Vì đâu lãi suất cho vay tiêu dùng cao gấp 3 lần lãi vay ngân hàng?
Sáng ngày 12/7, Báo Đầu tư tổ chức Tọa đàm về thị trường tài chính tiêu dùng với chủ đề “Phát triển tài chính bán lẻ – cơ hội thúc đẩy tiêu dùng, phục vụ tăng trưởng kinh tế”.
ọa đàm về thị trường tài chính tiêu dùng với chủ đề “Phát triển tài chính bán lẻ – cơ hội thúc đẩy tiêu dùng, phục vụ tăng trưởng kinh tế. (Ảnh: Trúc Minh). |
Ông Nguyễn Tú Anh - Phó Vụ Trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ cho hay, cùng với sự phát triển kinh tế, tỷ trọng tiêu dùng trong tổng GDP của Việt Nam liên tục tăng cao. Cụ thể, tỷ trọng tiêu dùng trên GDP đã tăng phi mã từ 52,5% vào năm 2005 và lên đỉnh điểm 77,7% trong năm 2009. Sau đó, sụt giảm đến đáy vào năm 2012 khi nền kinh tế rơi vào khủng hoảng. Ngay sau đó, từ 2013 tỷ lệ này liên tục tăng cao và đạt 78,34% vào năm 2016.
Dư nợ tín dụng tiêu dùng chiếm 11,7% dư nợ nền kinh tế
Trong những năm gần đây, tín dụng tiêu dùng đã có bước tăng trưởng nhảy vọt. Theo TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế, tính đến cuối năm 2016, dư nợ tín dụng tiêu dùng là 646.000 tỷ đồng (khoảng 28 tỷ USD), chiếm 11,7% tổng dư nợ của nền kinh tế.
Dự báo mới đây của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), quy mô thị trường tài chính tiêu dùng sẽ đạt mốc 1 triệu tỷ vào năm 2019. Tuy nhiên, với mức tăng trưởng liên tục từ 20% - 30%/năm từ năm 2010, con số này có thể đạt được sớm hơn so với dự báo.
TS Lực cho rằng, phát biểu tín dụng tiêu dùng phát triển quá nóng là chưa chuẩn khi không hiểu rõ bản chất. Bởi thị trường tài chính tiêu dùng còn rất lớn, khi có cầu mới xuất hiện cung.
Ông cũng đánh giá, tín dụng tiêu dùng còn nhiều tiềm năng phát triển tại thị trường Việt Nam với dân số trẻ, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, tỷ lệ tiêu dùng trên GDP ở mức cao. Hơn nữa, tỷ lệ tiếp cận dịch vụ tài chính ở Việt Nam còn hạn chế, 39% người lớn có tài khoản ở ngân hàng, chỉ 1% giao dịch thực hiện bằng thẻ tín dụng. Ngoài ra, sự phát triển của dịch vụ tài chính số sẽ là một điều kiện thuận lợi để tín dụng tiêu dùng phát triển.
Ông Đặng Thanh Hùng – Đại diện FE Credit cho biết, theo báo cáo vào tháng 6/2017 của Stoxplus, tỷ lệ tín dụng tiêu dùng trên GDP của Việt Nam là 9,8%, vẫn còn thấp so với các nước khác như Malaysia (14%), Anh (16%), Mỹ (23%).
Vì đâu lãi suất cho vay tiêu dùng cao gấp 3 lần lãi vay ngân hàng?
Vai trò của tài chính tiêu dùng là không thể phủ nhận. Khi thị trường tài chính tiêu dùng phát triển, càng nhiều người quan tâm đến lãi suất cho vay của các công ty tài chính (CTTC).
Nhiều ý kiến cho rằng lãi suất cho vay tiêu dùng của các CTTC hiện đang ở mức cao. Lãi suất cho vay tiêu dùng thông thường trên thị trường hiện nay đang gấp khoảng 3 lần lãi suất cho vay cùng kỳ hạn của các ngân hàng.
Ông Phạm Xuân Hoè – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng đưa ra bốn nguyên nhân dẫn đến lãi suất cho vay tiêu dùng hiện nay còn cao.
Thứ nhất, đối tượng cho vay của các CTTC là phân khúc khách hàng “dưới chuẩn”, không đáp ứng đủ điều kiện cấp tín dụng của ngân hàng.
Thứ hai, các khoản cho vay tiêu dùng thường là những khoản vay nhỏ, không có tài sản bảo đảm,… có độ rủi ro cao hơn so với các ngân hàng nên phần bù rủi ro trong yếu tố cấu thành lãi suất cao hơn.
Thứ ba, chi phí vốn đầu vào của các CTTC luôn cao hơn so với các ngân hàng. CTTC khôNg trực tiếp huy động vốn từ dân cư mà chủ yếu hoạt động bằng vốn điều lệ cộng với nguồn thu từ phát hành trái phiếu. Theo khảo sát của Viện thì chi phí vốn bình quân đầu vào chiếm từ 22% đến 63%.
Thứ tư, chi phí hoạt động trên một khoản vay ở mức cao. Do khoản vay có giá trị nhỏ, kỳ hạn ngắn (từ 6 – 18 tháng) nên chi phí thẩm định, làm hồ sơ thủ tục, thu hồi nợ, quản lý khoản vay,… dẫn đến việc CTTC buộc phải áp dụng lãi suất cao.