, nơi đối chiếu dữ liệu virus corona của Đức, cho biết tỉ lệ lây truyền ở đây lần đầu tiên giảm xuống còn dưới 1 người (nghĩa là cứ 1 người có thể lây cho dưới 1 một người).

Tại sao Đức rất thành công trong việc đối phó với virus corona?

Theo các nhà phân tích, Đức có chiến lược đúng đắn khi kiểm soát các ổ dịch virus corona và những quốc gia khác có thể học hỏi từ Berlin.

″Điểm mấu chốt là Đức đã chuẩn bị tốt hơn, phi tập trung hơn (với số lượng phòng thí nghiệm phân tán có thể nhanh chóng tiến hành xét nghiệm quy mô lớn, khả năng truy xuất dấu vết liên hệ của người bị nhiễm và có phản ứng nhanh”, Bill Blain, một nhà phân tích của công ty Shard Capital, nói với CNBC hôm thứ Hai.

Các quốc gia như Anh, nơi bị chỉ trích vì gần như không thực hiện các hành động như xét nghiệm ở quy mô lớn hoặc theo dõi liên hệ của các người nhiễm, nên học hỏi kinh nghiệm từ Đức.

“Giai đoạn tiếp theo, các nền kinh tế sẽ mở cửa trở lại và một lần nữa Đức đang ở vị trí tốt hơn vì có nhiều xét nghiệm và theo dõi liên hệ hơn. Trong trường hợp tình hình không khả quan hơn, Anh nên học tập phương pháp của Đức”, ông lưu ý.

Việc Đức thận trọng khi mở cửa lại cũng có thể giúp các nền kinh tế châu Âu khác chưa dỡ bỏ các hạn chế (như Anh và Pháp) có một cái nhìn sâu sắc về cách người dân và nền kinh tế phản ứng lại với việc được phong tỏa được dỡ bỏ.

“Một trong những câu hỏi sẽ là, khi phải ở trong nhà quá lâu và buộc phải tiết kiệm tiền.. mọi người sẽ ra sao nếu lệnh phong tỏa được dỡ bỏ một phần, có vội chi tiêu ngay lập tức hay không?", Paul Donovan, nhà kinh tế tại UBS Global Wealth Management bày tỏ quan điểm hôm thứ Hai.

Donovan cũng nhấn mạnh, nếu một đợt sóng thứ 2 của dịch Covid-19 xuất hiện thì chúng ta đã có “một sự chuẩn bị tốt hơn”.

“Các hệ thống chăm sóc sức khỏe sẽ có khả năng đối phó tốt hơn và mọi người nói chung cũng sẽ được chuẩn bị tốt hơn, và các công ty cũng vậy ... vì vậy, thiệt hại kinh tế của các đợt dịch tiếp theo sẽ bị giảm bớt” và "các biện pháp phong tỏa tiếp theo cũng có thể sẽ ở quy mô nhỏ hơn".

Tuy nhiên, Đức chắc chắn không tránh khỏi suy thoái kinh tế do lệnh phong tỏa. Tuần trước, Quỹ tiền tệ quốc tế IMF dự đoán, kinh tế Đức sẽ giảm 7% vào năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Hôm thứ Hai, ngân hàng trung ương Bundesbank báo cáo, nền kinh tế Đức đang trong thời kỳ suy thoái nghiêm trọng và sự phục hồi khó có thể nhanh chóng, do “những hạn chế đáng kể” có thể sẽ tồn tại trong một thời gian.

Không có một cách tiếp cận về việc dỡ bỏ phong tỏa phù hợp với tất cả

Mặc dù Đức có thể là một hình mẫu để các quốc gia khác xem xét về việc liệu có nên dỡ bỏ hoặc nới lỏng các hạn chế hay không thì các nhà phân tích kinh tế vẫn cho rằng, khó "có một cách tiếp cận phù hợp với tất cả"

“Tôi nghĩ sẽ không có một mô hình duy nhất để mọi người có thể chỉ ra và nói ‘làm theo cách đó’ trong cách sắp xếp thứ tự mở lại (nền kinh tế), hoặc thực sự khi mọi thứ nên được mở lại,” Neil Shear, trưởng nhóm chuyên gia phân tích kinh tế tại Capital Economics cho biết.

Theo ông, “các quốc gia sẽ mở cửa vào những thời điểm khác nhau, các lĩnh vực sẽ mở ra theo những cách khác nhau”, nhấn mạnh việc cho phép các hãng xe hơi của Đức hoạt động trở lại “rõ ràng phản ánh tầm quan trọng của ngành công nghiệp ô tô” ở nước này.

Tuy nhiên, mặc dù “không có một cách tiếp cận cho toàn bộ nhưng sẽ có một số điểm chung và một phần trong đó sẽ là sự mở cửa trở lại của nền kinh tế theo từng ngành”.

Bình An (Theo CNBC)

S&P 500 tiến sát đỉnh khi thị trường tiếp tục lạc quan với chính sách của Tổng thống Trump
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ.