|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

VCCI: 'Nhiệt kế doanh nghiệp' xuống rất thấp, chỉ 1/3 cho biết sẽ mở rộng quy mô trong hai năm tới

15:05 | 11/04/2023
Chia sẻ
Theo ông Đậu Anh Tuấn, niềm tin của doanh nghiệp đang ở mức rất thấp, chỉ 35% doanh nghiệp tư nhân Việt Nam và 33% doanh nghiệp FDI cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong hai năm tiếp theo.

Một trong những vấn đề đáng báo động được nêu ra tại Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022 là việc niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp ở mức rất thấp, các doanh nghiệp thận trọng với triển vọng trung hạn.

Theo ông Đậu Anh Tuấn,Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, chỉ 35% doanh nghiệp tư nhân Việt Nam và 33% doanh nghiệp FDI cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong hai năm tiếp theo.

Con số này cho thấy "nhiệt kế doanh nghiệp" đang có phần nguội đi, bởi trước đó, tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến mở rộng sản xuất kinh doanh có thời điểm lên tới 60% năm 2017. Mặc dù, năm 2022, nhiệt kế doanh nghiệp có tăng nhẹ so với năm 2021 (năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19) song vẫn ở mức thấp xét theo chuỗi thời gian.

'Nhiệt kế doanh nghiệp' tư nhân. (Nguồn: Báo cáo PCI 2022).

Kết quả Điều tra PCI 2022 cho thấy chỉ 35% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong hai năm tiếp theo. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp dự định giảm quy mô kinh doanh hoặc đóng cửa doanh nghiệp là 10,7%, tiếp tục ở mức cao kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện.

Quy mô doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân ở mức thấp kể từ đại dịch COVID-19. Trong điều tra PCI 2022, một doanh nghiệp tư nhân điển hình có quy mô vốn khoảng 15,6 tỷ đồng và 21 lao động, trong khi năm 2019, quy mô vốn và lao động của một doanh nghiệp điển hình lần lượt là 22,3 tỷ đồng và 23 lao động.

Ông Đậu Anh Tuấn,Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI. (Ảnh: VCCI).

Trong năm 2022, chỉ 5,1% doanh nghiệp tăng vốn đầu tư và 4,9% doanh nghiệp tăng quy mô lao động, giảm đáng kể so với mức của năm 2019 (với tỷ lệ tương ứng là 8,3% và 11,5%). Về hiệu quả kinh doanh, chỉ 42,6% doanh nghiệp tư nhân cho biết có lãi trong năm 2022, thấp hơn đáng kể con số 63% của năm 2019.

Tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ năm 2022 là 35,3% trong khi năm 2019 chỉ ở mức 23,4%. Cả hai con số tỷ lệ doanh nghiệp báo lãi hoặc báo lỗ của ba năm gần đây là những chỉ báo cho thấy các doanh nghiệp tư nhân trong nước đã trải qua một quãng thời gian khó khăn trong hoạt động kinh doanh.

 Nguồn: Báo cáo PCI 2022.

Với khối doanh nghiệp FDI, theo ông Đậu Anh Tuấn, năm 2022, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã có sự phục hồi vững chắc hơn sau đại dịch. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI mở rộng quy mô lao động tăng rõ rệt, từ 50,56% trong năm 2021 lên 55,77% năm 2022.

Trong khi năm 2021 chứng kiến tỷ lệ doanh nghiệp FDI báo lãi ở mức thấp kỷ lục (38,72%) thì đến năm 2022, tỷ lệ này đã tăng đáng kể (lên mức 42,77%). Các nhà đầu tư nước ngoài dường như đã điều chỉnh hoạt động để ổn định doanh thu và chi phí. Tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ giảm từ mức cao kỷ lục 47,9% năm 2021 xuống còn 44,88% năm 2022.

Chỉ có 6,24% doanh nghiệp FDI tham gia điều tra PCI-FDI cho biết đã tăng vốn đầu tư trong năm 2022, mức thấp nhất kể từ năm 2014. Nhiệt kế doanh nghiệp, một chỉ báo về niềm tin của doanh nghiệp FDI cho thấy bằng chứng rõ hơn.

Với con số 33% doanh nghiệp FDI có dự định tăng quy mô trong năm tới, đây là mức sụt giảm mạnh so với mức 47,7% của năm 2021, giai đoạn khởi sắc ngắn ngủi sau dịch và thấp hơn nhiều so với mức trước dịch, khi con số này chưa bao giờ xuống dưới 45% trong thời gian từ 2014 đến 2019.

Hạ An

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.