Vì sao các công ty Trung Quốc vẫn 'lao đầu' vào metaverse bất chấp cảnh báo từ chính phủ?
Bất chấp sự thận trọng từ chính phủ, những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đang đứng trước áp lực buộc phải tham gia thị trường metaverse nếu không muốn thua kém những đồng nghiệp phương Tây, theo South China Morning Post.
Tuần qua, nền tảng phát trực tuyến Bilibili tuyên bố sẵn sàng phát triển công nghệ metaverse (vũ trụ ảo). Bilibili là cái tên mới nhất đưa ra tuyên bố về cuộc đua metaverse. Trước đó, hai gã khổng lồ trong ngành công nghiệp game là Tencent Holdings và NetEase là những cái tên đầu tiên đưa ra ý kiến.
Cũng trong tháng này, các hãng viễn thông gồm China Mobile, China Unicom và China Telecom đã hợp tác với một số công ty công nghệ để thành lập Ủy ban Công nghiệp Metaverse, nhóm công nghiệp đầu tiên của Trung Quốc dành riêng cho khái niệm này.
Tuy nhiên, giữa lúc các công ty Trung Quốc đổ xô đón nhận metaverse, các phương tiện truyền thông nhà nước lại cảnh báo các nhà đầu tư không nên quan tâm tới những lời quảng cáo được thổi phồng.
Tờ People's Daily, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc mới đây đã cảnh báo rằng "mọi người nên giữ sự bình tĩnh để hiểu tình hình hiện tại, hiểu vì sao lại có sự quan tâm lớn đối với metaverse".
Tuần trước, Nhật báo Kinh tế cũng cảnh báo về tình trạng đầu cơ đối với các cổ phiếu liên quan đến khái niệm metaverse. Trong một bài bình luận, tờ báo cho rằng các nhà đầu tư không nên vội vàng đổ tiền vào một khái niệm còn mới như metaverse, vì đây là một thứ đòi hỏi sự đầu tư và phát triển lâu dài.
Các nhà phân tích cho biết, các công ty công nghệ Trung Quốc hiện đang chạy đua để nắm lấy công nghệ trong vũ trụ metaverse. Serkan Toto, CEO công ty tư vấn Kantan Games có trụ sở tại Tokyo, cho biết phải mất nhiều năm để các công ty xây dựng trải nghiệm metaverse phức tạp, khiến những người tham gia thị trường muộn gặp bất lợi. Theo Bloomberg Intelligence, ngành công nghiệp metaverse được dự báo sẽ đạt giá trị 800 tỷ USD vào năm 2024.
"Những gã khổng lồ Trung Quốc không muốn bị bỏ lại phía sau trong cuộc đấu mới này. Metaverse ở khắp mọi nơi, khiến các công ty này chịu áp lực nhất định và cho họ đã bắt đầu nghĩ về nó", ông Toto nói thêm.
Mối quan tâm của cộng đồng xung quanh khái niệm metaverse đã tăng lên trong năm nay, sau khi Epic Games lập luận trong vụ kiện chống lại Apple rằng yêu cầu của App Store đối với các nhà phát triển sử dụng hệ thống thanh toán của Apple gây khó khăn cho việc xây dựng trải nghiệm metaverse. Cũng trong khoảng thời gian đó, Roblox đã biến metaverse trở thành một phần cốt lõi trong sứ mệnh của công ty.
Tháng trước, sự chú ý về metaverse đã được nâng lên một tầm cao mới khi Facebook đổi tên công ty thành Meta để thể hiện cam kết đối với khái niệm này. Tiếp đó, gã khổng lồ Microsoft cũng thông báo sẽ thay đổi hệ sinh thái hướng đến metaverse.
Chenyu Cui, chuyên gia phân tích tại công ty tư vấn Omdia có trụ sở tại London, cho biết các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc có thể đã định vị doanh nghiệp theo một hướng khác trong nhiều năm. Tuy nhiên, tuyên bố của Facebook và Microsoft có thể khiến họ thay đổi cách nhìn.
"Tencent đã đầu tư vào Roblox. ByteDance đã mua lại công ty VR Pico và NetEase đã đầu tư vào mạng xã hội metaverse IMVU. Một loạt hành động này cho thấy những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đang hướng nguồn lực vào những khái niệm và xu hướng phổ biến của giới công nghệ", chuyên gia Chenyu Cui nói.
Daniel Ahmad, nhà phân tích cấp cao của công ty nghiên cứu trò chơi điện tử Niko Partners, cũng nói rằng các gã khổng lồ Trung Quốc đã chuẩn bị cho metaverse trong một thời gian nhất định.
"Niko Partners tin rằng các trò chơi điện tử phục vụ trực tiếp đã được xây dựng theo hướng metaverse trong một vài năm. Các công ty có kinh nghiệm trong cả mảng phát triển trò chơi điện tử và truyền thông xã hội sẽ có lợi thế hơn khi tham gia vào thị trường metaverse", Ahmad khẳng định.