|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Vì sao ‘cha đẻ’ ChatGPT không muốn nói đến thành công của mình?

11:38 | 06/02/2023
Chia sẻ
Sự thành công của ChatGPT kích hoạt một cuộc đua mới trong lĩnh vực AI, song Sam Altman, CEO OpenAI, lại không muốn nói nhiều về thành công của nó.

Sam Altman, CEO OpenAI. (Ảnh: NYTimes).

Vào một ngày giữa tháng 11/2022, nhân viên tại OpenAI nhận được một nhiệm vụ ngoài mong đợi: Nhanh chóng triển khai một công cụ trò chuyện (chatbot).

Một lãnh đạo công ty nói rằng chatbot sẽ có tên “Chat with GPT-3.5” và sẽ được tung ra miễn phí cho người dùng đại trà chỉ trong vòng hai tuần.

Thông báo nói trên khiến nhiều nhân viên OpenAI cảm thấy thắc mắc. Suốt cả năm, công ty trí tuệ nhân tạo có trụ sở tại San Francisco này nỗ lực cho sự ra mắt của GPT-4, một model (mô hình) AI mới có khả năng viết luận, giải quyết các vấn đề lập trình phức tạp và nhiều tác vụ khác một cách hoàn thiện.

Sau nhiều tháng thử nghiệm và tinh chỉnh, GPT-4 gần như đã hoàn thành. Kế hoạch OpenAI đặt ra là ra mắt phiên bản này vào đầu năm 2023 cùng một vài công cụ chatbot để người dùng có thể tự mình trải nghiệm phiên bản mới.

Thế nhưng, các lãnh đạo OpenAI đã thay đổi quyết định. Một số người đã lo ngại rằng các công ty đối thủ có thể vượt mặt OpenAI bằng cách ra mắt các công cụ chatbot AI của riêng minh trước GPT-4. Bên cạnh đó, việc ra mắt một công cụ nhanh chóng bằng cách dùng một model AI cũ có thể giúp họ thu thập phản hồi để cải tiến model mới. Cuối cùng, họ chốt lại bằng việc cập nhật lại một chatbot chưa ra mắt sử dụng phiên bản GPT-3 vốn đã được giới thiệu từ năm 2020.

13 ngày sau đó, ChatGPT ra đời.

Vài tháng sau khi ra mắt, ChatGPT trở thành một hiện tượng toàn cầu. Hàng triệu người đã dùng nó để sáng tác thơ hay phát triển ứng dụng. Bên cạnh việc được truyền thông và nhiều lãnh đạo kinh doanh tán dương, ChatGPT cũng đang kích hoạt một làn sóng các nhà đầu tư muốn “có chân” trong làn sóng bùng nổ AI tiếp theo.

Dù vậy, ChatGPT cũng gây ra nhiều tranh cãi. Người dùng nói về việc ChatGPT thường xuyên đưa ra các câu trả lời không chính xác. Một số nhà nghiên cứu AI chỉ trích sự thiếu trách nhiệm của OpenAI. Nhiều trường học ở New York, Mỹ đã cấm dùng ChatGPT với lo ngại hàng loạt bài tập về nhà của học sinh sẽ được giải quyết bằng công cụ này.

Không có nhiều thông tin được chia sẻ về nguồn gốc của ChatGPT hoặc chiến lược đằng sau nó. Bên trong công ty, ChatGPT được xem là một bất ngờ lớn – một thành công chỉ sau một đêm mang đến cả cơ hội và những cơn đau đầu, một số nhân viên OpenAI chia sẻ với NYTimes.

Trước khi ChatGPT ra mắt, một số nhân viên OpenAI hoài nghi về khả năng thành công của nó. Một chatbot AI mà Meta ra mắt vài tháng trước đó, BlenderBot, đã thất bại, và một dự án khác của Meta AI là Galactica cũng bị gỡ bỏ chỉ sau ba ngày. Một số nhân viên thậm chí cho rằng một chatbot phát triển dựa trên một model AI cách đây đã hai năm là rất buồn chán.

Thế nhưng hai tháng sau khi ra mắt, ChatGPT đã có hơn 30 triệu người dùng và nhận được gần 5 triệu lượt truy cập mỗi ngày, hai nguồn tin thân cận với vấn đề nói. Điều này đồng nghĩa với việc ChatGPT là một trong những sản phầm phần mềm tăng trưởng nhanh nhất trong lịch sử.

Tăng trưởng nhanh cũng mang đến nhiều thách thức. ChatGPT thường bị “sập” do hết hiệu năng xử lý. Bên cạnh đó, người dùng cũng tìm được cách vượt qua được các tính năng an toàn của ChatGPT. Cơn sốt ChatGPT cũng khiến nhiều đối thủ tại các công ty lớn nóng mặt và thẳng thắn nói rằng công nghệ đằng sau ChatGPT không có gì mới mẻ.

ChatGPT hiện tại còn là một “hố chôn tiền”. Công cụ này không có quảng cáo và có thể phát sinh hàng triệu USD mỗi tuần cho chi phí vận hành. Để bù đắp chi phí, OpenAI mới đây công bố sẽ sớm triển khai gói dịch vụ đăng ký theo tháng với giá 20 USD có tên ChatGPT Plus.

Bất chấp các hạn chế, thành công của ChatGPT cũng đã đưa OpenAI vào hàng những “tay chơi” lớn của Thung lũng Silicon. Công ty này mới đây đạt được thoả thuận trị giá 10 tỷ USD với Microsoft để tích hợp công nghệ của mình vào công cụ tìm kiếm Bing và các sản phẩm khác của Microsoft. Trong khi đó, Google bật chế độ “báo động đỏ” để đáp lại ChatGPT đồng thời đẩy nhanh nỗ lực phát triển nhiều sản phẩm AI của riêng mình.

Sam Altman, CEO OpenAI, cho biết mục tiêu của anh ở OpenAI là tạo ra thứ được biết đến với thuật ngữ “trí tuệ nhân tạo tổng quát” (artificial general intelligence, hay AGI), một loại AI có khả năng tương đương với trí tuệ con người.

Ở thời điểm hiện tại, Sam Altman đang lo lắng về việc thành công lớn của ChatGPT có thể kéo theo nhiều cơ chế quản lý mới đồng thời tạo ra các kỳ vọng thổi phồng cho các phiên bản tiếp theo của công cụ này. Trên Twitter, anh cố gắng kìm hãm sự hào hứng của cộng đồng bằng việc khẳng định ChatGPT “còn nhiều hạn chế” và cảnh báo người dùng rằng “việc dựa vào nó cho các vấn đề quan trọng là một sai lầm”.

Anh đồng thời khuyến khích nhân viên của mình không nói nhiều về thành công của ChatGPT. Hồi tháng 12/2022, vài ngày sau khi công ty công bố thông tin hơn 1 triệu người đã đăng ký sử dụng dịch vụ, Greg Brockman, chủ tịch OpenAI, chia sẻ trên Twitter rằng ChatGPT đã có 2 triệu người dùng. Altman yêu cầu ông xoá nội dung trên đồng thời cho rằng việc quảng bá tăng trưởng thần tốc như vậy là không khôn ngoan.

OpenAI là một công ty kì lạ, theo tiêu chuẩn của Thung lũng Silicon. Khởi động vào năm 2015 như một dự án nghiên cứu phi lợi nhuận của một nhóm các nhà lãnh đạo công nghệ là Sam Altman, Peter Thiel, Reid Hoffman và Elon Musk, mãi tới năm 2019, OpenAI mới mở một công ty con hoạt động vì lợi nhuận và có hợp đồng 1 tỷ USD với Microsoft. Từ thời điểm đó, công ty này mở rộng ra quy mô 375 nhân sự, chưa kể các nhân sự thuê ngoài cho mục đích huấn luyện và kiểm thử AI tại các khu vực như Tây Âu và Mỹ Latinh.

Ngay từ đầu, OpenAI đã hoạt động theo hướng muốn đảm bảo AI sẽ có tính an toàn và song hành với giá trị của con người. Thế nhưng, trong một năm trở lại đây, công ty này bắt đầu đón nhận tinh thần cạnh tranh lớn hơn và một số người chỉ trích rằng họ đã đánh đổi mục đích ban đầu nói trên.

Nỗi lo lắng lớn dần vào mùa hè năm ngoái khi OpenAI giới thiệu DALL-E 2, một phần mềm tạo ảnh có khả năng chuyển thể các đoạn văn bản thành hình ảnh số. Ứng dụng này được người dùng đón nhận mạnh mẽ kèm theo câu hỏi rằng những công cụ như vậy có thể gây hại như thế nào.

Để giải quyết quan ngại này, OpenAI đưa vào DALL-E 2 nhiều rào cản an toàn và chặn một số từ/cụm từ nhất định. Nó cũng huấn luyện công cụ của mình để tránh sự thiên lệch trong xử lý thông tin. Ví dụ, khi người dùng nói vẽ hình ảnh  một CEO, DALL-E 2 sẽ trả hình ảnh bao gồm cả phụ nữ.

Tuy nhiên, điều này lại khiến nhiều lãnh đạo công ty không thoải mái. Một trong số đó là Altman khi anh cho rằng các chatbot AI nên có tính cá nhân hoá theo sở thích người dùng. Điều này có nghĩa là người này có thể chọn bản chatbot an toàn hơn trong khi đó người khác có thể chọn bản lỏng lẻo hơn.

OpenAI chọn cách tiếp cận ít hạn chế hơn với ChatGPT khi công cụ này có thể đưa ra cả các nội dung về các chủ đề như chính trị hay tôn giáo. Khi sản phẩm bắt đầu bị các cơ quan quản lý để ý, Altman đang cố gắng giúp ChatGPT tránh khỏi các rắc rối. Tuần trước, anh bay tới Washington để gặp các nhà hoạch định luật pháp, giải thích điểm mạnh và điểm yếu của công cụ này và giải quyết các hiểu lầm về cách nó hoạt động.

Trở lại Thung lũng Silicon, Altman đón nhận một loạt chú ý mới. Bên cạnh thương vụ 10 tỷ USD với Microsoft, Altman cũng gặp nhiều lãnh đạo của Apple và Google vài tuần trở lại đây. Đồng thời, dịch vụ này cũng ký thoả thuận hợp tác tạo nội dung bằng AI với BuzzFeed.

Cuộc đua AI đang nóng lên. Baidu sẽ giới thiệu một công cụ tương tự ChatGOT vào tháng 3 tới, theo Reuters. Anthropic, một công ty AI của một cựu nhân sự OpenAI, cũng đang đàm phán gọi vốn 300 triệu USD. Và Google cũng tăng tốc với hàng loạt công cụ AI.

OpenAI cũng có kế hoạch ra mắt GPT-4 trong năm nay. Khi đó, những gì ChatGPT làm được có thể cực kỳ tẻ nhạt. Hoặc, khi chúng ta đã quen với những gì AI làm được, GPT-4 cũng không thực sự gây sốc.

Nam Khánh